-> Xem thêm: Hệ thống xử lý phân bùn hầm cầu
Sẽ gắn thiết bị theo dõi hành trình
. Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về việc hàng tấn bùn hầm cầu được xả thẳng ra kênh mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh trong những ngày qua?
+ Ông Nguyễn Toàn Thắng (ảnh): Trước hết, tôi rất cám ơn báo Pháp Luật TP.HCM đã bỏ thời gian, công sức để theo dõi, phát hiện và phối hợp thông tin để Công an huyện Hóc Môn kịp thời bắt quả tang các đối tượng xả thải trái quy định.
Tôi cũng rất bức xúc về hành vi của một số cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, xả bùn hầm cầu ra kênh, gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.
. Việc xả lén bùn hầm cầu ra kênh không phải là lần đầu tiên, thưa ông?
+ Trước đó, TP đã từng phát hiện một số đơn vị lén lút xả bùn hầm cầu ra môi trường và TP cũng đã có văn bản chỉ đạo Sở TN&MT cùng các ngành có liên quan xử lý. Đồng thời yêu cầu quận/ huyện tăng cường xử lý vi phạm trong hoạt động thu gom, vận chuyển bùn hầm cầu tại địa phương; thống kê các đơn vị thu gom, vận chuyển loại chất thải này gửi về Sở để phối hợp quản lý. TP cũng đã giao Sở phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các xe, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
. Hành vi đổ hàng tấn bùn hầm cầu ra kênh, rạch sẽ bị xử phạt như thế nào và trách nhiệm của Sở trong vụ việc này, thưa ông?
+ Bùn hầm cầu khi xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm rất nghiêm trọng vì chứa nhiều loại vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.
Theo Nghị định 155/2016 của Chính phủ, ngoài việc phạt tiền thì hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật và khắc phục hậu quả.
Xe tải 54X-5256 lùi vào miệng ống bí mật và bùn hầm cầu được tống thẳng ra kênh Trần Quang Cơ. Ảnh: HOÀI NAM
Qua sự việc mà báo phản ánh, Sở TN&MT sẽ nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước đối với các hoạt động thu gom bùn thải để không xảy ra sự việc tương tự.
. Như ông nói, trước đây đã từng xảy ra việc đổ bậy bùn hầm cầu, giờ việc này lại tiếp diễn. Vậy Sở TN&MT có động thái gì để không còn tình trạng này?
+ Về vấn đề này, trước đó Sở đã triển khai nhiều giải pháp để quản lý, giám sát, xử lý. Sở đã có nhiều văn bản hướng dẫn, đề nghị các quận/huyện, đơn vị báo cáo và tăng cường công tác quản lý các phương tiện vận chuyển bùn hầm cầu. Phân cấp cho các quận/huyện trực tiếp xác nhận trên tờ khai đăng ký hoạt động dịch vụ thu gom, vận chuyển bùn hầm cầu kể từ năm 2014. Đồng thời kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm hành vi đổ bậy. Chúng tôi cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Sở giám sát đơn vị quản lý và gắn niêm phong chì các xe thu gom, vận chuyển bùn hầm cầu.
Định kỳ sáu tháng, chúng tôi cập nhật lên website của Sở danh sách các xe thu gom. Trường hợp các xe ký hợp đồng với công ty xử lý chất thải nhưng không vận chuyển hoặc vận chuyển về ít thì phải báo cáo ngay cho Sở, UBND quận/huyện nơi đơn vị đặt trụ sở chính và Phòng Cảnh sát môi trường để theo dõi.
Thời gian tới, Sở sẽ đẩy mạnh phối hợp với UBND các quận/huyện, phòng CSGT, cảnh sát môi trường để kiểm tra, xử lý các phương tiện vận chuyển bùn hầm cầu mà không đăng ký.
Chúng tôi đang xây dựng lộ trình bắt buộc gắn thiết bị theo dõi hành trình đối với các xe thu gom, vận chuyển bùn hầm cầu theo quy định của Nghị định 86/2014 của Chính phủ. Hiện nay, số liệu báo cáo từ quận/huyện và các đơn vị xử lý thì có 80 xe vận chuyển bùn hầm cầu trên địa bàn TP.HCM. Đến quý II-2018, toàn bộ xe này phải được gắn thiết bị theo dõi hành trình. Đây sẽ là giải pháp quản lý hiệu quả giúp kiểm soát tốt hơn hành trình của các xe này.
Dư công suất xử lý bùn thải hầm cầu
. Mỗi ngày TP có khoảng 300 m3 bùn thải hầm cầu (tương đương với khoảng 300 tấn) phải xử lý mỗi ngày. Việc xử lý lượng chất thải khổng lồ này thế nào, thưa ông?
+ Quy trình xử lý là ngay sau khi bùn thải hầm cầu được rút lên thì vận chuyển về khu xử lý được quy hoạch tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước, huyện Bình Chánh.
Sở cũng đang nghiên cứu các vị trí phù hợp đặt trạm trung chuyển để các phương tiện xa nhà máy tiện tập kết nhằm giảm chi phí vận chuyển cho các đơn vị.
. Thưa ông, có thông tin cho là hiện cơ sở xử lý loại chất thải này chỉ tiếp nhận khoảng 100 tấn mỗi ngày. Vậy khoảng 200 tấn còn lại được đưa đi đâu?
+ Hiện nay, việc xử lý bùn hầm cầu do Công ty Môi trường đô thị Hòa Bình đảm nhận với công suất khoảng 250 m3/ngày (tương đương 250 tấn/ngày). Ngoài ra còn có Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh là đơn vị có chức năng và công nghệ xử lý tất cả loại bùn thải thông thường, trong đó có bùn hầm cầu. Công suất hoạt động của nhà máy này hiện nay là 2.500 m3/ngày (tổng công suất tới đây dự kiến sẽ được nâng lên 5.000 m3/ngày).
Hai đơn vị trên hoàn toàn đáp ứng việc xử lý bùn hầm cầu trên toàn địa bàn.
Ngoài ra, trên thị trường hiện có nhiều loại hóa chất tiêu hủy trực tiếp bùn hầm cầu. Người dân đã sử dụng hóa chất này nên cũng hạn chế việc gọi đến dịch vụ, đồng nghĩa với việc khối lượng bùn hầm cầu vận chuyển đến nơi xử lý cũng sẽ được giảm dần. Ví dụ, khối lượng vận chuyển bùn hầm cầu của Công ty Môi trường đô thị Hòa Bình giảm dần qua các năm: 2014 là 50 m3/ngày, năm 2015 là 46 m3/ngày, năm 2016 là 30 m3/ngày…
. Xin cám ơn ông.
Những đơn vị khi tham gia thu gom, vận chuyển bùn hầm cầu phải tuân thủ Quyết định 73/2007 của UBND TP.HCM và Nghị định 86/2014 của Chính phủ.
Cụ thể phải đăng ký hành nghề, có cam kết bảo vệ môi trường, phương tiện, thiết bị chuyên dụng phải đáp ứng một số yêu cầu kỹ thuật về bồn kín, không rò rỉ, có nhãn hiệu… Ngoài ra còn đáp ứng về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô (lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, gắn phù hiệu, đăng ký kinh doanh vận tải tại Sở GTVT). |