Tác hại của nhiệt điện than đến môi trường biển

04/06/2023 437 lượt xem quantri
Từ bất ổn hiện hữu 
Nhiệt điện than có ảnh hướng rất lớn đến môi trường biển: Thông tin trên được đưa ra tại buổi tọa đàm “Tác động của nhiệt điện than đến môi trường biển và cuộc sống người dân”, do Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường (CHANGE) trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Canada và tổ chức 365.org tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh mới đây.
Cũng tại hội thảo này, rất nhiều nhà khoa học đã nêu ra những bất ổn trong quá trình sự phát triển công nghiệp điện than. Khí thải từ nhiệt điện than không chỉ dẫn đến BĐKH mà còn là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí, dẫn đến cái chết cho 800.000 người trên toàn thế giới/năm. Việt Nam là nước đứng thứ 3 thế giới trong việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than, sẽ gây tác động đến môi trường cũng như sản xuất công nghiệp. Điểm nổi bật hiện nay là KCN điện than ở Vĩnh Tân, Bình Thuận, hệ sinh thái biển Hòn Cau đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
PSG. TS Nguyễn Chu Hồi, Khoa Môi trường, trường Đại học Khoa học tự nhiên, nêu cụ thể khu bảo tồn biển Hòn Cau đang bị đe dọa chủ yếu từ hoạt động nạo vét và nhận chìm vật liệu nạo vét của cảng Vĩnh Tân I là tăng hàm lượng chất lơ lửng, bùn cát và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước. Vị trí đổ và nạo vét rất gần với khu bảo tồn biển Hòn Cau. Đây là khu vực biển động, khả năng lan truyền nhanh và phát tán rộng các chất ô nhiễm, gây suy thái các hệ sinh thái biển nông và rặng san hô. Còn nếu nhận chìm thì còn phá hủy vĩnh viễn rặng san hô, đây là nguồn sinh kế và yếu tố đầu vào của du lịch biển, cần cân nhắc kĩ trước khi đổ thải.
Như vậy, từ sự tác động này dẫn đến các loài sinh vật biển mất môi trường sống, các rạn san hô bị thu hẹp và gây ra hệ lụy không nhỏ đến sinh kế của người dân địa phương. Chẳng hạn như nghề muối bị phủ bụi than đen, nghề đánh bắt, nuôi trồng hải sản và du lịch bị tác động tiêu cực. Không chỉ vậy, người dân địa phương cũng phải chịu các tác động về sức khỏe khi khói thải của nhà máy gây ô nhiễm không khí.
Các nhà khoa học tham dự tọa đàm còn bày tỏ sự lo lắng khi Việt Nam hiện đã có 12 nhà máy nhiệt điện than phân bổ cả nước. Trong những năm tới sẽ có khoảng 50 nhà máy được xây dựng, tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm hoặc ngay sát khu vực đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long… điều này sẽ gây tác động lớn đến môi trường cũng như sản xuất nông nghiệp.
Đến xu thế ngược chiều với thế giới
Ngành năng lượng Việt Nam đang phát triển ngược chiều với thế giới. Trong khi thế giới hướng đến sử dụng nhiều hơn những nguồn năng lượng sạch thì Việt Nam lại chú trọng phát triển nhiệt điện than. Số liệu năm 2015 của EVN cho thấy thủy điện chiếm 43,2% công suất lắp đặt và 34,15% sản lượng điện của toàn ngành điện. Xếp thứ hai là nhiệt điện than, chiếm 33,7% công suất lắp đặt và 34,37% sản lượng.
Chiến lược phát triển Ngành điện theo Quy hoạch điện VII, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò chủ đạo trong ngành năng lượng Việt Nam. Cụ thể, sản lượng nhiệt điện than chiếm 49,3% vào năm 2020, 55% vào năm 2025. Vào năm 2030, Việt Nam sẽ có tổng cộng 64 nhà máy nhiệt điện than (xem bản đồ), công suất tổng cộng 55.300 MW, cho sản lượng 304 tỉ KWh, chiếm 53,2% tổng sản lượng điện, tiêu thụ 129 triệu tấn than.
Thành tựu tăng trưởng và công cuộc giảm đói nghèo trong hai thập kỷ qua ở Việt Nam đã bị ảnh hưởng phần nào bởi việc sử dụng quá nhiều nguồn năng lượng không tái tạo. Với nhu cầu năng lượng dự tính tăng 10% mỗi năm trong vòng 15 năm tới, việc thảo luận về các lựa chọn sản xuất điện là hết sức cần thiết, mọi người cần phải cân nhắc các chi phí môi trường trong bối cảnh BĐKH toàn cầu
Các tổ chức quốc tế đưa ra ước tính rằng mỗi kWh nhiệt điện than làm tốn chi phí y tế đến 0,17 đô la Mỹ. Một điều ít được nhắc đến là nhiệt điện than dự phần rất lớn vào việc hủy hoại môi trường biển. Vì nhiệt điện than cần một lượng nước rất lớn cho hệ thống làm mát nên các nhà máy có xu hướng đặt ven biển. Bên cạnh đó, các nhà máy đặt gần biển để thuận lợi cho việc nhập khẩu than.
Theo số liệu được tổ chức CHANGE thu thập, trung bình 3,5 phút, một nhà máy nhiệt điện than 500 MW sẽ hút lên một lượng nước đủ để chứa trong một bể bơi tiêu chuẩn Olympic (2.500 m3) để làm mát hệ thống. Sau đó nước được trả lại sông, hồ, biển với nhiệt độ cao hơn nước đầu vào từ 8 đến 130C khiến môi trường sống của các sinh vật biển như cá, tôm, tảo, san hô… bị ảnh hưởng nặng. Việc hút nước vào hệ thống làm mát giết chết rất nhiều cá, cá bị nghiền nát và luộc chín trong các màng lọc hệ thống. Ở Mỹ, nhà máy điện than Bayshore tại bang Ohio giết 60 triệu tấn cá lớn mỗi năm, nhà máy Huntley ở New York làm kẹt 96 triệu tấn cá mỗi năm trong hệ thống làm mát của họ.
Khu bảo tồn biển Hòn Cau (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), một trong 16 khu bảo tồn biển được quy hoạch của Việt Nam, là trường hợp được đưa ra phân tích tại cuộc tọa đàm, đang bị đe dọa bởi các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân ngay sát đó. Hiện mới có nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân I hoạt động, theo Quy hoạch điện VII, vào năm 2030, ở đó sẽ có bốn nhà máy nhiệt điện hoạt động tại đây.
So với các khu bảo tồn biển khác khác, Hòn Cau là khu bảo tồn biển đa dạng bậc nhất Việt Nam với 234 loại san hô tạo rạn, 324 loại cá rạn san hô, 119 loại thân mềm, 32 loại da gai. Nhưng khu bảo tồn biển này đang bị đe dọa bởi các hoạt động nạo vét và nhận chìm vật liệu nạo vét của cảng Vĩnh Tân I, bởi hàm lượng các chất lơ lửng, bùn cát, bởi hệ thống làm mát của nhà máy nhiệt điện…
Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) năm 2007 tính toán rằng mỗi km2 rạn san hô mang lại 600.000 USD lợi tức chỉ từ du lịch mỗi năm. Trong khi đó, chi phí quản lý các khu bảo tồn biển chỉ 775 USD/km2 mỗi năm. Nhưng nếu đánh mất thì chi phí khôi phục rất cao, như Maldives tiêu tốn 10 triệu USD/km bờ biển để thay thế rạn san hô bị phá hủy.
Đề xuất
Một số ý kiến cho rằng cần dừng lại các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch chưa xây dựng để xem xét kỹ lưỡng lợi ích và tác động. Từ đó, nghiên cứu lựa chọn phương án phát triển sạch hơn, cụ thể là tạo môi trường phát triển thuận lợi cho năng lượng tái tạo để thay thế điện than.
Xem xét và tận dụng các nguồn tạo ra điện phù hợp với giá thành chấp nhận được mà không gây nhiều tổn hại lâu dài cho môi sinh và sức khỏe cộng đồng. Vì nếu chỉ dựa vào yếu tố giá thành sản xuất điện để chọn lựa thì nhiệt điện than chưa hẳn là rẻ. Chú trọng đến yếu tố an toàn, bền vững trên nhiều khía cạnh khác nhau. Các nhà máy nên sử dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại cho các dự án mới. Cải tiến, nâng cấp các dự án đang vận hành, đầu tư các thiết bị BVMT. Trong quá trình khai thác, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vận hành, từng bước đầu tư, xây dựng năng lượng tái tạo với lộ trình thích hợp cũng như tiếp tục triển khai sâu rộng chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp tiêu thụ ít năng lượng.
Để giảm thiểu tác động đến môi trường, các nhà máy nhiệt điện than đều cần phải sử dụng các biện pháp khử các chất độc hại trước khi thải ra môi trường. Ngoài ra, theo các chỉ số đánh giá ĐTM đã được phê duyệt, các phương pháp xử lý chất thải phải áp dụng công nghệ hiện đại, có mức đầu tư lớn. Nếu chỉ số đánh giá ĐTM được thực hiện nghiêm túc, việc xử lý các chất thải độc hại tại các nhà máy nhiệt điện than sẽ không tác động đến môi trường. Tuy nhiên, các nhà máy nhiệt điện vẫn cần phải tổ chức quan trắc thường xuyên để đánh giá kết quả xử lý. Hơn nữa, do số lượng chất thải lớn nên hệ thống quan trắc cần được ghi chép tự động và nối mạng với hệ thống quan trắc chung.

ThS. NGUYỄN THANH THẢO; TRẦN VĂN HÙNG
Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học, Công nghệ
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam
04/06/2023 437 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm