Chắc rằng, bạn đã từng bắt gặp những hình ảnh sinh vật biển chết một cách thảm khốc bởi rác nhựa do con người thải ra. Thậm chí, dấu vết của nhựa còn được tìm thấy ở những vùng biển sâu nhất.
Tuy nhiên, hóa ra còn một thực tại đáng suy ngẫm hơn rất nhiều. Số rác nhựa ấy không chỉ gây hại cho sinh vật biển, mà ngay cả các loài trên cạn cũng gặp nguy hiểm.
Gần đây, cơ quan Di sản thiên nhiên Scotland (SNH) đã công bố loạt hình ảnh về sự tàn phá ghê gớm của rác thải nhựa biển đổi các loài thú trên cạn.
Một trong những bức hình ám ảnh nhất chính là cảnh hai con hươu chết ở hòn đảo Isle of Rum, ngoài khơi bờ biển phía Tây của Scotland. Cả hai con hươu đều bị mắc kẹt hoàn toàn vào lưới đánh cá.
Ngoài ra, hình ảnh toàn bộ cặp sừng của một con hươu bị quấn chặt bởi dây thừng và chiếc phao đã phản ánh rất mạnh hành vi xả thải rác tùy tiện của con người.
“Hình ảnh hươu non chết vì lưới đánh cá đang lan truyền ngày càng nhiều xung quanh bờ biển phía Tây của Scotland” – SNH thông báo.
Khi mắc phải dây, hươu sẽ khó di chuyển hơn và hạn chế khả năng ăn uống. Ngoài ra, những sợi dây thừng có thể cọ vào sừng, gây ra các vết thương với khả năng nhiễm trùng cao. Ngay cả, một sợi dây nhỏ cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chắc bạn chưa biết rằng, đã có hơn 5,25 nghìn tỷ mảnh nhựa nằm rải rác khắp vùng biển trên thế giới. Ước tính đến năm 2050, rác thải nhựa thậm chí sẽ lớn hơn các loài cá – ít nhất là về mặt cân nặng.
Điều này, chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh vật trên cạn, nhất là những động vật sinh sống gần vùng biển.
Đứng trước nguy cơ của ô nhiễm rác nhựa, Lesley Watt, Giám đốc Khu bảo tồn Thiên nhiên Quốc gia của SNH chia sẻ: “Ô nhiễm biển là một vấn đề lớn của toàn cầu nhưng bạn có thể góp phần giải quyết tình trạng này tại chính ngôi nhà, khu phố bạn sinh sống.”
“Bạn nên sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường. Chẳng hạn, nếu có đi dạo biển, bạn nên nhặt rác và bỏ đúng nơi quy định”. Bởi 1 hành động nhỏ của bạn thôi có thể cứu giúp rất nhiều sinh linh khác.
Hành động nhỏ của bạn có thể giúp một sinh linh sống sót
Tham khảo: IFL Science