Y tế Đồng Tháp ứng dụng công nghệ tiên tiến xử lý chất thải nguy hại

10/06/2023 358 lượt xem quantri

Trong hai năm thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng Hệ thống xử lý chất thải rắn và lỏng tại cụm 7 cơ quan y tế tỉnh Đồng Tháp”, nhóm nghiên cứu xây dựng thành công hệ thống xử lý chất thải lỏng và chất thải rắn y tế nguy hại với chi phí thấp, nâng cao chất lượng đời sống sinh hoạt người dân khu vực.

Đề tài này là sự hợp tác khoa học công nghệ giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp. Trong hai năm thực hiện (2014-2015), nhóm nghiên cứu đề tài đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận và xây dựng thành công hệ thống xử lý chất thải lỏng và chất thải rắn y tế nguy hại với chi phí thấp tại cụm 7 cơ quan y tế tỉnh Đồng Tháp.

Y tế Đồng Tháp ứng dụng công nghệ tiên tiến xử lý chất thải nguy hại

Chất thải rắn nguy hại được xử lý bởi Lò đốt VHI-18B

Đối với chất thải rắn, Lò đốt VHI-18B được xây dựng và lắp đặt đáp ứng được các tiêu chí về các chỉ số an toàn môi trường và tiết kiệm chi phí.

Lò đốt có công suất 10kg/giờ phù hợp với cơ sở y tế có 200-300 giường bệnh và có thể nạp 50kg chất thải rắn cho mỗi lần đốt. Lò đốt được thiết kế trên cơ sở áp dụng nguyên lý đốt đa vùng, chất thải rắn y tế được đưa vào buồng đốt sơ cấp đốt và duy trì ở nhiệt độ 500oC – 800oC. Không khí được cấp liên tục cho quá trình đốt thiêu huỷ rác. Khói từ buồng đốt sơ cấp (sản phẩm cháy chưa hoàn toàn, chứa nhiều bụi và các chất độc hại) được hoà trộn với không khí theo nguyên lý vòng xoáy và được đưa vào buồng đốt thứ cấp. Ở buồng đốt thứ cấp, các sản phẩm cháy chưa hoàn toàn (chứa cả dioxin và furan) tiếp tục được phân huỷ và đốt cháy ở nhiệt độ cao (900oC – 1200oC) với thời gian lưu cháy đủ lớn (2 giây). Khói từ buồng đốt thứ cấp được dẫn qua hệ thống giảm nhiệt và được xử lý bằng phương pháp hấp thụ với dung dịch kiềm, đảm bảo khí thải đạt qui chuẩn QCVN 02-2008/BTNMT.

VHI-18B là lò đốt ở nhiệt độ cao, thời gian lưu dài nên hiệu suất đốt cháy rác, thiêu huỷ đioxin và furan cao. Thành lò được xây bằng gạch Sa mốt A, cách nhiệt bằng bông khoáng chịu nhiệt và vỏ lò làm bằng vật liệu inox SUS 304 nên khi lò đang đốt ở nhiệt độ cao nhưng kiểm tra bên ngoài vỏ lò vẫn mát. Đặc biệt hệ thống VHI -18B còn chủ động tạo áp suất âm trong lò bằng ejector nên kể cả khi lò đang hoạt động vẫn có thể mở cửa nạp mẻ rác mới, ngoài ra lò đốt còn có chế độ điều khiển tự động chu kỳ đốt, nhiệt độ và các thiết bị kèm theo nên việc vận hành tương đối đơn giản, an toàn. Sau khi kết thúc một mẻ đốt, lượng tro trơ còn lại rất ít, được mang đi chôn lấp hoặc đổ thải như chất thải rắn thông thường. So với các thiết bị ngoại nhập, lò đốt VHI-18B có giá thành thấp hơn nhiều (chỉ bằng một phần ba hoặc 50% so giá nhập khẩu).

Hệ thống xử lý chất thải lỏng IET-BF

Hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp lọc sinh học nhỏ giọt cải tiến cấp khí tự nhiên IET-BF có công suất 130 m3/ngày đêm. Phương pháp này cho phép nước thải được chia thành các màng nhỏ chảy qua vật liệu đệm sinh học và nhờ các vi sinh vật phân hủy hiếu khí có trên lớp màng vật liệu mà các chất hữu cơ trong nước thải được loại bỏ. Nước thải sau khi được xử lý sẽ được loại bỏ tách bùn trong bể lắp; sau đó được khử trùng bằng Natri hypoclorit (phương pháp điện hóa). Chất khử trùng Natri hypoclorit được điều chế từ nước muối. Qua kết quả kiểm định của các cơ quan chức năng cho thấy chất lượng nước thải sau khi xử lý qua hệ thống IET-BF đạt QCVN 28:2010/BTNMT.

Ưu điểm nổi bật của công nghệ IET-BF là sử dụng phương pháp xử lý sinh học diễn ra trong tháp dạng khí có thông khí tự nhiên, nên người sử dụng không phải sục khí bằng máy bơm như các công nghệ khác trước đây thường gây tiếng ồn, và có thể phát tán vi khuẩn gây bệnh ra môi trường. Hệ thống thiết bị và vật liệu được sản xuất trong nước nên việc bảo trì, bảo dưỡng hoặc thay thế chi tiết khi cần được thực hiện một cách thuận lợi; chi phí đầu tư và vận hành thấp do không phải trang bị máy thổi khí và bơm bùn tuần hoàn như các công nghệ khác; hệ thống tự hút khí tự nhiên từ đáy tháp nên cả khi bị mất điện hệ thống vẫn không bị ảnh hưởng; tháp lọc sinh học không tích nước trong tháp nên trọng lượng nhỏ, có thể thiết kế đặt trên các bể nên không tốn nhiều diện tích đất đai cho hệ thống; vì công nghệ theo dạng modun nên dễ dàng mở rộng tăng công suất khi cần thiết.

Mô hình công nghệ này có hệ thống thiết bị đơn giản, thân thiện với môi trường, chi phí giá thành phù hợp và có tỷ trọng nội địa cao, con người hoàn toàn làm chủ công nghệ, tiết kiệm chi phí đầu tư và chi phí vận hành.

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã góp phần mở ra một hướng đi mới trong việc lựa chọn và áp dụng công nghệ xử lý chất thải bệnh viện cho phù hợp với điều kiện Việt Nam với chi phí thấp, nâng cao chất lượng đời sống người dân khu vực.
Nguyễn Vũ
(Theo VietQ.vn)

10/06/2023 358 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm