Từ 1/7, TP. HCM sẽ chính thức tăng mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Đáng chú ý, chủ cơ sở phải đóng phí càng cao nếu nồng độ ô nhiễm trong nước thải càng nhiều.
Về cách tính chung, các cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 5m3/ngày – đêm thì thu mức phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm. Trường hợp tổng lượng nước thải từ 5m3/ngày – đêm trở lên sẽ áp dụng thêm hệ số K (K = lưu lượng xả thải: 5). Hiện TP HCM đang thu phí bảo vệ môi trường đối với gần 2.800 cơ sở sản xuất (thuộc 16 nhóm), theo Hà Nội mới đưa tin.
Tuy nhiên, các cơ sở xử lý chất thải rắn, đặc biệt là nhà máy xử lý rác (xả hơn 7.880m3/ngày – đêm) có phát sinh nước thải lại không đóng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
Đây là lý do chính của việc bổ sung cơ sở xử lý chất thải rắn vào diện thu phí. Việc thu phí sẽ tác động đến nhận thức về bảo vệ môi trường, khuyến khích tiết kiệm nước, đầu tư hệ thống xử lý nước thải…
Tăng mức phí với nước thải công nghiệp kể từ 1/7. Ảnh minh họa: Internet.
Theo báo Chính phủ đưa tin, ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và môi trường TP. HCM) cho biết, Sở đã có thông báo cụ thể đến các cơ sở, doanh nghiệp về việc điều chỉnh mức phí từ đầu tháng 7 tới.
Mặc dù lần này cách tính phí có thay đổi, đồng thời bổ sung thêm đối tượng đóng phí là các cơ sở xử lý chất thải rắn, nhưng do từ nhiều năm qua, Thành phố đã thu phí nước thải công nghiệp, nên sự điều chỉnh lần này cũng không quá khó khăn trong quá trình thực hiện.
Theo Sở Tài nguyên và môi trường TP. HCM các đối tượng phát sinh là nhà máy xử lý rác phải đóng phí (trước đây chưa đóng), nên việc áp dựng chính sách thu phí sẽ ít nhiều tác động đến đời sống xã hội, có thể làm tăng mức phí các dịch vụ liên quan đến xử lý rác. Điều này có thể tác động trực tiếp đến người dân. Tuy nhiên, việc thu phí này sẽ tác động đến nhận thức về bảo vệ môi trường, khuyến khích tiết kiệm nước, đầu tư hệ thống xử lý nước thải giảm thiểu ô nhiễm thải ra môi trường và tạo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí.
Việc áp dụng chính sách thu phí nêu trên là thực hiện theo Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố. Theo Nghị quyết 54, Thành phố được quyết định áp dụng phí, lệ phí chưa có trong danh mục ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; được tăng mức thu phí, lệ phí vượt khung.
UBND Thành phố khẳng định, việc tăng phí hay đặt ra phí, lệ phí mới, quan điểm của Thành phố là không đặt nặng vấn đề thu, mà là áp dụng chính sách để quản lý, điều tiết xã hội.
P.V (moitruongvadothi.vn)