Tìm hiểu hệ thống quan trắc môi trường tại Việt Nam

29/07/2023 528 lượt xem quantri

Mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia

Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 1993, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (trước đây) đã xây dựng và đưa vào hoạt động mạng lưới trạm quan trắc môi trường quốc gia. Các trạm quan trắc môi trường quốc gia được xây dựng trên cơ sở phối hợp giữa Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (trước đây) với các cơ quan nghiên cứu, phòng thí nghiệm đang hoạt động của các Bộ, ngành và địa phương gồm Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và tỉnh Lào Cai. Tại thời điểm đó, đây là biện pháp hiệu quả và kịp thời, tận dụng được cơ sở vật chất về trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực sẵn có của các cơ quan này. Tính đến năm 2002, mạng lưới đã có 21 trạm được thành lập, tiến hành quan trắc các thành phần môi trường như: nước mặt lục địa, nước dưới đất, nước mưa, nước biển, đất, phóng xạ, không khí xung quanh và tiếng ồn, chất thải rắn, môi trường lao động, y tế và công nghiệp,… tại hàng nghìn điểm quan trắc trên toàn quốc với tần suất khoảng từ 2 đến 6 lần/năm.
Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập năm 2002, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nhà nước cho ra đời Luật Bảo vệ môi trường năm 2005. Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2007 về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020” (sau đây gọi là Quyết định số 16).
Căn cứ theo Quyết định số 16, mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia được chia thành hai mạng lưới: (1) Mạng lưới quan trắc môi trường nền và (2) Mạng lưới quan trắc môi trường tác động.
– Mạng lưới quan trắc môi trường nền được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa các trạm, điểm quan trắc môi trường đã có thuộc mạng lưới quan trắc môi trường không khí và nước do Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn (trước đây) và mạng lưới quan trắc môi trường nước dưới đất do Tổng cục Địa chất (trước đây) quản lý. Nay, Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia và Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đều đã nhập về Bộ Tài nguyên và Môi trường, do Bộ quản lý và giao nhiệm vụ quan trắc môi trường nền trực tiếp.
– Mạng lưới quan trắc môi trường tác động được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa các trạm, điểm quan trắc môi trường đã có thuộc mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia trước đây do Tổng cục Môi trường quản lý, và một số trạm, điểm quan trắc môi trường do Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia và Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam… quản lý thực hiện. Theo Quyết định số 16, Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Tổng cục Môi trường được xác định là Trung tâm đầu mạng, thực hiện vai trò chỉ huy, điều hành hoạt động của toàn mạng lưới.
Đồng thời, đối với mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia gồm 14 loại hình trạm quan trắc như sau
* Đối với mạng lưới quan trắc môi trường nền:
– Trạm quan trắc môi trường không khí, nước mặt lục địa (sông, hồ,…);
– Trạm quan trắc môi trường biển;
– Trạm quan trắc môi trường không khí và nước mặt lục địa, lắng đọng axit;
– Trạm vùng quan trắc nền nước dưới đất;
* Đối với mạng lưới quan trắc môi trường tác động:
– Trạm vùng tác động (10 Trạm);
– Trạm vùng ven bờ (03 Trạm);
– Trạm vùng biển khơi (04 Trạm);
– Trạm vùng đất (03 Trạm);
– Trạm vùng phóng xạ (04 Trạm);
– Trạm quan trắc đa dạng sinh học;
– Trạm quan trắc và phân tích môi trường nước sông (09 Trạm);
– Trạm quan trắc chất thải;
– Trạm không khí tự động (58 Trạm).

Mạng lưới quan trắc môi trường địa phương

Thực hiện Nghị định số 81/2007/NĐ-CP ngày 23/5/2007 của Chính phủ quy định tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước và Thông tư liên tịch số 12/2007/TTLT-BTNMT-BNV ngày 27/12/2007 giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 81/2007/NĐ-CP, phần lớn các địa phương đã thành lập đơn vị trực thuộc thực hiện chức năng quan trắc môi trường, theo dõi và giám sát chất lượng môi trường không khí và nước trên địa bàn của địa phương mình. Tính đến giữa năm 2010, đã có trên 40 địa phương trong cả nước thành lập Trung tâm Quan trắc môi trường với các tên gọi khác nhau, trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Chi cục Môi trường.
Tại một số địa phương có nguồn ngân sách dồi dào hoặc có sự hỗ trợ kinh phí của các dự án, tổ chức trong và ngoài nước (như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đà Nẵng…), các nguồn lực tài chính, trang thiết bị và con người đã được quan tâm đầu tư, phát triển khá mạnh. Trong khi đó, tại nhiều địa phương khác, việc đầu tư các nguồn lực cho hoạt động quan trắc môi trường chưa được quan tâm, chú ý đúng mức. Thời gian qua, một số địa phương có những vấn đề “nóng” về môi trường (như: Lâm Đồng, Đăk Nông, An Giang, Lào Cai, Phú Thọ, Ninh Thuận…) cũng đã và đang xây dựng các dự án đầu tư tăng cường năng lực quan trắc môi trường.

Mạng lưới quan trắc môi trường thuộc các Bộ, ngành khác

Ngoài mạng lưới quan trắc môi trường tại Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương trên cả nước, tại các Bộ ngành khác, bên cạnh việc tham gia mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều Bộ ngành, cũng tiến hành quan trắc một số thành phần môi trường để đánh giá các tác động đến môi trường do hoạt động của ngành, lĩnh vực mình quản lý theo quy định tại Điều 94 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005. Đến nay, nhiều Bộ ngành như: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam… đã có hoạt động quan trắc môi trường và cũng đã thu được những dữ liệu cơ bản phục vụ yêu cầu quản lý môi trường của Bộ, ngành mình.
Những kết quả đạt được
Trong thời gian vừa qua, hoạt động quan trắc môi trường quốc gia và địa phương đã đáp ứng một phần nhu cầu về số liệu, thông tin phục vụ công tác bảo vệ môi trường, xây dựng các báo cáo môi trường trình Chính phủ, Quốc hội và đề xuất các biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, nhiều báo cáo, số liệu kết quả quan trắc đã được công bố để cộng đồng tiếp cận và sử dụng phục vụ cho các mục đích nghiên cứu, đào tạo, nâng cao nhận thức cộng đồng, hội nhập và chia sẻ quốc tế…
Hoạt động quan trắc môi trường đã được các ngành, các cấp, các địa phương quan tâm và triển khai thực hiện ở những mức độ khác nhau phục vụ việc quản lý môi trường của mình.Một số trạm quan trắc đã có cơ sở vật chất cơ bản, tối thiểu (bao gồm thiết bị quan trắc và phòng thí nghiệm) đáp ứng yêu cầu công tác quan trắc môi trường. Một số nội dung cụ thể đã được thực hiện như:
– Bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, hệ thống định mức kinh tế – kỹ thuật và đơn giá trong quan trắc môi trường;
– Tổ chức và đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020 đối với mạng quan trắc môi trường quốc gia. Đây là kim chỉ nam cho mọi hoạt động quan trắc môi trường thời gian qua;
– Đầu tư, tăng cường năng lực cho Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Tổng cục Môi trường để thực hiện vai trò chỉ huy, điều hàng mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia.
Cụ thể là:
+ Tăng cường trang thiết bị phục vụ lấy mẫu, đo và phân tích tại hiện trường và các phương tiện bảo quản, vận chuyển mẫu về phòng thí nghiệm;
+ Xây dựng và vận hành Phòng thí nghiệm trọng tài ở cấp quốc gia, đạt chuẩn ISO/IEC 17025;
+ Xây dựng và chuẩn bị đưa vào vận hành Phòng Kiểm chuẩn môi trường ở cấp quốc gia phục vụ hiệu chuẩn một số thiết bị quan trắc môi trường;
+ Nâng cấp, xây dựng hệ thống thông tin truyền nhận số liệu tự động từ các điểm, trạm quan trắc về Trung tâm đầu mạng, phù hợp với hệ thống thông tin quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
– Duy trì hệ thống quan trắc môi trường quốc gia với 21 trạm quan trắc tổng hợp và chuyên ngành; thực hiện các chương trình quan trắc các thành phần môi trường (nước mặt lục địa, nước mưa, nước biển, không khí và tiếng ồn, phóng xạ, đất, chất thải rắn,…) với hàng nghìn điểm quan trắc trong đó chủ yếu tập trung vào các điểm nóng về môi trường và các khu vực, các vùng sinh thái đặc biệt nhạy cảm về môi trường tại hầu hết các địa phương trên cả nước;
– Duy trì và tăng cường hoạt động quan trắc tác động môi trường ở cấp quốc gia, đặc biệt đối với quan trắc chất lượng nước tại 3 lưu vực sông chính (lưu vực sông Cầu, lưu vực sông Nhuệ-Đáy và lưu vực hệ thống sông Đồng Nai) và quan trắc chất lượng nước và không khí tại các đô thị, vùng kinh tế trọng điểm (vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, miền Trung và phía Nam);
– Thiết kế mới các chương trình quan trắc môi trường quốc gia (chương trình quan trắc tác động của hoạt động khai thác và chế biến bauxit tại khu vực Tây Nguyên, chương trình quan trắc chất lượng nước tại các công trình thuỷ điện, chương trình quan trắc chất lượng nước các lưu vực sông chính, chương trình quan trắc môi trường khu vực làng nghề và nông thôn, chương trình quan trắc ô nhiễm xuyên biên giới…);
– Xây dựng và tăng cường năng lực đối với các trạm quan trắc đã có. Xây dựng dự án và đầu tư mới các trạm quan trắc môi trường không khí và nước tự động, cố định nhằm theo dõi liên tục và thường xuyên chất lượng môi trường theo thời gian thực.  Tính đến nay, toàn quốc đã có 26 Trạm quan trắc không khí tự động, cố định do Trung ương và một số địa phương quản lý, vận hành (Bảng 2) và 05 xe quan trắc tự động, di động.
– Bổ sung, triển khai các điểm quan trắc mới về tác động môi trường không khí, nước mặt, nước biển, đất và phóng xạ tại các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, các vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, các lưu vực sông, cảng biển, bãi tắm…
– Bước đầu nghiên cứu hiện trạng quan trắc một số lĩnh vực liên quan đến đa dạng sinh học (đối với rừng, môi trường…) làm cơ sở cho việc đề xuất các công việc liên quan đến quan trắc đa dạng sinh học.
– Thiết lập và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý số liệu quan trắc môi trường. Đây là hệ thống được thiết lập sớm nhất (từ năm 1995) và có nhiều số liệu quan trắc môi trường nhất với đầy đủ các thành phần môi trường quan trắc. Hiện nay, Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Tổng cục Môi trường đã cập nhật phiên bản 2.0 cho phép người dùng có thể nhập dữ liệu, tìm kiếm thông tin và kết xuất số liệu, báo cáo kết quả quan trắc;
– Đẩy mạnh việc thực hiện bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng trong quan trắc môi trường, nâng cao chất lượng số liệu quan trắc môi trường;
– Chú ý đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực thực hiện quan trắc môi trường;
– Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quan trắc môi trường đã được quan tâm, đẩy mạnh để tận dụng kinh nghiệm và sự hỗ trợ từ các nước, các dự án và tổ chức quốc tế;
– Hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị quan trắc môi trường xây dựng và triển khai các dự án đầu tư trạm quan trắc môi trường vùng, trạm quan trắc nước xuyên biên giới, các dự án về tăng cường năng lực quan trắc môi trường. Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hỗ trợ đầu tư tăng cường năng lực trang thiết bị cho Trung tâm Quan trắc môi trường các tỉnh An Giang, Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Nam và Nghệ An với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng.
– Ở một số địa phương, hoạt động quan trắc môi trường đã đi vào hoạt động bài bản, ổn định và có được những số liệu, báo cáo kết quả quan trắc định kỳ, thường xuyên phục vụ cho công tác quản lý và giám sát chất lượng môi trường của địa phương mình;
– Tại một số Bộ ngành đã thiết lập và duy trì hệ thống quan trắc môi trường phục vụ cho mục đích quản lý ngành, lĩnh vực và đến nay đã đầu tư được hệ thống trang thiết bị, nhân lực và số liệu quan trắc cơ bản.
Những tồn tại, thách thức
Mặc dù đã đạt được một số kết quả, thành công ban đầu đáng khích lệ, tuy nhiên cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng đến nay vẫn chưa có bước đột phá nhằm phát triển và đẩy mạnh hoạt động của hệ thống quan trắc môi trường theo hướng đồng bộ, tiên tiến và hiện đại, đưa hệ thống quan trắc môi trường của nước ta hội nhập với các hệ thống quan trắc của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Một số tồn tại, thách thức cụ thể như sau:
– Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho hoạt động quan trắc môi trường còn chưa đầy đủ;
– Hệ thống các quy chuẩn/tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế – kỹ thuật trong quan trắc môi trường còn chưa đồng bộ và nhiều bất cập;
– Việc triển khai thực hiện Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ còn chậm, chưa đạt các mục tiêu đặt ra theo quy hoạch. Trong gần 4 năm từ 2007 – 2010, tổng kinh phí đầu tư để thực hiện Quyết định số 16 cho hoạt động quan trắc môi trường quốc gia chỉ khoảng 140 tỷ bao gồm cả kinh phí đầu tư trang thiết bị và hoạt động quan trắc định kỳ (chỉ chiếm khoảng 4% phần kinh phí dành cho mạng lưới quan trắc môi trường trong Quyết định số 16). Do vậy mà tổng số trạm, điểm được bổ sung, xây dựng trong giai đoạn từ năm 2007 – 2010 đạt tỉ lệ rất thấp so với nội dung đã đặt ra trong quy hoạch.
– Kinh phí dành cho hoạt động quan trắc môi trường ở cả cấp Trung ương và địa phương còn hạn chế so với nhu cầu đặt ra. Do hạn chế về kinh phí quan trắc môi trường nên các chương trình quan trắc môi trường quốc gia chưa được tăng cường cả về điểm, thông số và tần suất quan trắc, dẫn đến tình trạng chưa phát hiện kịp thời tình trạng ô nhiễm, bị động trong xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục. Tại nhiều địa phương, hoạt động quan trắc môi trường được bố trí kinh phí rất ít ỏi, không đáng kể. Đây cũng là nguyên nhân làm cho các địa phương không nắm được cụ thể tình hình ô nhiễm môi trường tại địa phương mình.
– Kinh phí duy trì hoạt động, bảo trì, vận hành các thiết bị quan trắc cũng không được cấp đầy đủ dẫn đến tình trạng một số thiết bị đã được đầu tư nhưng không có kinh phí để bảo trì, vận hành gây hỏng hóc, lãng phí.
– Hệ thống trang thiết bị phục vụ quan trắc và phân tích môi trường được đầu tư thiếu tính đồng bộ trong toàn hệ thống, làm ảnh hưởng đến chất lượng số liệu, nhiều kết quả quan trắc và phân tích khó tích hợp và khó so sánh được với nhau.
– Nguồn nhân lực thực hiện quan trắc môi trường nhìn chung còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thực hiện quan trắc môi trường chưa được chú trọng;
– Công tác quan trắc môi trường còn chưa đáp ứng kịp thời các vấn đề môi trường mới, phức tạp như: quan trắc, theo dõi các tác động của hoạt động khai thác và chế biến bauxit; quan trắc, giám sát biến đổi khí hậu; quan trắc, cảnh báo phóng xạ từ các nhà máy điện nguyên tử; quan trắc môi trường xuyên biên giới…);
– Công tác bảo đảm an toàn lao động cho các cán bộ quan trắc môi trường chưa được chú ý đúng mức; Còn thiếu các chế độ, chính sách cho người lao động làm việc trong môi trường đặc thù (phụ cấp độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm…);
– Công tác phổ biến thông tin môi trường cho cộng đồng còn chưa được triển khai rộng rãi, thường xuyên;
– Công tác bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng chưa được chú trọng thực hiện dẫn đến chất lượng số liệu còn chưa cao;
– Một số địa phương vẫn chưa thành lập Trung tâm Quan trắc môi trường; Nhiều địa phương chưa xây dựng và phê duyệt Chương trình/Quy hoạch mạng lưới các điểm quan trắc môi trường trên địa bàn. Năng lực quan trắc môi trường giữa các địa phương còn chưa đồng đều, có sự chênh lệch khá lớn;
– Tại nhiều Bộ ngành, hoạt động quan trắc chưa được duy trì để cung cấp các số liệu định kỳ về môi trường. Hoạt động quan trắc môi trường mang tính hệ thống và thường xuyên thì chỉ có ở một số Bộ ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam…
Định hướng thời gian tới  
Để phát triển và kiện toàn hệ thống quan trắc môi trường, phục vụ kịp thời cho việc phát hiện, đánh giá ô nhiễm môi trường, theo dõi, giám sát chất lượng môi trường và xử lý khắc phục những bức xúc về ô nhiễm môi trường ở các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị, lưu vực sông…, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần triển khai đồng bộ và kịp thời một số công việc như sau:
–    Xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia và địa phương bảo đảm thống nhất, đồng bộ, tiên tiến và từng bước hiện đại, có hiệu quả nhằm bảo vệ môi trường phục vụ, phát triển mạnh và bền vững kinh tế – xã hội của đất nước;
–    Kiện toàn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, hệ thống tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế – kỹ thuật và đơn giá trong quan trắc môi trường;
–    Tăng cường đầu tư kinh phí nâng cao năng lực quan trắc môi trường;
–    Đẩy mạnh việc đầu tư tăng cường trang thiết bị quan trắc môi trường bảo đảm tính đồng bộ, tiên tiến và hiện đại;
–    Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, vận hành hệ thống quan trắc môi trường. Tăng cường nguồn lực cán bộ tham gia hoạt động quan trắc môi trường cả về số lượng và chất lượng;
–    Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020 cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo bước đột phá cho hoạt động quan trắc môi trường ở cấp quốc gia; Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia theo quy hoạch. Xây dựng và triển khai các đề án cụ thể về tăng cường công tác quan trắc môi trường;
–    Xây dựng và triển khai các đề án tăng cường năng lực quan trắc môi trường, đặc biệt ưu tiên đối với các đề án quan trắc môi trường lưu vực sông, vùng kinh tế trọng điểm, vùng nhạy cảm và ô nhiễm môi trường xuyên biên giới;
–    Tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, số liệu quan trắc môi trường. Đẩy mạng việc phổ biến, công khai thông tin, kết quả quan trắc môi trường dưới nhiều hình thức;
–    Tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến và hiện đại trong quan trắc môi trường;
–    Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quan trắc môi trường.
29/07/2023 528 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm