Xử lý bùn thải đô thị: Bài toán chưa có lời giải

28/07/2023 758 lượt xem quantri
Tốc độ đô thị hóa và hệ thống đô thị phát triển quá “nóng” khiến hệ thống thoát nước đô thị mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn không đáp ứng yêu cầu. Sự quá tải này đã phát sinh một lượng lớn bùn thải đô thị chưa được xử lý, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người.

 Thừa thu gom – thiếu xử lý

Theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, Việt Nam hiện có 774 đô thị, nhưng chỉ có khoảng trên 20 đô thị có trạm/nhà máy xử lý nước thải tập trung và sử dụng công nghệ xử lý nước thải khác nhau đã và đang đưa vào vận hành khai thác. Cùng với đó là hệ tầng kỹ thuật khác tại các đô thị chưa thật sự đồng bộ và phát huy hiệu quả khiến bùn thải phát thải ra môi trường dần rơi vào tình trạng thừa thu gom nhưng thiếu xử lý với khối lượng ngày càng lớn, gây ảnh hưởng tới môi trường và đời sống của người dân.

Theo thống kê từ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội mỗi ngày đơn vị này thu gom tại 4 quận nội thành và các trại giam khoảng 6.698 tấn, chưa kể lượng chất thải lỏng từ sân bay Nội Bài. Trong khi đó, trạm xử lý phân bùn bể phốt mới chỉ đáp ứng công suất 50 tấn/ngày đêm. Còn tại TP.HCM mỗi ngày phát sinh lượng bùn thải các loại tổng cộng khoảng 3.000 – 4.000m3/ngày (tương đương 5.000 – 6.000 tấn/ngày. Nguồn bùn chủ yếu từ hệ thống thoát nước thải sinh hoạt đô thị, bùn thải từ hệ thống thoát nước thải công nghiệp, bùn thải từ các hoạt động nạo vét kênh rạch định kỳ, bùn hầm cầu, bùn thải từ các trạm, nhà máy xử lý nước cấp, bùn thải từ các công trường xây dựng…

Thực tế không phải tất cả các bùn thải này đều được xử lý theo quy chuẩn kỹ thuật đã được ban hành. Tại các đô thị lớn, trong quy hoạch đô thị, quy hoạch thoát nước và quy hoạch xử lý chất thải chưa thực sự quan tâm đến việc thu gom, vận chuyển cũng như việc xác định các vị trí, địa điểm xử lý bùn thải từ hệ thống thoát nước và các công trình vệ sinh. Điều này đã dẫn tới hậu quả đó là việc hàng loạt vụ việc đổ trộm bùn thải ra ngoài đã được thực hiện gây bức xúc trong dư luận. Các cơ sở sản xuất kinh doanh thường thu gom sau đó xả bỏ tại nơi không phải dành cho xử lý bùn thải; thường là những khu vực hẻo lánh, dân cư thưa thớt nhằm giảm bớt chi phí xử lý bùn thải cho doanh nghiệp, mặc kệ hệ quả nghiêm trọng xảy ra cho môi trường cũng như sức khỏe con người. Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2014, chỉ có khoảng 200 tấn chất thải từ các đơn vị tư nhân chuyên làm dịch vụ môi trường được đưa đến trạm xử lý phân bùn của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội để xử lý. Còn lại số bùn này được xử lý ra sao thì vẫn là một câu hỏi chưa được làm sáng tỏ?

Trăn trở giải pháp

Việc tìm “đầu ra” triệt để cho bùn thải vẫn còn là trăn trở đối với nhiều cấp ngành bởi cho tới nay, bùn thải chưa qua xử lý hoặc được xử lý bằng các công nghệ thủ công lạc hậu đang được thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nặng nề. Trong khi đó, nguồn lực cho đầu tư, việc lựa chọn công nghệ, công tác quản lý vận hành, nhận thức của cộng đồng và kể cả những hạn chế, bất cập của các khung chính sách đang là thách thức rất lớn đối với Việt Nam.

PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng cho biết, hiện cả nước đã có đã có 30 nhà máy xử lý nước tập trung với công suất đạt khoảng 800.000m3/ngày đêm đi vào hoạt động góp phần đáng kể cho việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhưng để phát huy hiệu quả một cách tối đa các nhà máy này còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc xây dựng và vận hành hệ thống xử lý bùn thải tốn kém và yêu cầu trình độ quản lý cao khiến nhiều địa phương chưa ứng dụng được công nghệ xử lý một cách triệt để.

Đơn cử như TP Hồ Chí Minh vấn đề lớn nhất đối với công tác xử lý bùn thải hiện nay là TP HCM không dự trù bất cứ khoản kinh phí nào để xử lý bùn thải phát sinh từ dịnh vụ công (bùn thải từ hệ thống thoát nước và bùn thải hoạt động nạo vét kênh rạch). Vì vậy, bùn thải các loại trên thường thường được đổ tự do ở những khu vực thích hợp để có chi phí thấp nhất mà không xử lý.

Theo ước tính của Sở TN&MT, chi phí xử lý các loại bùn trên khoảng 300.000 đồng/tấn và trên dưới 1.000 tỷ đồng/năm.

Để giải quyết vấn đề này Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 quy định chi tiết về quản lý bùn thải từ hệ thống thoát nước; quản lý bùn thải từ bể tự hoại cũng như các quy định về tái sử dụng bùn thải. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Tiến cũng cho rằng, nhiều vấn đề còn thiếu cần phải được tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện, như việc cụ thể hóa các tiêu chí, các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ… chưa được đề cập một cách đầy đủ khiến việc triển khai còn nhiều khó khăn. Đây chính là thách thức đang khiến cho việc xử lý bùn thải trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.

(Theo Báo Tài nguyên và Môi trường)

28/07/2023 758 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm