Chính phủ kêu gọi toàn dân ‘đồng lòng chống dịch Covid-19’

02/08/2023 134 lượt xem quantri

Trong 3 ngày, cả nước phát hiện 14 ca mắc Covid-19 nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên con số 30 mới khiến cuộc chiến chống dịch của Việt Nam bước vào giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, mọi việc “vẫn trong tầm kiểm soát”.

Trong ngày 8/3, Bộ Y tế công bố 11 ca nhiễm Covid-19 mới, gồm 1 người ở Hà Nội và 10 du khách nước ngoài. Những người này đều đi cùng chuyến bay số hiệu VN00054 từ London về Việt Nam sáng 2/3.
Như vậy, chỉ trong gần 3 ngày, Việt Nam có thêm 14 ca nhiễm mới (riêng Hà Nội 4 ca). Cộng với 16 trường hợp dương tính với Covid-19 đã được điều trị khỏi, cả nước ghi nhận có 30 trường hợp đã nhiễm loại virus này.

Giám sát, cách ly hàng trăm người

Sở Y tế Hà Nội nhận định tình hình dịch diễn biến hết sức phức tạp. Trong những ngày tới có thể tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới ở những người tiếp xúc với các bệnh nhân. Ngoài ra, có thể thêm ca bệnh xâm nhập.
Ca bệnh số 17 được xác định ở Hà Nội là N.H.N (26 tuổi, ở Trúc Bạch). Ngay lập tức, qua rà soát, Hà Nội đã giám sát, cách ly 130 người tiếp xúc trực tiếp (F1) với N. và 226 người tiếp xúc gián tiếp (F2). Cùng với đó, lấy mẫu xét nghiệm 53 người, kết quả 32 mẫu âm tính.
Thành phố cũng đã khoanh vùng cách ly 66 hộ gia đình với 189 người tại phường Trúc Bạch, lấy 148 mẫu bệnh phẩm của họ để xét nghiệm.
Với ca bệnh thứ 21 được công bố sáng 8/3 – là ông N.Q.T. (ở Trúc Bạch, Ba Đình), lãnh đạo Hà Nội cho biết ông T. đi cùng chuyến bay VN0054, ngồi ghế 5A – cùng dãy với bệnh nhân N.H.N. Đây được nhận định là ca bệnh có khả năng lây nhiễm cao bởi lịch trình di chuyển nhiều và phức tạp.
Ngay khi xác định bệnh nhân dương tính với Covid-19, Hà Nội đã nắm sơ bộ hành trình từ sáng 2/3 đến chiều 6/3 của ông T., cho thấy ông này đã tiếp xúc với 96 người, ở nhiều địa điểm. Thành phố khẳng định nhanh chóng “làm rõ đến đâu, lập tức cách ly và xét nghiệm đến đó”.
Về công tác chuẩn bị ứng phó với dịch, Sở Y tế Hà Nội thông tin các bệnh viện mũi nhọn sẵn sàng được huy động như Bắc Thăng Long, Đống Đa, Thanh Nhàn, Đức Giang, Xanh Pôn, Hà Đông… đã có phương án chuẩn bị 1.000 giường bệnh chống dịch. Các bệnh viện phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ cơ số thuốc, trang bị, vật tư, tổ chức diễn tập sẵn sàng kích hoạt khi có tình huống ca bệnh xảy ra.
Sở Y tế cũng phối hợp với Bộ Tư lệnh thủ đô đã hoàn thiện phương án thành lập 2 bệnh viện dã chiến với quy mô mỗi bệnh viện 600 giường bệnh để trình thành phố.
Trong khi đó, thành phố đã lập 5 đội phản ứng nhanh luôn thường trực 24/24h, tổ chức xuống thực địa để triển khai các biện pháp khoanh vùng, điều tra, xử lý ổ dịch, lấy mẫu bệnh phẩm tất cả trường hợp nghi nhiễm Covid-19 để làm xét nghiệm.

Điều tra, nắm rõ lịch trình từng người tiếp xúc với ca bệnh

Trong sáng 8/3, Hà Nội tiếp tục tổ chức cuộc họp khẩn lần thứ ba bàn về công tác chống dịch. Lúc này, thành phố đã có 4 ca nhiễm và 1 ca nghi nhiễm Covid-19.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá tình hình dịch bệnh ở Hà Nội hiện đã phức tạp và có nguy cơ cao hơn so với thời điểm trước, không loại trừ khả năng trong những ngày tới địa phương sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp dương tính với Covid-19. Lo ngại này xuất phát từ việc số người đi từ nước ngoài, nhất là các nước có dịch vào Hà Nội trong 14 ngày qua là rất lớn.
Chủ tịch thành phố cho rằng trong 24 giờ từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên dương tính tại Hà Nội, các cơ quan thành phố đã rất quyết liệt điều tra, rà soát toàn bộ các trường hợp tiếp xúc gần, tiếp xúc gián tiếp. Ngau khi có 3 trường hợp lây nhiễm tiếp theo, Sở Y tế và các ban ngành đã ngay lập tức có danh sách người tiếp xúc F1, F2, thậm chí F3 để quản lý, cách ly kịp thời và làm rõ nguồn lây nhiễm của từng trường hợp.
Về 4 trường hợp dương tính đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cơ sở 2 tại huyện Đông Anh, ông Chung cho biết việc điều trị đã cho kết quả tốt, các bệnh nhân tiến triển nhanh.
Người đứng đầu chính quyền thành phố trấn an công dân thủ đô yên tâm về công tác chỉ đạo, điều hành của Hà Nội bởi thành phố đã nắm rõ lịch trình và số người tiếp xúc F1, F2, F3 của từng trường hợp dương tính và nghi ngờ, đồng thời cho cách ly kịp thời.
Hà Nội cam kết sẽ công bố những nơi bệnh nhân đã ở, đi đến để dân giảm bớt đi tới đó. Đồng thời, đã nâng mức xử lý lên một bậc, người tiếp xúc gián tiếp thì coi như người tiếp xúc gần, người tiếp xúc F1 thì coi như người lây nhiễm.
Về phía người dân, Chủ tịch Hà Nội đề nghị người dân tự giác cách ly, khai báo khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm trong cộng đồng, chăm sóc sức khỏe cho bản than, gia đình.
Các trường hợp các ly tại nhà và tập trung, lãnh đạo thành phố yêu cầu khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả để người dân yên tâm. Theo ông, thành phố có thể đáp ứng năng lực tối đa xét nghiệm 2.000 mẫu/ngày.
Nhắc lại nguyên tắc “72 giờ vàng”, Chủ tịch thành phố nhấn mạnh nếu cứ chậm 1 ngày thì số ca nghi nhiễm, tiếp xúc F1, F2, F3 sẽ tăng theo cấp số nhân. Nên việc phản ứng nhanh rất quan trọng.

Khai báo sức khỏe toàn dân, lãnh đạo hoãn công du

Chỉ đạo ở cấp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cân nhắc, tạm hoãn các chuyến đi công tác nước ngoài để tập trung chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch bệnh, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản xuất, kinh doanh.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khi chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, cũng nhận định Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch. Giai đoạn này khó hơn giai đoạn đầu khi dịch đã lan ra hơn 100 nước.
“Chúng ta phải ngăn chặn dịch bệnh từ trăm ngả thay vì một vài ngả như trước đây”, ông nói.
Theo ông Đam, Việt Nam đã lường trước mọi tình huống, có kịch bản sẵn sàng ứng phó, ngay cả khi có hàng nghìn ca nhiễm. Vì vậy, nếu có vài chục, vài trăm ca nhiễm trong những ngày tới không có gì bất ngờ.
Phó thủ tướng nhấn mạnh một mặt phải tiếp tục kiên trì thực hiện nghiêm nguyên tắc chống dịch, là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.
Mặt khác, tăng cường các biện pháp ngăn chặn, khuyến cáo người Việt Nam hạn chế người Việt Nam đi ra nước ngoài hoặc qua nước đã có người nhiễm Covid-19; có hướng dẫn chính xác, dễ hiểu nhất giúp người dân hiểu rõ về dịch bệnh và các cách phòng chống.
Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch cũng thống nhất kiến nghị với Thủ tướng tạm dừng miễn thị thực đơn phương với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Anh. Với những nước ngoài EU có trên 500 ca nhiễm hoặc có trên 50 ca nhiễm tăng trong một ngày cũng đề nghị tạm dừng; từ chối cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam nếu có các triệu chứng, yếu tố dịch tễ theo quy định.
Phó thủ tướng đề nghị tiến hành khai báo y tế với mọi người Việt Nam thay vì chỉ khai báo y tế với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam như trước đây. Ông đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện phương án tổ chức, các công cụ công nghệ để chậm nhất từ sáng 10/3 thực hiện khai báo sức khoẻ toàn dân trên toàn quốc.
Theo Phó thủ tướng, đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là hành động cụ thể để mọi người chung sức chống dịch. Ông tin tưởng nếu toàn dân đồng lòng chống dịch nhất định sẽ chiến thắng Covid-19.
02/08/2023 134 lượt xem quantri