TP.HCM kiểm soát tình trạng khai thác và sử dụng nước ngầm

03/08/2023 430 lượt xem quantri

Có vị trí tại đường Lạc Long Quân, phường 5, quận 11, chung cư Lạc Long Quân gồm sáu lô với 805 hộ dân thì có đến 640 hộ sử dụng nước giếng khoan của một trạm cấp nước tập trung do Công ty công ích quận 11 đầu tư xây dựng. Trưởng ban quản lý chung cư Đoàn Văn Phúc cho biết, ngay khi những lô nhà đầu tiên của chung cư đưa vào sử dụng năm 2001, thì trạm giếng đã được đưa vào hoạt động để cung cấp nguồn nước cho các hộ dân. Sau đó, khi có hệ thống ống cái đi qua đường Lạc Long Quân, hầu hết các hộ dân ở tầng trệt (165 hộ) đã xin dùng nước máy, còn lại 640 hộ ở các tầng trên vẫn sử dụng nước giếng khoan.

Dù đã có đường ống dẫn nước sạch vào từng nhà nhưng hơn 600 hộ dân ở chung cư Lạc Long Quân (quận 11) vẫn sử dụng nước giếng khoan.

Một nhân viên quản lý hệ thống trạm giếng cho biết, trung bình mỗi ngày đêm, trạm giếng hút 800 m3 nước, sau đó xử lý đưa nguồn nước đến 640 hộ dân; sản lượng này đã giảm so với trước đây là 1.300 m3/ngày đêm (vì hơn 160 hộ đã sử dụng nước máy).

Ông Phúc cho biết thêm, gia đình ông cũng như các hộ ở đây sử dụng nguồn nước giếng lâu ngày rồi quen cho nên cũng không quan tâm chất lượng nước giếng ngầm như thế nào và cũng chỉ nghe là “nước đã được kiểm nghiệm…”!

Chị Nguyễn Thị Mây, ở lầu 1 lô F cho biết: Giá mỗi m3 nước đóng cho đơn vị quản lý trạm giếng (Công ty công ích quận 11) không rẻ (7.420 đồng), chưa kể thuế giá trị gia tăng và phí bảo vệ môi trường. “Nếu được cung cấp nước máy để sử dụng thì người dân rất phấn khởi vì sống ở ngay trong lòng thành phố nhưng gần 20 năm qua vẫn chưa được sử dụng nước máy”, chị Mây chia sẻ.

Trao đổi với Ban quản lý chung cư được biết, UBND quận 11 đã có phương án khảo sát đầu tư một hệ thống cấp nước mới để đưa nước máy lên từng tầng lầu thay thế cho hệ thống cấp nước cũ đã xuống cấp với kinh phí khoảng bốn đến năm tỷ đồng. Trong đó, dự kiến cư dân đóng góp 20% trên tổng kinh phí đầu tư, cho nên UBND phường sẽ phải tổ chức lấy ý kiến của cư dân.

Theo Phó Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Phú Hòa Tân Lê Trung Thành, đầu năm 2016, công ty đã bỏ kinh phí đầu tư hệ thống ống cái (phi 100) đến tận các lô chung cư, sẵn sàng đầu tư các đồng hồ tổng để đo đếm lượng nước sử dụng nhưng việc vận động các hộ dân chuyển sang sử dụng nước máy vẫn phụ thuộc chính quyền địa phương.

Việc người dân chưa mặn mà sử dụng nước máy cũng xảy ra ở nhiều khu vực nội thành trên địa bàn thành phố, trong đó chiếm phần nhiều là các trường học, cơ sở y tế, các cơ quan nhà nước, đơn vị kinh doanh, mặc dù nguồn nước máy luôn sẵn sàng để cung cấp. Tại một trường tiểu học trên địa bàn phường 2, quận 10, chỉ số nước tiêu thụ thể hiện qua đồng hồ trung bình mỗi tháng chỉ là 7 m3, một con số quá nhỏ so với nhu cầu sử dụng nước của hơn 400 học sinh và thầy giáo, cô giáo. Hiệu trưởng trường tiểu học này giải thích: “Nhà trường sử dụng rất ít nước máy vì suất ăn trưa của học sinh đã đặt sẵn, nước uống thì sử dụng nước đóng chai. Thực tế, nguồn nước máy chỉ để sử dụng cho căng-tin, còn lại giặt giũ, lau chùi đều sử dụng hệ thống giếng khoan”.

Thông tin từ Công ty cổ phần cấp nước Tân Hòa, khu vực quận Tân Bình và Tân Phú do công ty quản lý cấp nước hiện có khoảng 40 khách hàng là các cơ quan hành chính, ngân hàng, cũng như đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhưng lượng nước tiêu thụ hằng tháng gần như bằng “0” vì những đơn vị này đều có hệ thống giếng khoan cấp nước thay thế.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Hồ Chí Minh đã công bố: Mỗi ngày, trên địa bàn thành phố có hơn 303 nghìn m3 nước ngầm được khai thác hơn 270 nghìn giếng khoan của nhà dân cũng như các cơ quan, đơn vị, chiếm 20% khối lượng nước máy mà người dân thành phố sử dụng mỗi ngày. Điều đáng nói, trong đó chỉ có 325 đơn vị có giếng khoan được Sở TN-MT cấp phép. Đại diện Sở TN-MT cho biết, thành phố đã ban hành quy định giao cho chính quyền địa phương thống kê, quản lý và có biện pháp chế tài đối với những giếng khoan khai thác nước ngầm trong khu dân cư mà không được cấp giấy phép, nhưng thực tế do chưa có biện pháp chế tài phù hợp, cho nên tình trạng này còn tiếp diễn.

Theo thông tin từ Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), hiện nay, số lượng khách hàng đã có đồng hồ nước nhưng không sử dụng chiếm 8% tổng số khách hàng (tương ứng khoảng 100 nghìn khách hàng) và 11% số khách hàng có mức tiêu thụ rất ít, chỉ 1- 4 m3/tháng (tương ứng khoảng 138 nghìn khách hàng). Phó Tổng Giám đốc Sawaco Bùi Thanh Giang nhận định: Nguồn nước ngầm tự khai thác có chi phí rẻ hơn so với nước máy là một trong những lý do chính dẫn đến việc các hộ gia đình, các khu công nghiệp, khu chế xuất không sử dụng nguồn nước máy của đơn vị cấp nước. Tuy nhiên, hậu quả của việc khai thác nước ngầm quá mức và sử dụng nước ngầm không bảo đảm vệ sinh thì người dân chưa lường hết được.

Cũng theo ông Giang, nước máy đã có thể được cấp đến 100% số hộ dân của thành phố với tổng lượng nước phát ra mỗi ngày đêm của Sawaco gần 2,2 triệu m3 (dư hơn 500 nghìn m³/ngày đêm), trong khi một lượng lớn nước ngầm vẫn được người dân và doanh nghiệp khai thác sử dụng là sự lãng phí lớn về tài nguyên nước cũng như đe dọa môi trường do nguy cơ sụt lún từ khai thác nước ngầm gây ra.

Để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng nước máy cũng như chuyển đổi từ nguồn nước giếng khoan sang nước máy, mới đây, Sawaco kiến nghị UBND thành phố cho chủ trương thỏa thuận giá nước sạch theo cơ chế linh hoạt với các khách hàng lớn mua sỉ nước sạch theo nguyên tắc giá nước giảm tương ứng với tốc độ giảm khai thác nước ngầm, tăng sử dụng nước sạch trong thời gian đầu chuyển đổi nguồn nước. Kiến nghị sớm điều chỉnh Quyết định số 69 ngày 3-5-2007 của UBND thành phố về ban hành quy định hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố theo hướng có biện pháp chế tài mạnh hơn.

Vì môi trường, vì chất lượng sống của người dân, đề nghị thành phố triển khai ngay các giải pháp quyết liệt để hạn chế, tiến đến cấm khai thác trái phép nguồn nước ngầm.

(Nguồn: Theo nhandan)

03/08/2023 430 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm