Tiền Giang – Nhiều công trình xử lý nước đã mang lại hiệu quả thiết thực

14/06/2023 324 lượt xem quantri

Những năm gần đây, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Dịch vụ khoa học – công nghệ Tiền Giang (Sở KH-CN), gọi tắt là Trung tâm, đã nghiên cứu, thực hiện nhiều đề tài, dự án, công trình liên quan đến xử lý nước thải, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm thiểu môi trường trên địa bàn tỉnh.

Một trong những đề tài được đánh giá thành công nhất là Nghiên cứu ứng dụng quy trình công nghệ xử lý Asen trong nước ngầm phục vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn, do Ths. Nguyễn Tuấn Phong làm Chủ nhiệm.

Đề tài được thực hiện dựa trên cơ sở thực tiễn là ô nhiễm Asen từ nguồn nước ngầm cấp nước sinh hoạt là mối quan tâm đặc biệt của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bởi Asen được xem như “sát thủ vô hình”, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Phần lớn sự nhiễm độc Asen thông qua nguồn nước, lương thực, thực phẩm; trong đó đáng quan tâm hơn cả là ô nhiễm từ nguồn nước.

Nhiễm độc Asen gây ra những bệnh hiểm nghèo cho con người, đáng lo ngại là hiện nay chưa có phương pháp nào để điều trị hiệu quả những căn bệnh quái ác này. Qua các kết quả điều tra nghiên cứu gần đây cho biết, nhiều khu vực ở nước ta nước ngầm đã bị ô nhiễm Asen, sự ô nhiễm này được hình thành do địa chất, địa lý khu vực gây ra. Riêng tại Tiền Giang qua các kết quả phân tích cho thấy, nước ngầm tại một số khu vực cũng bị ô nhiễm Asen cao hơn mức quy định cho phép.


Hệ thống xử lý nước hoàn thiện

Qua kết quả nghiên cứu của đề tài đã đưa ra nhiều kết luận quan trọng. Đó là đã xác định được công nghệ và thiết bị xử lý nước ngầm bị nhiễm Asen, công nghệ và thiết bị này có khả năng ứng dụng cho các trạm xử lý nước cấp sinh hoạt nông thôn.

Chất ôxy hóa, mà cụ thể là Chlorine, khi kết hợp với chất trợ lắng là phèn nhôm làm giảm được Asen có trong nước ngầm đến mức thấp hơn tiêu chuẩn quy định (0,01mg/L).

Thời gian lưu nước trên bể trộn và bể lắng có ảnh hưởng đến hiệu suất loại bỏ Asen ra khỏi nước ngầm. Nồng độ Chlorine 3mg/L (tính cho Clo hoạt động) và nồng độ phèn nhôm 35mg/L (tính theo hàm lượng muối Al2(SO4)3 nguyên chất) cùng với thời gian lưu nước trên bể trộn và bể lắng lần lượt là 36 phút và 44 phút sẽ cho kết quả loại bỏ Asen cao nhất là 38,889% (từ 0,012 xuống còn 0,007mg/L), với giá thành xử lý 1m3 nước là 2.460 đồng; giá cụm thiết bị công nghệ xử lý khoảng 300 triệu đồng.

Áp dụng công nghệ này để xử lý nước ngầm nhiễm Asen không những loại bỏ Asen ra khỏi nước ngầm mà còn có thể loại bỏ sắt và các vi sinh vật có hại trong nước…

 

Đặc biệt là trong những năm gần đây, Trung tâm đã tham gia thực hiện nhiều dự án, công trình xử lý nước thải cho các doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nổi bật là trong năm 2014, Trung tâm đã tham gia xây mới 5 hệ thống xử lý nước thải: Hệ thống xử lý nước thải chế biến trái cây cho Công ty cổ phần Hưng Phát (TX. Gò Công), với công suất 100 m3/ngày đêm, sử dụng công nghệ MBR, nước thải sau xử lý đạt Cột A-QCVN 40:2011/BTNMT, hệ thống được làm bằng vật liệu composite;

Hệ thống xử lý nước sinh hoạt cho 1.300 công nhân của Công ty TNHH HS ViNa, nước thải sau khi xử lý đạt Cột A QCVN 14:2008/BTNMT, hệ thống được xây dựng bằng bê tông; hệ thống xử lý nước thải chế biến nghêu cho DNTN Nguyên Trân, với công suất 20 m3/ngày, nước sau khi xử lý đạt Cột A QCVN 11:2008/BTNMT;

Hệ thống xử lý nước sinh hoạt cho Công ty cổ phần Dệt Kim Quốc tế, với công suất 20 m3/ngày, nước sau khi xử lý đạt Cột A QCVN 40:2011/BTNMT hay hệ thống xử lý nước thải thủy sản cho Công ty TNHH MTV Thiên Hiệp Thành, với công suất 30 m3/ngày, nước sau khi xử lý đạt Cột A QCVN 11:2008/BTNMT, sử dụng công nghệ yếm khí…. và sửa chữa một hệ thống xử lý nước thải cho Công ty TNHH Thủy sản Minh Thắng với công suất 100 m3, nước sau khi xử lý đạt Cột B QCVN 11:2008/BTNMT…

Ông Cao Thanh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, các công trình xử lý nước thải do Trung tâm thực hiện thời gian qua đều do Trung tâm làm chủ công nghệ. Trung tâm đã kết hợp với các doanh nghiệp, vừa xem công nghệ, thiết kế và từng bước hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải.

Thay vì phải bỏ tiền ra nghiên cứu, Trung tâm chọn giải pháp là thực hiện trực tiếp tại các doanh nghiệp có nhu cầu xử lý nước thải liên quan đến một số lĩnh vực thủy sản, y tế, giết mổ. Nhờ cách thức như thế, những năm qua Trung tâm đã thực hiện được rất nhiều hệ thống xử lý nước thải và đã mang lại hiệu quả rất thiết thực.

“Không chỉ trên địa bàn tỉnh, thời gian qua Trung tâm cũng đã tham gia nhiều công trình, dự án ở các tỉnh, thành khác như: Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang. Nhu cầu xử lý nước thải của các doanh nghiệp hiện nay tương đối lớn nhưng cạnh tranh giữa các đơn vị trong ngành xử lý nước thải cũng rất quyết liệt” – ông Cao Thanh Hùng cho biết.

 (Theo Phương Anh – baoapbac.vn)

14/06/2023 324 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm