Bắc Giang: Công trình xử lý ô nhiễm môi trường ở Bệnh viện Đa khoa đang được xử lý như thế nào

15/06/2023 147 lượt xem quantri

Công trình tiền tỷ bỏ không

Ông Đào Minh Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang cho biết, để thực hiện Quyết định 64/2003/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bệnh viện đã đầu tư một số trang thiết bị để xử lý như, mua và đặt các thùng rác công cộng có nắp đậy tại các khoa phòng, vận động bệnh nhân và người nhà phân loại rác ngay tại nguồn. Công tác xử lý rác sinh hoạt đã được Bệnh viện ký hợp đồng với Công ty quản lý đô thị Bắc Giang đảm bảo rác được xử lý trong ngày.

Đặc biệt, năm 2011, Bệnh viện xây dựng Dự án xử lý nước thải với tổng vốn đầu tư hơn 2,3 tỷ đồng do Tổ chức cộng đồng chung Châu Âu (GVC) tài trợ, trong đo, có xây dựng 2 nhà điều hành xử lý nước thải, rác thải riêng biệt. Bên cạnh đó, Tổ chức Phi chính phủ của Hà Lan cũng tài trợ 1 lò đốt rác thải rắn y tế theo công nghệ EU. Tuy vậy, chỉ sau 6 tháng vận hành (có nghĩa chỉ qua thời gian chạy thử), công trình tiền tỷ này đã phải ngừng hoạt động. Hài hước hơn, lò đốt rác do tổ chức Phi chính phủ Hà Lan tài trợ còn chưa được đầu tư lắp đặt hệ thống xử lý khói. Thế nhưng, Bệnh viện vẫn duy trì hoạt động của lò đốt, mặc dù biết khi vận hành xử lý sẽ không đảm bảo các điều kiện về môi trường, nhất là khí thải. Lý giải những vấn đề trên ông Sơn cho biết: Công trình xử lý nước thải sau khi hoàn thành, phía Tổ chức Phi chính phủ vẫn chưa tiến hành các thủ tục bàn giao và khi Trạm xử lý trục trặc kỹ thuật cũng không nhận được sự hỗ trợ từ Tổ chức này. Vì vậy, công trình đã bỏ không lãng phí hơn 3 năm nay. Hơn nữa, để lắp đặt hệ thống xử lý khói của lò đốt rác y tế cần đầu tư hơn 1 tỷ đồng thực hiện, Bệnh viện chưa có nguồn kinh phí đó.

 

Tuy nhiên, Bệnh viện vẫn tiến hành đốt vì theo ông Sơn “Bệnh viện không còn lựa chọn nào khác là chấp nhận sống chung với ô nhiễm còn hơn để rác thải ùn ứ, chất đống ở đó thì nguy cơ mầm bệnh lây truyền còn tệ hơn”.

Lại tiếp tục chờ đầu tư?

Được đánh giá là một trong những Bệnh viện đầu ngành lớn nhất của tỉnh Bắc Giang với khoảng 600 cán bộ, nhân viên với quy mô trên 700 giường bệnh, thường xuyên phải điều trị nội trú từ 600 đến 700 bệnh nhân. Mỗi ngày, Bệnh viện này tiếp nhận từ 500 đến 600 lượt, ngày nhiều là từ 800 đến 1000 lượt bệnh nhân tới khám, điều trị. Mỗi tháng, Bệnh viện thải ra khoảng 50m3 rác thải sinh hoạt, hơn 2.400 kg rác thải y tế và hơn 10.000 m3 nước thải. Vậy mà hiện nay, Bệnh viện vẫn vận hành một lò đốt rác thải không đạt chuẩn có nguy cơ phát sinh ô nhiễm cao. Để khắc phục những vấn đề trên, không còn cách nào khác là lại tiếp tục chờ ngân sách Nhà nước rót vốn để tiếp tục đầu tư. Theo bà Đàm Thị Hương Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Bắc Giang) cho biết: Để xử lý rác thải rắn y tế, vừa qua UBND tỉnh đã có Quyết định số 343/QĐ-UBND ngày 6/3/2015 về việc phê duyệt chủ chương đầu tư xây dựng công trình hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cụm số 1 (thành phố Bắc Giang).

Như vậy, hàng tỷ đồng của các tổ chức phi chính phủ đổ vào nhằm cứu vãn sự ô nhiễm môi trường hiện hữu tại bệnh viện hàng đầu tỉnh Bắc Giang đã bị “đổ xuống biển” mà chưa có ai chịu trách nhiệm? Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng đây là sự thờ ơ vô trách nhiệm của cơ sở được hưởng thụ Dự án hay đây là cách “giải ngân” của một đơn vị chủ trì đứng ra ký hợp đồng nào đó mà Bệnh viện Bắc Giang không muốn đề cập đến? Để giờ đây, gánh nặng cải thiện môi trường  lại đổ vào ngân sách quốc gia?

Nguồn tin: moitruongvn.org

15/06/2023 147 lượt xem quantri