Nhân rộng mô hình xử lý nước thải làng nghề chế biến tinh bột sắn Tân Hòa

14/06/2023 322 lượt xem quantri

Ô nhiễm “dai dẳng”

Sự phát triển của làng nghề tại xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai) đã giải quyết việc làm cho gần một nghìn lao động tại địa phương, mang lại thu nhập từ 2,5 – 3 triệu đồng/người mỗi tháng. Song người dân địa phương đang phải đối mặt với vấn nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và dai dẳng.

Ông Vương Trí Kiểm, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết, trên địa bàn xã hiện còn khoảng 70 hộ chuyên sản xuất, chế biến tinh bột dong, nấu nha, làm bún. Các hộ sản xuất mạnh nhất dịp 3 tháng cuối năm, trung bình mỗi ngày chế biến khoảng 500 tấn bột dong kéo theo lượng nước thải vô cùng lớn. Mặc dù lượng nước thải từ chế biến sắn là rất lớn nhưng đều không qua xử lý, thải trực tiếp ra cống rãnh chung của xã.

Nước thải từ làng nghề đổ về dòng sông Đáy đoạn chảy qua địa phận xã Tân Hòa

Cũng theo ông Vương Trí Kiểm, việc xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ở đây còn nhiều khó khăn do hoạt động sản xuất trong khu vực làng nghề có quy mô nhỏ (chủ yếu là hộ gia đình), nằm phân tán trong khu dân cư, hầu hết không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư công nghệ, xây dựng công trình xử lý ô nhiễm rất lớn nên việc kêu gọi, huy động các hộ gia đình, cơ sở sản xuất trong làng nghề đầu tư cho công tác xử lý, bảo vệ môi trường cũng rất khó khăn.

Tinh bột sắn được phơi tràn lan…

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm môi và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn thành phố, từ năm 2012, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở TN&MT tiến hành khảo sát tại 17 làng nghề có ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Từ đó, Sở đã lựa chọn làng nghề chế biến tinh bột sắn tại xã Tân Hòa là một trong 6 làng nghề đặc biệt ô nhiễm về nước thải để tổ chức triển khai thí điểm công nghệ xử lý phù hợp.

Tuy nhiên, thí điểm công nghệ xử lý nước thải là mô hình nhỏ ở 4, 5 hộ gia đình làm nghề, chứ không phải dự án trình diễn. Ông Nguyễn Đăng K (xin phép giấu tên), chủ một hộ chế biến ở đây cho biết: Đa phần các hộ sản xuất vẫn xả nước thải trực tiếp ra môi trường, công trình tiền tỉ các hộ làm nghề không có kinh phí để đầu tư, nên ô nhiễm môi trường vẫn cứ thế tiếp diễn là điều khó tránh khỏi.

Mô hình vẫn là thí điểm… do đâu?

Chủ tịch UBND xã Tân Hòa khẳng định, công nghệ xử lý nước thải thí điểm tại một số hộ làm nghề xã Tân Hòa đã mang lại hiệu quả tích cực trong xử lý ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nguồn chi phí để lắp đặt công nghệ quá lớn nên các hộ sản xuất không có vốn để đầu tư, trong khi đó Nhà nước và chính quyền địa phương không đủ kinh phí để hỗ trợ, nguồn xã hội hóa ở địa phương còn thiếu thốn. Do vậy, việc ứng dụng công nghệ xử lý nước thải ở tất cả các hộ trong làng nghề vô cùng khó khăn, nhất là trong điều kiện các gia đình làm nghề còn nằm nhỏ lẻ trong khu dân cư.

Được biết, trong những năm vừa qua, chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường luôn chiếm 2 – 3% tổng chi ngân sách của thành phố (mức quy định theo Nghị quyết 41-NQ/TW là tối thiểu 1%). Bên cạnh đó, thành phố cũng đã đẩy mạnh xã hội hóa công tác đầu tư và cung cấp các dịch vụ môi trường; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào xử lý nước thải. Tuy nhiên, việc đầu tư trong lĩnh vực xử lý môi trường ít sinh lời, do đó công tác kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách còn hạn chế, chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Do vậy, công nghệ xử lý nước thải nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường tại làng nghề xã Tân Hòa đã được áp dụng hiệu quả, song lại khó đạt được mục tiêu phổ biến, nhân rộng. “Để góp phần khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương đang triển khai quy hoạch 13ha đất, sẽ đề xuất lên UBND huyện về việc xây dựng điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề tập trung vào cuộc họp ngày 21/7”, ông Vương Trí Kiểm khẳng định.

Thiết nghĩ, việc thí điểm công nghệ xử lý nước thải phù hợp ở đây nhằm mục tiêu giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường. Hi vọng rằng, thành phố Hà Nội và huyện Quốc Oai sẽ nhanh chóng chỉ đạo việc xây dựng chính sách, giải pháp thiết thực hơn nữa để tiếp tục từng bước cải thiện chất lượng môi trường tại làng nghề chế biến tinh bột sắn xã Tân Hòa.

Bài & ảnh: Tuyết Chinh (Theo TNMT)

14/06/2023 322 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm