Điều chỉnh tăng mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp

22/07/2023 362 lượt xem quantri
Ngày 1-3, tại hội nghị phản biện xã hội về việc điều chỉnh tăng mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn TPHCM (do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức), nhiều doanh nghiệp (DN) đã bức xúc cho rằng, việc điều chỉnh đối tượng và mức phí nước thải công nghiệp sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất.

Ông Trần Thanh Hồng bức xúc cho rằng mức thu phí theo dự thảo là quá cao !
Xả thải nhiều phải đóng phí nhiều

Phân tích về thực trạng thu phí nước thải công nghiệp, ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM, cho biết công tác thu phí thực hiện từ năm 2004 và được điều chỉnh nhiều lần cho đến nay. Tuy nhiên, mức thu phí cũng như đối tượng thu phí đang phát sinh nhiều bất cập, không phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, không thể đáp ứng yêu cầu tái đầu tư cải tạo chất lượng môi trường – vốn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Cụ thể, đối tượng được xác định đóng phí bảo vệ môi trường tập trung chủ yếu là các cơ sở sản xuất chế biến của 13 loại hình ngành nghề, nhà máy xử lý nước thải, cấp nước. Mức thu chia thành 2 thể thức là cố định và biến đổi. Với loại hình cơ sở sản xuất có mức xả thải khoảng 20m³/ngày đêm trở xuống thì chỉ nộp phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm. Với đối tượng có mức xả thải trên 20m³/ngày đêm trở lên, ngoài mức phí cố định phải đóng thì sẽ cộng thêm phí biến đổi (tính theo tổng lượng nước thải thải ra, hàm lượng thông số ô nhiễm và tùy theo mỗi loại chất thải khác nhau mà có mức thu khác nhau). Tính đến nay, sở đang tiến hành thu phí bảo vệ môi trường của 2.786 cơ sở sản xuất với tổng lượng nước thải ước tính 143.000m³/ngày đêm, đạt 8 tỷ đồng/năm.
Để khắc phục bất cập trên, Sở TN-MT đề xuất, về đối tượng, ngoài những đối tượng cũ thì bổ sung thêm các đối tượng mới là cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám chữa bệnh (khoảng 523 cơ sở, tổng lưu lượng 22.262m³/ngày đêm), công ty đầu tư hạ tầng tiếp nhận và xử lý nước thải quá trình xử lý chất thải rắn, các bãi chôn lấp rác thải (lưu lượng phát sinh gần 8.000m³/ngày đêm).
Mức tính thu phí nước thải cũng phải điều chỉnh. Theo đó, cơ sở sản xuất có tổng lượng nước thải dưới 5m³/ngày đêm, áp dụng mức phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm; cơ sở có lượng xả thải 5m³/ngày đêm trở lên thì mức tính phí sẽ áp dụng là phí cố định nhân với hệ số K (lưu lượng xả thải/ngày đêm chia cho 5m³/ngày) và cộng với phí biến đổi phải nộp. Dự ước, với cách tính phí mới số lượng cơ sở phải nộp phí xả thải môi trường, sẽ tăng lên 3.310 cơ sở, mức tổng phí thu được là 60 tỷ đồng/năm.
Cần tính đến tác động nhiều mặt

Trái chiều với quan điểm của Sở TN-MT, nhiều DN cho rằng việc điều chỉnh này sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất của đơn vị do phí xả thải tăng cao. Ông Trần Thanh Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận, cho rằng cơ sở khoa học để đề xuất tăng thu phí bảo vệ môi trường, mở rộng đối tượng thu phí, mục đích thu, đối tượng nào bị xác định đang gây ô nhiễm, hàm lượng ô nhiễm trong nước thải, chưa xác định rõ.
Tại KCX Tân Thuận, trung bình mỗi năm nộp 600 triệu đồng phí nước thải công nghiệp. Thế nhưng, với cách tính phí mới như dự thảo đề xuất thì công ty phải tăng mức đóng lên gấp 7 lần – quá sức chịu đựng của DN.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh, hội nghị này là tiền đề để các đơn vị, các nhà khoa học tham gia phản biện hiệu quả các đề án phát triển kinh tế – xã hội của TPHCM trong thời gian tới. Những phản biện trên rất quan trọng và ngành TN-MT cần tiếp thu đầy đủ, có sửa đổi phù hợp, nhằm tạo sự đồng thuận trong DN và nhân dân khi thực hiện.
Đại diện KCX Linh Trung cho biết thêm, trong công thức tính phí hiện tại có thêm hệ số lưu lượng nước thải thì khi DN xả thải càng nhiều càng phải trả mức phí cao, bất chấp DN đó đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định.
Ngoài ra, mức phí cố định hiện đang được tính cao hơn nhiều lần phí biến đổi là không hợp lý. Ông Vũ Văn Huy, Công ty cổ phần Kỹ nghệ súc sản Vissan, cho rằng cách tính trên của dự thảo chưa khuyến khích DN cải thiện công nghệ xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thậm chí gây sự bất công giữa cơ sở chưa có hệ thống xử lý nước thải với những cơ sở đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng xử lý chưa đạt.
Theo nhiều chuyên gia môi trường, cơ sở dữ liệu xác định hiện có bao nhiêu DN thuộc đối tượng thu phí phải được tính đúng, tính đủ để tạo công bằng cho các đối tượng phải nộp phí. TPHCM cần thiết phải có sự khảo sát nhất định về lượng chất thải đang gây ô nhiễm cho hệ thống kênh rạch. Từ đó, điều chỉnh mức giá trên hàm lượng ô nhiễm này, thay vì điều chỉnh thêm hệ số về lưu lượng nước thải như dự thảo nêu. DN sản xuất có lượng nước thải chứa hàm lượng chất gây ô nhiễm nặng cho hệ thống kênh rạch của TP sẽ phải đầu tư thêm công nghệ xử lý chất này, để giảm chi phí bảo vệ môi trường phải đóng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT, cho biết cách thức thu phí hiện nay dựa trên cơ sở đối tượng đóng phí tự kê khai mức phát thải. Sở và quận – huyện có kiểm tra xác suất hàng năm để định lượng lại mức phí thu. Tuy nhiên, cách làm này không đạt được hiệu quả tốt do có nhiều đối tượng đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng việc vận hành không thường xuyên, không đúng quy định. Do vậy, việc điều chỉnh cách thu và mức thu là rất cần thiết trong bối cảnh mới hiện nay. Trên tinh thần góp ý của các DN và các nhà khoa học, sở sẽ bổ sung hoàn thiện thêm mục tiêu, sự cần thiết, số liệu hiện trạng thu phí, cách thức thu, lộ trình thu đối với nước thải công nghiệp. Sở cũng sẽ bổ sung vấn đề chế tài với những DN chưa thực hiện tốt việc nộp phí.
22/07/2023 362 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm