Thành phố Đà Nẵng – Giải pháp lâu dài với tài nguyên nước

13/06/2023 129 lượt xem quantri

Nguy cơ mất an toàn nguồn nước

Những năm gần đây, TP. Đà Nẵng đang gánh chịu những tác động của thiên tai đến hoạt động của con người, môi trường sống nói chung và đặc biệt là tài nguyên nước nói riêng. Nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt, nông nghiệp công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn thành phố chủ yếu lấy từ nguồn nước của sông Vu Gia, nước chảy về sông Yên, về sông Cầu Đỏ và cung cấp nước cho nhà máy Cầu Đỏ. Nếu nhà máy bị sự cố thì sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt của toàn Đà Nẵng, cần sớm thực hiện các giải pháp đa dạng hóa các công trình cấp nước để giảm rủi ro này. Một trong những rủi ro cao nhất là sự cố xảy ra đối với đường ống dẫn nước từ đập An Trạch về nhà máy nước Cầu Đỏ. Đây là hệ thống đơn nên rủi ro rất lớn, thành phố cần phải có giải pháp để giảm rủi ro này, trong đó cần có lộ trình triển khai các công trình cấp nước tương ứng. Tại điểm thu nước nhà máy nước Cầu Đỏ, tần suất và độ mặn gia tăng, làm gia tăng các chi phí xử lý. Trong tương lai, dự báo độ mặn sẽ còn tăng, bởi sự suy giảm dòng chảy và mực nước biển dâng. Đây cũng là vấn đề cần sớm có giải pháp…

Theo tính toán, nhu cầu dùng nước sạch đô thị, nước phục vụ hoạt động kinh tế, thương mại… của Đà Nẵng sẽ tăng gần gấp 2  và có thể đến gấp 3 lần vào giai đoạn 2050, nhưng đến nay chỉ mới có hơn 90% dân số Đà Nẵng tiếp cận được nguồn nước cấp dân sinh. Nguy cơ mất an toàn về nguồn nước đang hiện hữu ngày càng rõ. Điều này sẽ dẫn tới rủi ro sâu xa đối với mục tiêu phát triển KT – XH của thành phố.

Ông Nguyễn Trường Ảnh- Chủ tịch HĐQT Cty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, hiện tổng công suất cấp nước ở thành phố theo thiết kế tại các nhà máy nước là 210.000m3/ngày, công suất khai thác ngày cao nhất lên đến 250.000m3/ngày, vượt công suất thiết kế khoảng 20%. Trong khi đó, do tác động của biến đổi khí hậu và việc vận hành các thủy điện ở thượng nguồn nên lưu lượng nguồn nước thô trên sông Vu Gia có xu hướng suy giảm càng khiến cho tình hình sản xuất của Dawaco gặp nhiều khó khăn.

Chủ động cung ứng nguồn nước sinh hoạt

Ông Nguyễn Trường Ảnh cho biết, thời gian tới, thành phố tập trung vào việc xử lý nguồn nước. Đó là, các nghiên cứu, phương án đảm bảo nguồn nước thô cho 2 nhà máy nước Cầu Đỏ, Sân Bay, dứt khoát phải xây dựng mới trạm bơm nước thô và tuyến ống D1200 từ An Trạch; xây đập ngăn mặn trước vị trí cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ. Riêng tại tuyến sông Cu Đê cũng phải xây dựng đập ngăn mặn trước vị trí cầu Phò Nam; xây mới trạm bơm nước thô và tuyến ống D1400 từ đập ngăn mặn về Nhà máy nước Hòa Liên; gắn với việc nghiên cứu xây dựng các nhà máy mở rộng công suất cấp nước cũng như xử lý nước.

Việc khai thác nước trên sông Cu Đê để cung cấp cho nhà máy cấp nước Hòa Liên là một giải pháp đa dạng hóa các nguồn cung cấp nước Đà Nẵng và tăng khả năng chông chịu của thành phố. Đầu năm 2017, UBND TP. Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên với công suất 120.000m3/ngày-đêm bằng nội lực để đảm bảo nguồn nước. Nhà máy sử dụng dây chuyền công nghệ bể trộn và phản ứng cơ. Đây là dây chuyền công nghệ mới, có nhiều tính năng cao hơn so với bể trộn thông thường và phù hợp với nhà máy có công suất lớn. Dự kiến, trong quý 4-2017 dự án sẽ được triển khai và đưa vào vận hành trong quý 4-2019. Khi Nhà máy nước Hòa Liên hoàn thành sẽ tạo thêm nguồn cấp nước chính cho thành phố ở khu vực đô thị phía tây, tây bắc (khu vực này đang có nhu cầu sử dụng nước rất lớn với các khu công nghiệp, bến cảng…). Nguồn cấp nước Hòa Liên góp phần bảo đảm cấp nước an toàn và lâu dài cho Đà Nẵng.

Ở hướng đầu tư phát triển nguồn nước sạch khác, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng cũng đang đầu tư dự án Nhà máy Cấp nước hồ Hòa Trung tại Khu công nghệ cao. Theo đó, dự án có diện tích 16.900m2, vốn đầu tư gần 80 tỷ đồng, công suất 10.000m3/ngày đêm. Nhà máy Cấp nước hồ Hòa Trung sẽ cung cấp nước trực tiếp cho Khu công nghệ cao và các khu vực dân cư, khu đô thị lân cận.

Bên cạnh đó, liên kết vùng của hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng là giải pháp cần thiết đối với quản lý tài nguyên nước, cần nghiên cứu các mô hình hỗ trợ để bảo tồn tài nguyên nước, tài nguyên rừng ở khu vực thượng lưu các hệ thống sông.

(Nguồn: Theo TN&MT)

13/06/2023 129 lượt xem quantri