Khó khăn trong việc thu gom và xử lý chất thải nguy hại

10/06/2023 651 lượt xem quantri
Theo thống kê, mỗi ngày môi trường sống của chúng ta phải “tiếp nhận” hàng trăm chất thải nguy hại và chất thải rắn phát sinh từ lĩnh vực công nghiệp, giao thông, y tế, sinh hoạt, thương mại và dịch vụ… Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý chưa được triệt để; số được xử lý đúng quy trình, an toàn lại là những con số khiêm tốn.
Sự việc cháy tại nhà xưởng xử lý chất thải trung gian số 4 tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) đầu tháng 2-2017 đã lộ rõ nhiều bất cập trong công tác quản lý. Thống kê sơ bộ, diện tích cháy khoảng 900m2, thiêu rụi khoảng 800 tấn chất thải nguy hại. Đây là xưởng đang lưu giữ chất thải phục vụ dự án xử lý chất thải công nghiệp phát điện NEDO. Theo ông Hoàng Văn Đắc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Môi trường đô thị và công nghiệp 10 (URENCO 10), sau sự cố công ty đã tiến hành tách nước toàn bộ chất thải chưa cháy trong nhà xưởng, sử dụng máy ép khối tách nước cưỡng bức từng mẻ chất thải, sau đó chuyển vào container… Tuy nhiên, điều đáng bàn là ngoài việc tập kết chất thải nguy hại trong nhà xưởng thì phía bên ngoài khu vực sân khối lượng chất thải chưa được xử lý cũng rất lớn. Lý giải về điều này, ông Đắc cho biết, do lò đốt của công ty đang chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cấp phép cho vận hành, nên chất thải bị tồn đọng nhiều.

Thực tế, sự việc ở URENCO 10 chỉ là một ví dụ. Giữa năm 2016, Bộ TN-MT đã công bố kết quả về việc phân tích các mẫu bùn thải thu được từ việc chôn lấp trái phép tại trang trại ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Đây là chất thải nguy hại, có thông số xyanua rất cao, vượt ngưỡng cho phép.

Cùng với đó là một nguồn phát sinh chất thải nguy hại từ các vụ vi phạm pháp luật trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc nhập khẩu phế liệu đã đưa chất thải nguy hại, chủ yếu là phế liệu kim loại, nhựa, săm lốp cao su thải, vỏ ô tô, tàu biển chưa làm sạch tạp chất, ắc quy chì thải, sản phẩm điện tử đã qua sử dụng (màn hình máy tính, bản mạch điện tử thải…) về Việt Nam. Đặc biệt, khối lượng phát sinh chất thải rắn từ các hoạt động y tế đang có chiều hướng gia tăng, bao gồm hai loại là chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nguy hại…

Theo đánh giá của ngành chức năng, trong khi chất thải ngày càng gia tăng, thì việc phân loại chất thải rắn, chất thải nguy hại tại nguồn chưa có chế tài áp dụng và không đồng bộ cho các công đoạn thu gom, xử lý. Thêm vào đó, kinh phí chi cho xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại tốn kém, nên vì lợi nhuận trước mắt, một số cơ sở cố tình vi phạm các quy định pháp luật quản lý chất thải nguy hại (giấy phép hoạt động, hợp đồng vận chuyển, xử lý và tiêu hủy trái phép…). Đặc biệt công nghệ sản xuất còn sử dụng nhiều năng lượng, nguyên liệu, thải ra nhiều chất thải; công nghệ xử lý thậm chí còn thiếu, lạc hậu là nguyên nhân khiến chất thải không được xử lý triệt để.

Để từng bước nâng cao chất lượng quản lý chất thải nguy hại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, việc tăng cường công tác quản lý chất thải rắn và nguy hại ở các doanh nghiệp, các khu công nghiệp là hết sức cần thiết. Cụ thể là quản lý chặt từ chủ nguồn thải đến người thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý… Theo Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường), để giải quyết tốt vấn đề xử lý chất thải, phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, sớm ban hành các quy định cụ thể liên quan tới quản lý đối với chất thải y tế thông thường theo cách phù hợp để vừa đạt được mục đích quản lý, đồng thời không hạn chế về điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp.

(Nguồn: Theo hanoimoi.com.vn)
10/06/2023 651 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm