Theo kế hoạch triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn giai đoạn 2017-2020 tại TPHCM, mục tiêu đến năm 2020 chương trình phân loại rác tại nguồn sẽ thực hiện trên địa bàn 24 quận huyện toàn thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng và giảm chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại thành phố.
Trước mắt trong năm 2017, các đơn vị hành chính sự nghiệp, các trường học, các khu vực vui chơi giải trí như Thảo Cầm Viên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên, các bến xe, trung tâm thương mại, siêu thị… sẽ triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Các chất thải theo đó sẽ được phân loại thành 3 loại gồm: chất thải hữu cơ dễ phân hủy, chất thải có khả năng tái sử dụng và tái chế (phế liệu), chất thải còn lại.
Hiện nay, mỗi ngày TPHCM phát sinh khoảng 7.500 tấn chất thải sinh hoạt. Để người dân thuận tiện trong phân loại chất thải tại nguồn, chính quyền thành phố cũng lên kế hoạch bố trí các thiết bị lưu chứa, phương tiện thu gom và các phương án thu gom ở từng khu vực.
Các chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại được vận chuyển đến hai khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố là Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp (Củ Chi) và Khu liên hợp Đa Phước (Bình Chánh). Tại những nơi này, các đơn vị xử lý chất thải sẽ tiếp nhận, xử lý riêng các nhóm chất thải rắn sau phân loại theo công nghệ xử lý đã cam kết với thành phố.
Chương trình thí điểm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố những năm gần đây có thể nói vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi do chưa được triển khai đồng bộ, người dân chưa ý thức về việc phân loại, hệ thống thu gom còn nhiều bất cập như phương tiện thu gom chưa đảm bảo, chưa có phương án tổ chức thu gom rác sau phân loại phù hợp…
(Nguồn: Theo vfpress.vn)