Xử lý nước thải kênh Tân Hóa – Lò Gốm

03/08/2023 425 lượt xem quantri

Liên danh Tập đoàn Hanwha E&C và Công ty K-Water của Hàn Quốc vừa đề xuất triển khai dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải và hệ thống thu gom nước thải lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm tại TPHCM theo hình thức hợp tác công tư. Tổng vốn đầu tư cho dự án này ước khoảng 300 triệu đô la Mỹ.

Kênh Tấn Hóa – Lò Gốm mới được khánh thành nhưng nguồn nước vẫn bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo thông tin từ UBND TPHCM, dự kiến biên bản ghi nhớ (MOU) về thực hiện dự án nói trên giữa nhà đầu tư và chính quyền TPHCM sẽ được ký kết trong chuyến công tác của đoàn lãnh đạo TPHMC cùng hơn 20 doanh nghiệp tại Hàn Quốc từ ngày 24-5 đến 28-5 sắp tới.

Trước đó, hồi cuối tháng 3-2015, ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng công trình nâng cấp đô thị TPHCM, cho biết chính quyền TPHCM kêu gọi đầu tư xây dựng dự án nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm với công suất 300.000 m3/ngày với vốn đầu tư ước khoảng 300 triệu đô la Mỹ theo hình thức hợp tác công tư (PPP).

Theo ông Liêm, nhà máy xử lý nước thải kênh Tân Hóa – Lò Gốm có diện tích khoảng 22 héc ta tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh sẽ có công suất đủ để xử lý toàn bộ lượng nước thải lưu vực kênh Tân Hóa – Lò Gốm. Hiện nay toàn bộ lượng nước thải lưu vực này chỉ được thu gom qua 8km cống bao mới xây dựng rồi chảy thẳng ra kênh Tàu Hủ – Bến Nghé chứ chưa được xử lý.

Hiện nay tại TPHCM còn một dự án xử lý nước khác đang kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP là dự án xử lý nước thải lưu vực Tây Sài Gòn công suất 120.000 m3/ngày nhằm xử lý nước thải cho các các khu dân cư lưu vực Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên, bao gồm các quận 12, Tân Phú và Bình Tân. Hiện nay, dự án này đang có khoảng 16 nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm muốn tham gia triển khai.

Tại Việt Nam, một số hành lang pháp lý cơ bản cho việc triển khai đầu tư theo hình thức PPP gồm Nghị định 15/2015/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 14-2-2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17-3-2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo một số nhà đầu tư dự án xử lý nước thải tại TPHCM, hiện vẫn còn một số vướng mắc trong thực hiện dự án xử lý nước thải theo hình thức PPP như vẫn còn thiếu cơ chế bảo lãnh thanh toán cho nhà đầu tư, khó khăn trong tìm quỹ đất sạch xây nhà máy, đơn giá dịch vụ xử lý nước thải mà người sử dụng phải trả chưa được ban hành thống nhất, khó khăn trong phương thức thu phí dịch vụ xử lý nước thải …

Hiện thành phố mới có hai nhà máy xử lý nước thải hoạt động, gồm nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng công suất giai đoạn 1 là 141.000 m3/ngày, và nhà máy nước thải Bình Hưng Hòa công suất 30.000 m3/ngày, trong khi mỗi ngày thành phố thải ra tới 2 triệu mét khối nước thải.

03/08/2023 425 lượt xem quantri