Xử lý phân bùn bể phốt: Khối lượng lớn, xử lý nhỏ giọt

22/07/2023 271 lượt xem quantri

Chúng ta hãy thử tưởng tượng xem mỗi ngày có hàng nghìn tấn bùn thải được thải ra môi trường, tình trạng này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cũng như gây hại cho sức khỏe con người. Trong khi đó, không phải tỉnh, TP nào cũng có nhà máy hiện đại để xử lý triệt để bùn thải.

Bùn thải, thải đi đâu?

6 loại bùn thải thường phát sinh trong quá trình xử lý nước thải là: bùn thải trong hệ thống thoát nước thải sinh hoạt đô thị, bùn thải từ hệ thống thoát nước thải công nghiệp, bùn thải từ các hoạt động nạo vét kênh rạch định kỳ, bùn thải từ bể tự hoại (bùn hầm cầu), bùn thải từ các trạm/nhà máy xử lý nước cấp, bùn thải từ các công trình xây dựng.

Bùn thải đang rơi vào hiện trạng thừa thu gom thiếu xử lý, thực tế không phải tất cả các bùn thải này đều được xử lý theo quy chuẩn kỹ thuật đã được ban hành. Các cơ sở sản xuất kinh doanh thường thu gom sau đó xả bỏ tại một nơi vô định, thường là những khu vực hẻo lánh, dân cư thưa thớt nhằm giảm bớt chi phí xử lý bùn thải cho doanh nghiệp, mặc kệ hệ quả nghiêm trọng xảy ra cho môi trường cũng như sức khỏe con người.

Theo thống kê từ Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Cty Môi trường đô thị Hà Nội), mỗi ngày Cty này thu gom tại 4 quận nội thành và các trại giam khoảng 6.698 tấn, chưa kể lượng chất thải lỏng từ sân bay Nội Bài. Trong khi đó, trạm xử lý phân bùn bể phốt mới chỉ đáp ứng công suất 50 tấn/ ngày đêm.

Nếu bạn hay tôi có nhu cầu cần hút bể phốt tại gia đình mình, chỉ cần lên trang công cụ tìm kiếm Google.com và gõ từ khóa “hút bể phốt”. Chỉ sau 0,29 giây trang này đã cho ra 704.000 kết quả tìm kiếm. Từ đây chúng ta chỉ cần nhấp chuột vào một trang web bất kì và gọi đến số điện thoại đường dây nóng, và chỉ một thời gian ngắn sau phía Cty dịch vụ sẽ đến nhà bạn xử lý ngay hệ thống bể phốt của gia đình.

Vậy thử hỏi, những Cty chuyên làm dịch vụ hút bể phốt kia họ sẽ đổ chất thải nguy hại này đi đâu. Câu trả lời là, họ thường đổ vào các cống chìm, hồ ao ở ngoại thành để giảm giá thành vận chuyển, thu lời. Chỉ 200 tấn chất thải từ các đơn vị tư nhân được đưa đến trạm xử lý phân bùn của Cty Môi trường đô thị Hà Nội để xử lý trong vòng 6 tháng đầu năm 2014.

Tại Hà Nội ở 4 con sông: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét lúc nào cũng đen kịt, đặc quánh. Mỗi năm lượng bùn tại các con sông dày lên khoảng 10cm. Việc nạo vét bùn ở những sông này nếu không được xử lý kịp thời mà cứ để lưu lại trong nguồn nước nhiều năm sẽ gây ách tắc dòng chảy và làm tăng nguy cơ ô nhiễm nặng trên các dòng sông. Sau khi nạo vét, lượng bùn thải cần phải xử lý lên đến hàng nghìn tấn. Trong khi đó, số lượng nhà máy xử lý bùn thải của Hà Nội chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thiếu quy hoạch xử lý bùn thải

Tại Hà Nội, trước tình hình cấp bách trong xử lý bùn thải, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Cty Môi trường đô thị Hà Nội đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục nâng cấp Trạm xử lý phân bùn bể phốt Cầu Diễn (từ 50 tấn/ngày-đêm lên 300 tấn/ngày-đêm). Hiện tại, TP cũng đồng ý với đề xuất của Cty về việc xây Trạm xử lý chất thải vệ sinh ở khu đất xen kẹt tại thôn Xuân Thịnh, xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn).

PGS.TS Nguyễn Văn Lâm – Trưởng khoa Địa chất, ĐH Mỏ địa chất: Việc đổ trực tiếp bùn thải ra môi trường như hiện nay không chỉ gây ô nhiễm mà còn lãng phí tài nguyên môi trường. Bởi thực tế, sau khi được xử lý hết các thành phần độc hại, bùn thải hoàn toàn có thể được tận dụng làm VLXD (bê tông, gạch..) và san nền, giúp hạn chế đáng kể tình trạng khai thác đất mặt tại các quận, huyện ngoại thành để phục vụ việc san lấp. Cần nhấn mạnh rằng, việc quy hoạch và xây dựng ngay hệ thống quản lý lượng bùn nói trên bao gồm cả các nhà máy xử lý, tái chế và tái sử dụng bùn là vấn đề cấp thiết và cấp bách trước mắt, trước khi vấn đề ô nhiễm bùn tại các TP lớn ngày càng nghiêm trọng hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Kim Thái (Đại học Xây dựng Hà Nội) thì hiện nay, xử lý bùn thải tại các đô thị là vấn đề nóng hơn bao giờ hết. Do đây là chất thải có hàm lượng độc tính khá cao. Tính đến nay chưa có quy hoạch cụ thể nào để xử lý loại chất thải này.

Để xử lý triệt để vấn đề xử lý nước thải cũng như bùn thải, hiện Bộ Xây dựng đang xây dựng Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải.

22/07/2023 271 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm