Tác động của ô nhiễm nguồn nước tới môi trường

07/08/2023 454 lượt xem quantri

Trước thềm chương trình Mít tinh kỷ niệm ngày Nước thế giới trong hai ngày 21 – 22/3/2017 tại thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những báo cáo nhanh về các con số liên quan tới vấn đề nước tại Việt Nam.

Theo đó, sự gia tăng dân số cùng với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa trên khắp đất nước đã gây ra áp lực rất lớn đến môi trường và tài nguyên nước ở Việt Nam. Dân số tăng đồng nghĩa với lượng chất thải và nước thải cũng tăng, công nghiệp hóa và đô thị hóa tăng cũng đồng thời với tăng lượng chất thải và ô nhiễm môi trường tăng.

Nhiều dòng sông bị ô nhiễm đến mức báo động nhưng dường như việc giảm thiểu ô nhiễm, khôi phục dòng sông hoặc đoạn sông diễn ra rất chậm, chậm đến mức người ta không nhận ra sự thay đổi. Có lẽ vấn đề ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm môi trường là vấn đề nhức nhối nhất, bức xúc nhất, đòi hỏi phải được ưu tiên giải quyết sớm.

Trong ba loại ô nhiễm: Ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất thì ô nhiễm nguồn nước có tính nghiêm trọng nhất do đặc trưng lan truyền và tác động đến môi trường thủy sinh. Các nguồn gây ô nhiễm nguồn nước chính do nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn từ sản xuất công nghiệp, làng nghề, chế biến nông lâm thủy sản; nước thải từ sinh hoạt; nước thải từ sản xuất nông nghiệp…


Ảnh minh họa

Theo báo cáo của cục Quản lý Tài nguyên nước, bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện tại, trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và làng nghề, chúng ta có 316 khu công nghiệp và 16 khu kinh tế ven biển. Đóng góp vào kinh tế quốc gia từ các khu công nghiệp là rất đáng kể với tổng doanh thu tính đến cuối tháng 7/2016 đạt hơn 79,3 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2015.

Tính đến tháng 7/2016, các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng đã tạo thêm hơn 250 nghìn việc làm mới. Tổng số lao động trong khu công nghiệp, khu kinh tế lũy kế đến hết tháng 7/2016 là hơn 3 triệu lao động.

Hiện Việt Nam có khoảng 2.790 làng nghề, trong đó có 240 làng nghề truyền thống, đang giải quyết việc làm cho khoảng 11 triệu lao động. Tổng lượng nước thải các khu công nghiệp toàn quốc khoảng trên 3 triệu m3/ngày đêm. Mặc dù đóng góp cho nền kinh tế là đáng kể nhưng với 70% nước thải công nghiệp chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường, đã gây hậu quả về môi trường ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã gây tác động lớn đến cuộc sống người dân và môi trường thủy sinh.

Về nước thải đô thị, bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đưa ra thông tin, tính đến nay, do chú ý đầu tư cải thiện nước thải và vệ sinh đô thị nên hoạt động cung cấp dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải được cải thiện đáng kể, 94% người dân sử dụng nhà vệ sinh.

Tính đến 2012, có 17 nhà máy xử lý nước thải đô thị được xây dựng với công suất khoảng 600.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, lĩnh vực vệ sinh môi trường đô thị vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề.

Nước thải bệnh viện phát sinh từ rất nhiều hoạt động của ngành y tế, là loại nước thải có chứa rất nhiều chất hữu cơ và là ổ vi trùng gây bệnh. Ngoài ra, nguồn rác thải bệnh viện cũng là mối nguy cơ gây ô nhiễm rất cao cho môi trường nếu không được xử lý.

Hiện nay, cả nước có khoảng 13.674 cơ sở y tế, trong đó 1.253 bệnh viện, 1.037 cơ sở dự phòng, 11.104 trạm y tế xã thải ra trung bình 150.000 m3/ngày đêm.

Loại nước thải y tế gây ô nhiễm nặng về hữu cơ và hàm lượng vi sinh cao gấp 100 – 1.000 lần tiêu chuẩn cho phép. Hiện tại mới có khoảng 54% các bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải, trong đó bệnh viện tuyến Trung ương chiếm 73%, hệ thống xử lý, ở tuyến tỉnh là 60%, ở tuyến huyện chiếm 45%.

Hầu như các bệnh viện đều có hoạt động phân loại chất thải rắn y tế. Các bệnh viện nói chung chưa có hệ thống phân luồng các nguồn nước thải, khi mưa xuống sẽ cuốn nước thải bệnh viện vào hệ thống kênh mương, ao hồ và ngấm xuống đất mang theo các chất ô nhiễm gây tác hại lớn cho con người và môi trường.

(Nguồn: Theo nguoiduatin.vn)

07/08/2023 454 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm