Bệnh viện Trung ương tự xử lý chất thải y tế

30/07/2023 332 lượt xem quantri

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh, 37% số bệnh viện tuyến Trung ương đang tự xử lý chất thải rắn y tế bằng lò đốt hoặc hóa chất và tự xử lý nước thải bằng thiết bị vi sóng.

Kết quả kiểm tra của Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) tại 35 bệnh viện tuyến trung ương, cho thấy, chỉ có 22 bệnh viện hợp đồng với Công ty môi trường xử lý chất thải rắn, còn lại 13 bệnh viện tự xử lý. Trong đó, 6 bệnh viện sử dụng lò đốt để xử lý chất thải rắn y tế và 7 bệnh viện sử dụng hóa chất để xử lý.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, phát hiện tình trạng mua và sử dụng chế phẩm diệt khuẩn chưa được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành, không thực hiện ghi nhãn tiếng Việt đối với sản phẩm nhập khẩu, nhãn không ghi đầy đủ thông tin theo quy định, ghi hạn sử dụng dài hơn hạn sử dụng đã được Bộ Y tế phê duyệt… Bên cạnh đó, việc phân loại, thu gom rác thải tại hầu hết các bệnh viện được kiểm tra đều làm chưa tốt. Tại bệnh viện Lão Khoa Trung ương, túi đựng chất thải chưa hợp lý, cũng chưa bố trí được khu vực lưu giữ chất thải tạm thời cho các khoa, phòng. Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, việc  phân loại chất thải y tế chưa đúng, khu lưu giữ chất thải rắn y tế còn bẩn.

Tại một số khoa của Bệnh viện K Trung ương, chất thải thông thường vẫn chưa được thu gom vào thùng theo qui định, khu lưu giữ chất thải tái chế còn để dưới gầm cầu thang, chưa có khóa dễ dẫn đến tình trạng chất thải y tế bị tuồn ra ngoài. Tại Bệnh viện E (Hà Nội), xe lưu trữ chất thải thông thường để không đúng nơi qui định, cũng không có mái che, dễ gây ô nhiễm và cũng chưa có khu lưu trữ riêng chất thải lây nhiễm, chất thải hóa học. Tại Bệnh viện Việt Đức có 3 khoa sử dụng chưa đúng túi đựng chất thải y tế lây nhiễm. Còn tại Bệnh viện Đại học Y Thái Bình, khâu phân loại, vận chuyển đến thu gom rác thải, chất thải y tế chưa đúng, thậm chí, lưu giữ chất thải rắn y tế quá thời gian qui định.

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y Tế) cho biết: “Luật và thông tư, nghị định của Chính phủ đã quy định, cơ sở y tế các trách nhiệm bố trí đủ kinh phí phân loại chất thải y tế tại nguồn, thực hiện thu gom, vận chuyển, lưu giữ xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn chất lượng môi trường, có kế hoạch, thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do chất thải gây ra. Chất thải phải được loại bỏ sơ bộ mầm bệnh có nguy cơ lây nhiễm trước khi chuyển đến nơi lưu giữ, xử lý tập trung. Xử lý khí thải đảm bảo quy chuẩn chất lượng môi trường. Người đứng đầu bệnh viện có trách nhiệm thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế. Năm nay, Thanh tra Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra thực tế và sẽ không báo trước địa điểm kiểm tra”.

Trong một diễn biến khác, theo báo cáo hiện trạng ô nhiễm dioxin trong môi trường ở Việt Nam (công bố tháng 11/2014),  nhiều nhà máy xử lý rác thải ở Hà Nội, Hải Dương và thành phố Hồ Chí Minh có nồng độ dioxin và hợp chất có độc tính giống dioxin trong khí thải và nước thải vượt mức cho phép từ vài lần đến 5.000 lần.

Văn Hải – VOV
30/07/2023 332 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm