Định hướng công nghệ xử lý chất thải rắn vùng Bắc bộ

09/06/2023 214 lượt xem quantri

Theo Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia, trên cơ sở căn cứ đồ án Quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng Bắc bộ đến năm 2030, sẽ điều chỉnh quy hoạch các khu xử lý CTR cấp liên vùng tỉnh, đảm bảo xử lý triệt để chất thải rắn, hạn chế chôn lấp, nâng cao hiệu quả công tác xử lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải nguy hại.

Đồng thời, xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn; huy động các nguồn lực tham gia đầu tư thu gom, xử lý chất thải rắn; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm cộng đồng, cải thiện môi trường sống để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện thành công Chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2030.

Theo Giáo sư Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, khối lượng chất thải đô thị, đặc biệt CTR sinh hoạt và công nghiệp phát sinh ngày càng nhiều. Các đô thị nhất là các đô thị lớn luôn đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Như vậy cần sớm đề xuất ban hành quy hoạch này làm sơ sở quản lý và kêu gọi đầu tư.

Trên địa bàn TP.Hà Nội, tổng khối lượng CTR sinh hoạt khoảng 6.366 tấn/ngày, nhưng tỷ lệ rác thải được thu gom và xử lý tại các huyện ngoại thành chỉ đạt 75% đến 80%. Ngoài ra, trung bình mỗi ngày Hà Nội thải ra môi trường khoảng 750 tấn CTR công nghiệp, song công tác thu gom CTR công nghiệp, mới được từ 637 đến 675 tấn/ngày (đạt 85% – 90%) và xử lý được từ 382 đến 405 tấn/ngày. Đối với chất thải công nghiệp nguy hại, mới chỉ thu gom được từ 58 đến 78,4 tấn/ngày.

Nhóm nghiên cứu của đồ án cũng cho biết, trên thực tế việc thực hiện đầu tư xây dựng các khu xử lý CTR cấp vùng liên tỉnh hiện chưa đạt yêu cầu đề ra do còn thiếu cơ chế chính sách đầu tư thích hợp và cơ chế phối hợp giữa các địa phương.

Do đó, để nâng cao công tác quản lý CTR tại các đô thị, bên cạnh việc nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp, cần đẩy mạnh chính sách phát triển công nghệ xử lý CTR theo hướng giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng. Bên cạnh đó, tăng cường và đa dạng hóa đầu tư cho quản lý và xử lý CTR, phát triển các tổ chức sự nghiệp môi trường và doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý CTR.

Việc lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn (CTR) nào để áp dụng vào điều kiện cụ thể đang là bài toán khó cho chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, việc lựa chọn công nghệ xử lý chất thải như thế nào để xây dựng đồng bộ các hạng mục công trình cho đúng tiêu chuẩn kỹ thuật là rất quan trọng.

Hầu hết các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm đều đóng góp ý kiến mong muốn Bộ Xây dựng có định hướng về công nghệ xử lý CTR trong án Quy hoạch quản lý chất thải rắn( CTR) vùng Bắc bộ đến năm 2030. Các cơ sở xử lý CTR được đặt ra trong vùng tỉnh có thể xử lý cho liên tỉnh cần được hỗ trợ về cơ chế chính sách. Có như vậy mới khắc phục được triệt để hiện tượng công nghệ tiên tiến nhưng không có đầu ra như hiện nay.
(Theo Baoxaydung.com.vn)

09/06/2023 214 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm