Mãi chưa thoát khỏi danh sách “điểm đen” về ô nhiễm môi trường

14/06/2023 353 lượt xem quantri
(TTH) -Dù đã nhiều nỗ lực để “thoát” ra danh sách ô nhiễm môi trường theo Quyết định số 1788 của Chính phủ, nhưng đến nay Bệnh viện Y học Cổ truyền Thừa Thiên Huế vẫn nằm trong thế nan giải.
Những nỗ lực
Trở lại Bệnh viện Y học Cổ truyền Thừa Thiên Huế ở phường Tây Lộc, TP Huế, chúng tôi cảm nhận không gian thoáng mát, không còn cảnh nhếch nhác như trước thời điểm rơi vào danh sách ô nhiễm môi trường theo Quyết định số 1788 của Chính phủ. Các khoa, phòng khám điều trị được nâng cấp sửa chữa khang trang. Bác sĩ Nguyễn Hữu Thám, Giám đốc Bệnh viện cho biết, bệnh viện chủ yếu điều trị theo phương pháp đông y, nên khối lượng chất thải phát sinh rất ít, chủ yếu là bông băng cồn gạc. Tuy nhiên, đơn vị nằm trong danh sách ô nhiễm môi trường là do việc xử lý rác thải hồi đó bằng thủ công và hệ thống xử lý chất thải lỏng
chưa nâng cấp, xây dựng.

Nhà điều hành, các bể xử lý chất thải lỏng ở Bệnh viện Y học cổ truyền Thừa Thiên Huế đã hoàn thiện nhưng chưa đưa vào hoạt động
Một vòng quan sát bệnh viện, chúng tôi thấy sự nề nếp ngăn nắp từ việc đầu tư, lắp đặt các thùng rác ở các khoa, phòng; có lịch phân công nhân viên thu gom phân loại hàng ngày, sau đó tập kết đến kho dự trữ. Hiện nay, chất thải sinh hoạt thông thường phát sinh tại bệnh viện khoảng 20 kg/ngày; trong đó, rác thải nguy hại khoảng 0,5kg và được hợp đồng với Công ty Môi trường & Công trình đô thị Huế thu gom xử lý với kinh phí 48 triệu đồng /năm (bao gồm việc mua sắm thiết bị túi thùng, thu gom).
Anh Dương Văn Thành, Trưởng phòng Hành chính Bệnh viện cho biết, việc quản lý xử lý chất thải của đơn vị luôn đặt ra tại các hội nghị giao ban, thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở cán bộ ban, phòng đảm trách nhiệm vụ. Hàng năm, hàng quý, đơn vị gửi cán bộ đi đào tạo, tập huấn về quản lý, xử lý chất thải. Bệnh viện đã tuân thủ sự chỉ đạo của các đoàn kiểm tra của Sở Tài Nguyên & Môi trường Thừa Thiên Huế và Tổng cục Môi trường…
Chưa thoát được “điểm đen”
Hiện nay, Bệnh viện Y học cổ truyền Thừa Thiên Huế vẫn chưa có quyết định “thoát” ra danh sách đơn vị ô nhiễm môi trường theo Quyết đinh 1788 của Chính phủ. Anh Dương Văn Thành nói, có nhiều nguyên nhân, trong đó nan giải nhất hiện đơn vị vẫn “bí” trong xử lý chất thải theo quy trình công nghệ hiện đại, đảm bảo đúng luật môi trường. Anh Thành tiếc rẻ, sau khi bị liệt vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm, bệnh viện đã lập dự án “Đầu tư hệ thống xử lý chất thải Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thừa Thiên Huế”. Tháng 10/2013, UBND tỉnh phê duyệt dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải, chất thải rác bệnh viện y giai đoạn 1, do Sở Tài nguyên Môi trường làm chủ đầu tư, với tổng vốn hơn 18 tỷ đồng, như bể điều hòa, bể lắng, bể khử trùng, hệ thống thu gom nước thải, bệ đỡ thiết bị công nghiệp, nhà điều hành… Công trình đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang triển khai giai đoạn 2 là lắp đặt các thiết bị xử lý, vận hành. Tuy nhiên, công trình này đến nay vẫn chưa chuyển giao đưa vào vận hành, hoạt động.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Thám nói: “Công trình xử lý chất thải Bệnh viện Y học cổ truyền Thừa Thiên Huế đang “treo” giữa chừng, tạo thế khó trong xử lý chất thải của đơn vị. Hơn nữa, hiện Bệnh viện có thêm quyết định của Chính phủ và tỉnh xây lại bệnh viện mới ở vị trí khác có quy mô 250 giường, nên việc xử lý chất thải hiện tại của bệnh viên vẫn chưa tìm ra phương án tối ưu, ổn định”.

Việc sớm “thoát” ra danh sách đơn vị ô nhiễm môi trường theo Quyết định 1788 của Chính phủ vẫn là câu chuyện của Bệnh viện y học Cổ truyền tỉnh và cần sự quan tâm hơn từ nhiều phía.
(Bài, ảnh: Minh Văn /www.baothuathienhue.vn)
14/06/2023 353 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm