Sông Bắc Hưng Hải là nguồn nước chính phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt hàng ngày cho nhiều xã của huyện Bình Giang (Hải Dương). Gần đây, nước sông ô nhiễm nặng khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hàng nghìn ha lúa đang thời kỳ làm đòng, rất cần nước nhưng chính quyền buộc phải đóng các trạm bơm; khuyến cáo người dân không lấy nước từ sông vào đồng ruộng cũng như sử dụng sinh hoạt.
Theo bà Vũ Thị Trường (83 tuổi, trú tại xã Bình Minh), nguyên nhân sông Bắc Hưng Hải có màu đen đặc, bốc mùi hôi thối và khiến cá chết hàng loạt là một số doanh nghiệp tái chế phế liệu, sản xuất bao bì, vàng mã tại cụm công nghiệp Tân Hồng xả thải ra sông không qua xử lý.
Người dân địa phương đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên chính quyền nhưng không được giải quyết dứt điểm. Trước đây, các doanh nghiệp chỉ xả 2-3 ngày nhưng gần đây thì việc xả thải kéo dài cả tháng.
Ngày 18/4, bà Nguyễn Thị Hải Hòa, chuyên viên Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, 3 tháng trước Sở đã phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra chống tội phạm về môi trường tỉnh kiểm tra, phát hiện hàng loạt sai phạm liên quan đến việc xả nước thải không đạt chuẩn, nước thải độc hại không qua xử lý ra sông Bắc Hưng Hải của các công ty TNHH Lục Nam; Quốc Pháp; Tiến Long và hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tuấn tại cụm công nghiệp Tân Hồng.
Bên cạnh việc yêu cầu các công ty trên dừng hoạt động, đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử phạt cơ sở của ông Tuấn 88 triệu đồng.
Tuy nhiên, các công ty và ông Tuấn không chấp hành, tiếp tục xả thải. Do đó, ngày 10/4 UBND huyện Bình Giang ra công văn yêu cầu tất cả đơn vị vi phạm nghiêm túc chấp hành kết luận của đoàn kiểm tra, đồng thời đề nghị tỉnh Hải Dương xem xét thu hồi giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp, cấm hoạt động đối với cơ sở vi phạm.
Trước việc hàng nghìn ha lúa lâm vào tình trạng khô hạn, bà Hòa cho hay chính quyền địa phương đã bơm nước từ nơi khác vào sông Bắc Hưng Hải để dồn, đẩy toàn bộ nước ô nhiễm về hạ nguồn nhưng không thành công.
“Bây giờ chỉ trông chờ vào thời tiết. Nếu mưa lớn sẽ giải cứu được dòng sông và 1/2 diện tích lúa chiêm xuân của huyện khỏi nguy cơ mất mùa”, bà Hòa nói.