Xử lý chất thải và khắc phục ô nhiễm tại các sông

24/07/2023 529 lượt xem quantri
Quá trình sản xuất thủ công và tập trung tại một số hộ gia đình nằm xen kẽ trong các cụm dân cư, thôn, xóm tại những nơi có làng nghề truyền thống. Do đó, việc quản lý và xử lý nước thải các sông hết sức khó khăn, rất cần những giải pháp xử lý hữu hiệu.
Một dòng suối bị ô nhiễm nghiêm trong do một nhà máy xả thải.
Nước thải nhiễm chất hữu cơ
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có rất nhiều các làng nghề, trong đó có hơn 400 các làng nghề (chiếm 20%) chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi, giết mổ, chủ yếu tập trung tại các lưu vực sông lớn như đồng bằng sông Hồng 60%, tại miền Trung 30% và miền Nam 10%.
Nước thải, chất thải rắn và mùi hôi phát sinh trong các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng môi trường của lưu vực các dòng sông. Các loại nước thải này có các thành phần rất đa dạng, thường không được kiểm soát, xử lý và đổ thẳng vào các con sông và gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Đối với hầu hết các làng nghề, vấn đề quản lý, xử lý chất thải, đặc biệt là nước thải và chất thải rắn chưa có hoặc rất yếu kém. Điều này càng làm gia tăng sự ô nhiễm cho các nguồn tiếp nhận.
Tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, toàn bộ nước thải sinh hoạt của các hộ dân thuộc thôn Chuyên Thiện, Trì Xá, Vân Kênh (xã Châu Giang); thôn Từ Đài, Điện Biên, Quan Phố (xã Chuyên Ngoại) khoảng 400 m3/ngày và được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại, nước thải của các hộ sản xuất rượu, bún, đậu, chăn nuôi khoảng 180-200 m3/ngày đêm, nước thải của một số cơ sở sản xuất kinh doanh trong cụm tiểu thủ công nghiệp Cầu Giát có tổng lượng nước thải từ 400-480 m3/ngày đêm được xử lý sơ bộ, thu gom chảy vào mương dẫn nước chung của các thôn, vào ao Sen có diện tích 4.300m2 rồi đổ ra sông Giát, sau đó chảy vào sông Châu Giang. Như vậy, nước thải đã bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ, thải trực tiếp ra sông sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng các dòng sông tiếp nhận.
Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường thuộc Tổng cục Môi trường đã phân tích năm mẫu nước thải đều cho kết quả ô nhiễm. So với quy chuẩn cho phép, hàm lượng các chất độc như COD cao hơn từ 1,93-13 lần; BOD5 cao hơn từ 2,12-20,8 lần; hàm lượng chất rắn lơ lửng cao hơn từ 2,03-3,8 lần; hàm lượng NH4+ cao hơn từ 3,2-4,2 lần; hàm lượng tổng nitơ, tổng phốtpho và coliform cũng cao hơn từ 1,1-2,2 lần. Riêng các chỉ tiêu kim loại nặng và tổng dầu mỡ không vượt quy chuẩn cho phép.
Xử lý nước thải với chi phí thấp
Việc kiểm soát và áp dụng công nghệ phù hợp để xử lý nước thải hỗn hợp sinh hoạt-chế biến nông sản thực phẩm giàu chất hữu cơ với chi phí thấp cho các khu dân cư thuộc các lưu vực sông là rất cần thiết. Vì vậy, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường đã triển khai nhiều mô hình xử lý nước thải tại các địa phương.
Các mô hình mà Trung tâm triển khai đến nay đều hoạt động có hiệu quả. Đây là các mô hình xử lý nước thải với chi phí thấp, quá trình xử lý hoàn toàn tự nhiên, phù hợp với trình độ vận hành của các địa phương. Hơn nữa, các dự án này được thiết kế theo dạng vừa là trạm xử lý nước thải, vừa là dạng khuôn viên cây xanh, là chỗ người dân có thể vui chơi, tham quan nên có tính chất tuyên truyền cao về mặt bảo vệ môi trường.
Hai mô hình xử lý nước thải gồm “Xây dựng mô hình hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt bằng công nghệ thấm lọc cho các khu dân cư và đô thị dọc lưu vực sông Nhuệ-Đáy,” áp dụng tại thị trấn Me, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình; công suất xử lý 900 m3/ngày đêm; “Khắc phục ô nhiễm, cải tạo cảnh quan môi trường lưu vực sông Cầu bằng việc xử lý nước thải sinh hoạt thí điểm theo công nghệ lọc kỵ khí kết hợp bãi lọc ngầm trồng cây,” áp dụng tại phường Bách Quang, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, công suất xử lý 750 m3/ngày đêm.
Gần đây nhất, Trung tâm đã triển khai hệ thống thu gom, xử lý nước thải theo mô hình điểm đã hoàn thành với công suất 1.200m3/ngày đêm, cải thiện ô nhiễm môi trường cho cho các cụm dân cư các thôn Chuyên Thiện, Trì Xá, Vân Kênh (xã Châu Giang); Từ Đài, Điện Biên, Quan Phố (xã Chuyên Ngoại), huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, giảm thiểu ô nhiễm cho sông Nhuệ-Đáy, góp phần cải thiện môi trường, hạn chế suy giảm chất lượng môi trường tự nhiên và bảo vệ sức khỏe cộng đồng tại các khu vực này.
Nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn thải QCVN 40: 2011/BTNMT. Suất đầu tư ở mức chấp nhận được, khoảng gần 10 triệu đồng/m3 nước thải. Hệ thống máy móc, thiết bị đơn giản, dễ vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, thay thế khi hỏng hóc… phù hợp với trình độ công nhân và có thể tự động hóa dễ dàng.
Giám đốc Trung tâm Vũ Ngọc Tĩnh cho biết, đây là giải pháp công nghệ xử lý nước thải hỗn hợp sinh hoạt-chế biến nông sản thực phẩm giàu chất hữu cơ với chi phí thấp khá phù hợp với điều kiện của Việt Nam, có thể nhân rộng mô hình ra các địa bàn khác trên lưu vực sông Nhuệ-Đáy, cũng như trên các lưu vực sông khác trên phạm vi cả nước.
Các thông tin, kết quả thực hiện dự án có thể làm tài liệu phục vụ công tác nghiên cứu, công tác quản lý cho cơ quan chuyên môn cũng như các cơ quan lý nhà nước Trung ương và địa phương, giúp công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường có thêm giải pháp quản lý cũng như ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả nhằm giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường do nước thải tại các lưu vực sông, các khu dân cư đô thị, thị trấn, thị tứ và các cùng nông thôn trên cả nước.
Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường đã tập huấn, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; đồng thời tổ chức lớp đào tạo, tập huấn và chuyển giao công nghệ cho địa phương./.
>>>Xem thêm: TP.HCM kênh thoát nước thành nơi chứa rác
                                                                                                                                   Nguồn: moitruong.com.vn
24/07/2023 529 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm