TP.HCM kênh thoát nước thành nơi chứa rác

31/07/2023 315 lượt xem quantri

Một đoạn kênh 19-5 đầy rác

Rác nhiều hơn nước

Theo đường Tân Kỳ – Tân Quý đến giao lộ với hương lộ 3, rẽ phải là thấy kênh 19-5 với mặt kênh ngập rác. Chị Cúc, bán bánh mì ngay cầu vượt bắc ngang kênh, đoạn trước nhà số 66 đường 26-3, cho biết: “Tôi bán bánh mì ở đây hơn một năm rồi, chứng kiến cảnh con kênh bị xả rác tràn lan. Mùa mưa còn đỡ, vì mực nước cao, còn mùa nắng như bây giờ thì chịu không nổi, nước cạn, đầy rác, bốc mùi hôi dữ lắm. Rác dưới kênh là do nhiều người tiện tay vứt xuống, nhưng phần lớn là từ chợ tự phát cách đây chừng 200m trút rác xuống. Thỉnh thoảng phường có tổ chức vớt rác, rác nhiều đến nỗi xe hốt 2 ngày chưa hết”.

Chợ tự phát nằm ngay giữa cầu nối liền 2 bờ kênh. Đến đây ai cũng phải ngán ngẩm khi thấy rác xả tràn lan, rác trên bờ, rác dọc kênh và rác dưới lòng kênh. Anh Phúc (nhà ở đường 26-3, gần chợ tự phát) cho biết: “Tôi đã ở đây 17 năm rồi. Rác là do nhiều tiểu thương mua bán ở lòng lề đường, tiện tay ném xuống”. Được biết, dù là chợ tự phát nhưng có đội vệ sinh thu gom rác của tiểu thương và các hộ dân quanh chợ, vậy mà người ta vẫn xả rác tràn xuống kênh. Người dân sống dọc kênh đều than: “Hôi thối, dơ bẩn nhưng cũng đành chịu chứ biết làm sao!”. Trong năm 2016, chỉ 3 đợt vớt rác mà số lượng rác thu gom đã lên đến 28 tấn.

Giải pháp nào?

Anh Lê Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), cho hay: “Kênh 19-5 qua địa bàn 2 quận Tân Phú và Bình Tân, vì vậy phường Bình Hưng Hòa đã ký kết liên tịch với phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú) để tổ chức thu gom, vớt rác mỗi quý một lần. Tuy nhiên, do đầu tháng đến giờ nhiều việc quá nên cuối tháng này mới tổ chức gom rác. Việc vớt rác mùa khô rất khó, do nước cạn nên phải canh con nước, hôm nào nước kha khá mới vớt được”. Không thể phủ nhận những nỗ lực của phường như tổ chức vớt rác vào ngày “chủ nhật xanh”, phát tờ rơi vận động người dân không đổ rác xuống kênh, treo băng rôn, khẩu hiệu kêu gọi người dân giữ gìn vệ sinh lòng kênh…, nhưng xem ra hiệu quả chưa như mong muốn.

Ông Phan Thanh Phong, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Tân, phân tích: “Quận đã phân cấp phường phải có trách nhiệm quản lý, vớt rác, và quận luôn chủ động nguồn ngân sách để hỗ trợ phường thực hiện tốt việc vớt rác, tổ chức các phong trào tuyên truyền người dân… Tuy nhiên, do một số người dân ở dọc kênh và người qua đường còn thiếu ý thức, nên tình trạng xả rác, đổ rác xuống lòng kênh vẫn tiếp diễn. Để có giải pháp hữu hiệu hơn, sắp tới quận sẽ đề nghị các hộ sống dọc kênh làm cam kết thu gom rác, địa phương sẽ bố trí thêm thùng rác ven kênh để dân bỏ rác đúng nơi quy định, lắp đặt camera giám sát để xử lý các trường hợp vi phạm về vệ sinh môi trường. Về phía phường, sẽ ra quân chấn chỉnh việc chiếm dụng lòng lề đường để buôn bán ở chợ tự phát”. Về giải pháp lâu dài, UBND phường Bình Hưng Hòa đã kiến nghị thành phố nên nghiên cứu làm cống hộp trên toàn tuyến kênh để chấm dứt tình trạng rác xả bừa bãi, bốc mùi hôi thối, nhưng chưa thấy thông tin phản hồi.

(Nguồn: Theo SGGP)
31/07/2023 315 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm