Rác thải ngập ngụa đang “giết chết” đảo Ngọc Tam Hải

06/08/2023 377 lượt xem quantri

Nhiều năm nay, đảo ngọc Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam) phải vất vả với nạn ô nhiễm nhưng vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết triệt để rác thải sinh hoạt.

Đây thực sự là một “bài toán khó” đối với chính quyền xã Tam Hải nếu muốn phát triển du lịch.

“Gồng mình” với rác thải

Xã đảo Tam Hải – được ví như “hòn ngọc thô” bởi vẻ đẹp hoang sơ, bình yên thu hút nhiều khách tham quan với những địa danh tuyệt đẹp. Chính quyền tỉnh Quảng Nam đang triển khai Đề án xây dựng xã đảo Tam Hải thành khu du lịch biển đảo và vùng đệm sinh thái môi trường. Thế nhưng, có một điều làm người dân và du khách e ngại khi đến xã đảo này là tình trạng rác thải tràn lan gây ô nhiễm, mất mỹ quan. Đi dọc bờ biển Tam Hải, dễ dàng bắt gặp từng đống bao ni lông, chai nhựa, ngư lưới cụ ứ đọng, ruồi muỗi bay xung quanh tạo thành một quang cảnh nhếch nhác, ô nhiễm.

Hiện khối lượng rác thải tại xã đảo Tam Hải rất lớn, rác sinh hoạt của người dân khoảng 3,2 tấn/ngày, rác từ biển theo sóng đẩy vào khoảng 0,5 – 1 tấn/ngày. Trong khi đó, điều kiện vận chuyển rác thải từ đảo vào đất liền rất tốn kém, khó khăn, người dân phải chất rác thành từng khối, chờ xử lý. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt kinh phí 4,5 tỷ đồng để xây dựng lò đốt rác thải tại đây nhưng chưa được sự đồng thuận vì người dân cho rằng vị trí lò đốt rác nằm quá gần khu dân cư.

Bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Thuận An, xã Tam Hải cho biết, hơn 60 năm bà sống ở đây và chứng kiến tình trạng xã đảo ngày càng ô nhiễm vì rác thải. Không có ai thu gom nên nhiều gia đình đành phải mang rác ra đổ ở bờ kè và sau đó xử lý bằng cách đốt.

“Lúc trước, du khách đến tham quan tại đây rất đông, bây chừ, ô nhiễm quá nên chẳng ai dám đến.” – bà Hoa chia sẻ.

Ông Trần Ngọc Hữu – Chủ tịch UBND xã Tam Hải, huyện Núi Thành cho biết, địa phương nằm cuối con sông Trường Giang đổ ra biển nên trở thành nơi hứng rác của đất liền. Bao nhiêu rác ở các xã ven biển của TP. Tam Kỳ và huyện Núi Thành theo dòng nước trôi về, tấp vào ven bờ sông Trường Giang ở xã Tam Hải. Bên cạnh đó, cửa biển Tam Hải cũng là nơi neo đậu tàu thuyền của nhiều tỉnh lân cận, ngư dân tiện tay sử dụng bao ni lông, chai nhựa rồi quăng xuống biển theo sóng tấp vào bờ. Hàng năm, huyện bố trí nguồn kinh phí cho xã hơn 50 triệu để xử lý rác thải nhưng không đủ để thực hiện.

Sau mỗi đợt ra quân dọn dẹp, rác thải lại xuất hiện tràn lan ngoài bờ biển. Trong khi đó, địa phương chưa tổ chức thu gom, xử lý rác được vì bến phà nối liền xã đảo với đất liền đã bị xuống cấp sau nhiều năm sử dụng, xe thu gom ép rác không thể di chuyển được qua được.

Loay hoay xử lý

Phòng TN&MT đã trình UBND tỉnh đề án đầu tư dự án phân loại rác thải tại nguồn, thu gom, ép và vận chuyển rác thải quy mô liên xã (gồm Tam Hải và Tam Quang). Đây là mô hình cần thiết, phù hợp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở Tam Hải. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là cần thiết xây dựng một bến phà để thuận lợi việc di chuyển xe ép rác từ xã đảo qua đất liền thuận lợi thu gom rác thải.

Địa phương cũng đã tính đến việc xây dựng lò đốt rác nhưng gặp khó trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng theo quy định khoảng cách an toàn cách xa khu dân cư 500m của Bộ Y tế, vì địa bàn xã Tam Hải rất nhỏ, mật độ dân cư lại đông. Do đó, rác thải ngày càng ứ đọng đã làm cho bộ mặt du lịch của xã đảo ngày càng “mất điểm” trong mắt du khách. Đây thực sự là một “bài toán khó” đối với chính quyền xã Tam Hải nếu muốn phát triển du lịch cũng như cải thiện tình hình vệ sinh môi trường cho người dân sinh sống tại nơi đây.

“Rác tràn ngập khắp nơi, gây bức xúc cho địa phương nhưng chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu. Người dân không biết đổ đi đâu. Chính quyền cũng chỉ biết vận động bà con phân loại rác thải tại nguồn, cái gì đốt được thì đốt, chôn được thì chôn. Đồng thời vận động bà con, ngư dân hạn chế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa”- ông Trần Ngọc Hữu cho biết.

Ông Trần Ngọc Hữu cũng cho biết thêm, chính quyền xã Tam Hải cũng đã tổ chức vận động tuyên truyền, triển khai thực hiện thí điểm người dân không sử dụng túi ni lông như ở Cù Lao Chàm (TP. Hội An) để hạn chế tình trạng ô nhiễm nhưng hiệu quả không cao. Theo ông Hữu, trong khi Cù Lao Chàm cách đất liền 30 phút đi cao tốc thì Tam Hải chỉ mất khoảng 5 phút đi phà, việc người dân di chuyển, giao thương sử dụng túi ni lông quá thuận lợi và khó kiểm soát nên vận động thay đổi thói quen tiến đến không sử dụng túi ni lông rất là rất khó.

Nguồn: TN-MT

06/08/2023 377 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm