Tây Nguyên: Công ty bò sữa cần phải được giám sát chặt chẽ về việc xử lý chất thải sau chăn nuôi

16/06/2023 346 lượt xem quantri

Dự án chăn nuôi bò thịt của Công ty Cổ phần bò sữa Tây Nguyên – Công ty con của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đặt tại xã Ia Băng, huyện Chư Prông (Gia Lai) được đánh giá là dự án nuôi bò lớn nhất nhì trên cả nước. Vì thế, để đảm bảo các vấn đề về môi trường được quan tâm ngay từ đầu, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai đã có buổi kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường của dự án này.

Dự án bắt đầu hoạt động vào tháng 6/2015, đã được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Theo đó, trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự án phát sinh một số loại chất thải như nước thải, chất thải rắn, khí thải, mùi hôi. Nước thải sinh hoạt được thu gom xử lý bằng bể tự hoại 3 ngăn, nước thải sản xuất từ quá trình chăn nuôi được thu gom riêng và cho chảy vào hệ thống nước thải tập trung. Chất thải rắn chăn nuôi, chủ yếu là phân bò với khối lượng khoảng 200 m3/ngày (quy mô 23.000 con) được thu gom và bán cho các đơn vị có nhu cầu. Khí thải và mùi hôi phát sinh từ phân và nước thải thì sử dụng chế phẩm sinh học để hạn chế mùi hôi.

Trong quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai nhận được phản ánh của người dân về sự cố môi trường xảy ra hồi tháng 7/2015, do mưa lớn nên hồ chứa nước thải của dự án bị vỡ, khiến nước thải chảy tràn ra môi trường, làm ảnh hưởng đến một số khu vực xung quanh. Cụ thể, nước mưa chảy tràn kèm theo phân bò của trang trại đã chảy theo thung lũng về hệ thống nước của hồ thủy lợi Hoàng Ân. Phần nước thải còn lại chảy theo đường lô của dự án kéo dài khoảng 500 m xuống vùng trồng cà phê của một số hộ dân. Lượng phân bò nhiều, để lâu ngày nên đã làm chết khoảng vài chục gốc cà phê. Bên dưới rẫy cà phê có một số diện tích ruộng lúa của người dân địa phương cũng bị ảnh hưởng năng suất do nước phân bò của dự án tràn xuống. Được đánh giá là dự án nuôi bò lớn nhất nhì trên cả nước, nên vấn đề bảo vệ môi trường cần phải được quan tâm ngay từ đầu. Tuy nhiên, việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án vẫn chưa được xác nhận. Dự án chưa được cấp Giấy phép khai thác sử dụng nước ngầm, nước mặt; chưa được cấp Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; chưa thực hiện giám sát môi trường định kỳ. Các loại chất thải nguy hại như chai lọ, thuốc thú y, kim tiêm thải, dầu mỡ thải… được thu gom nhưng chưa đúng theo quy định.

Mặc dù, Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt bao gồm các hạng mục như hệ thống xử lý nước thải, nhà ủ phân, và trồng cây xanh khu vực chuồng trại chăn nuôi, nhưng tại thời điểm kiểm tra, các công trình này mới đang được xây dựng. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty khẩn trương xây dựng hệ thống xử lý chất thải nhằm đảm bảo xử lý chất thải đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải vào môi trường. Ngoài ra, Công ty phải tăng cường phun chế phẩm sinh học, trồng cây xanh khu vực chuồng trại và hệ thống xử lý nước thải để hạn chế mùi hôi phát sinh ảnh hưởng đến khu vực xung quanh. Đối với sự cố môi trường, Công ty phải chủ động phối hợp với địa phương và các hộ bị ảnh hưởng để có biện pháp khắc phục, thời gian trước ngày 30/10/2015. Đồng thời, khẩn trương khắc phục các tồn tại nêu trên, báo cáo kết quả trước 31/12/2015.

 

Đoàn kiểm tra cũng đã tiến hành lấy mẫu nước tại hồ thủy lợi Hoàng Ân để  phân tích, đánh giá vi phạm và áp dựng biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Nguồn tin: moitruongvn.org

16/06/2023 346 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm