Quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải lưu vực sông Cầu đến năm 2030

15/07/2023 758 lượt xem quantri

Ngày 25/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 228 về Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, KCN thuộc lưu vực sông Cầu đến năm 2030. Báo Xây dựng trích đăng nội dung chính quyết định như sau.

Phạm vi quy hoạch

Toàn bộ diện tích lưu vực sông Cầu (khoảng 6.030km2) thuộc ranh giới hành chính của các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương và một phần TP Hà Nội (huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh).

Quan điểm quy hoạch

Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch xây dựng các tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu; Đề án Tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 174/2006/QĐ-TTg ngày 28/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ; định hướng phát triển thoát nước đô thị và KCN Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1930/QĐ-TTg ngày 20/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ; Quy hoạch thoát nước 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, miền Trung và phía Nam đến năm 2020 tại Quyết định số 1336/QĐ-TTg ngày 22/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ; các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải cho các khu dân cư và các KCN bảo đảm phát triển hệ thống thoát nước ổn định, bền vững trên cơ sở xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mưa, nước thải từ thu gom, chuyển tải đến xử lý theo từng lưu vực, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội. Sử dụng công nghệ, thiết bị xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xử lý nước thải phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương; ưu tiên áp dụng công nghệ, thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, có tính đến khả năng nâng cấp trong tương lai. Khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước tham gia đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống thoát nước.

Mục tiêu quy hoạch

Cụ thể hóa Đề án Tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 174/2006/QĐ-TTg ngày 28/7/2006. Dự báo nhu cầu thoát nước và xử lý nước thải; xác định các vùng tiêu thoát nước; phương án thoát nước, xử lý nước thải và nhu cầu đầu tư trong từng giai đoạn. Đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải. Làm cơ sở cho việc lập và triển khai các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thuộc phạm vi lưu vực sông Cầu.

Nội dung quy hoạch

Quy hoạch tiêu thoát nước vùng: Chỉ tiêu tính toán hệ số tiêu cho đô thị loại đặc biệt và các KCN tập trung là 15 ÷ 20 l/s.ha. Hệ số tiêu cho các đô thị (từ loại V đến loại I): 12 ÷15 l/s.ha. Hệ số tiêu cho khu vực dân cư nông thôn: 8 ÷10 l/s.ha. Lưu vực sông Cầu được chia thành 15 vùng tiêu bao gồm: 04 khu tiêu tự chảy miền núi bao gồm: Thượng Thác Huống, Thượng Nú Cốc, Thượng sông Thương và sông Lục Nam; 11 khu tiêu kết hợp tiêu tự chảy và tiêu động lực cho một số vùng có địa hình thấp hơn mực nước sông trong mùa lũ; Giải pháp tiêu thoát nước cho các khu vực là tích nước bằng hệ thống hồ điều hòa, hồ cảnh quan trong lưu vực, tăng cường chế độ tiêu tự chảy, giảm thiểu chi phí đầu tư, quản lý hệ thống công trình đầu mối tiêu động lực, cải thiện môi trường sinh thái và góp phần tạo dựng mỹ quan đô thị; Mặt phủ tự nhiên thấm nước được khống chế ngay từ ban đầu; hạn chế chuyển đổi diện tích mặt nước hiện có sang mục đích sử dụng khác. Giảm thiểu hiện tượng ngập úng trong quá trình đô thị hóa, dưới tác động của biến đổi khí hậu, diện tích tối thiểu của mặt nước F > 5% diện tích lưu vực cần tiêu.

Quy hoạch thoát nước mưa: Khu vực đô thị: Các đô thị được chia thành các lưu vực thoát nước bảo đảm thoát nước mưa nhanh và triệt để. Xây dựng mới hồ điều hòa, trạm bơm tiêu; cải tạo trục tiêu chính. Khu vực đô thị cũ: Cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước hiện có để thoát nước mưa (kết hợp giải pháp xây dựng hệ thống cống bao, giếng tách để đưa nước thải về nhà máy xử lý). Khu vực đô thị mới: Xây dựng hệ thống thoát nước riêng. Nước mưa được thoát ra sông, kênh, rạch và không phải xử lý. Khu vực nông thôn: Lựa chọn hệ thống thoát nước phù hợp với hệ thống tiêu thủy lợi và điều kiện của địa phương.

Đối với sông, suối chảy qua khu vực dân cư cần cải tạo, gia cố bờ, chống sạt lở. Đối với khu dân cư nằm bên sườn đồi, núi phải thiết kế các mương đón hướng dòng chảy trên đỉnh đồi, núi xuống, không chảy tràn qua khu dân cư. Các khu công nghiệp xây dựng hệ thống thoát nước riêng. Nước mưa được thoát trực tiếp ra sông, kênh, rạch.

Quy hoạch thoát nước thải và xử lý nước thải đô thị, khu công nghiệp và nông thôn: Các chỉ tiêu tính toán căn cứ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành. Tiêu chuẩn thoát nước thải: > 80% tiêu chuẩn cấp nước. Chất lượng nước thải sau khi xử lý đạt quy chuẩn hiện hành.

Quy hoạch thoát nước thải đô thị, khu công nghiệp: Các giải pháp thoát nước và xử lý nước thải phù hợp định hướng thoát nước trong quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch thoát nước của các địa phương. Đối với các đô thị từ loại III trở lên đang sử dụng mạng lưới thoát nước chung thì xây dựng hệ thống cống bao, giếng tách để đưa nước thải về nhà máy xử lý. Các đô thị mới, đô thị loại IV, loại V xây dựng hệ thống thoát nước riêng, thu gom xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra hệ thống sông trong khu vực. Đối với các khu công nghiệp xây dựng hệ thống thoát nước riêng, thu gom xử lý tập trung đạt quy chuẩn trước khi xả ra hệ thống sông trong khu vực.

Xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tại các đô thị phù hợp với quy mô và tính chất của đô thị. Công suất thiết kế của nhà máy xử lý nước thải được tính toán trên cơ sở tiếp cận dịch vụ thoát nước của người dân và từng giai đoạn phát triển.

Quy hoạch thoát nước thải khu vực nông thôn: Các khu dân cư sống tập trung theo cụm: Do lượng nước thải ít, tùy theo địa hình mà bố trí hồ sinh học để xử lý nước thải. Các khu dân cư tập trung theo tuyến: Nước thải được xử lý theo từng hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình (như xây dựng bể tự hoại, hầm biogas…) thải ra mương, cống thoát nước. Kiểm soát chất lượng nước khu vực sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học trong nông nghiệp.

Căn cứ vào điều kiện cụ thể, các địa phương lựa chọn công nghệ và thiết bị xử lý nước thải cho phù hợp; ưu tiên công nghệ và thiết bị hiện đại, chất lượng cao, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; khuyến khích sử dụng thiết bị công nghệ sản xuất trong nước.

Ước tính vốn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước (bao gồm hệ thống thoát nước mưa, nước thải trạm xử lý nước thải) trong phạm vi lưu vực sông Cầu đến năm 2020 và năm 2030 là: Năm 2020 khoảng 30.100 tỷ đồng. Năm 2030 khoảng 43.700 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư: Vốn ngân sách nhà nước; Vốn ODA, vốn tài trợ nước ngoài; Vốn tín dụng đầu tư; Vốn từ các nhà đầu tư trong, ngoài nước; Vốn huy động từ các thành phần kinh tế khác.

Dự án ưu tiên xây dựng giai đoạn 2013 – 2020

Xây dựng hệ thống tiêu thoát nước Bắc Kạn: Dự án cải tạo và xây mới hệ thống thoát nước mặt thị xã Bắc Kạn và các thị trấn (loại V trở lên); Dự án xây dựng cụm công trình thủy lợi Chợ Mới, cụm công trình Bạch Thông, hồ Bản Long; Dự án xây dựng mới hồ chứa Nậm Cắt chống lũ cho thị xã Bắc Kạn; Dự án nạo vét sông Cầu (đoạn sông đi qua đô thị). Thái Nguyên: Dự án cải tạo và xây mới hệ thống thoát nước mặt thị xã Sông Cầu và các thị trấn (loại V trở lên); Tiếp tục đầu tư triển khai dự án hồ chứa Văn Lang; Dự án xây dựng để chống lũ bờ hữu sông Cầu; Dự án cải tạo nâng cấp hệ thống thủy nông Núi Cốc – tỉnh Thái Nguyên; Dự án cải tạo nâng cấp hệ thống thủy nông Thác Huống; Dự án cải tạo nâng cấp hệ thống hồ chứa của huyện Võ Nhai, cụm hồ chứa Đại Từ (Tỉnh Thái Nguyên). Vĩnh phúc: Dự án cải tạo và xây mới hệ thống thoát nước mặt các thị trấn (loại V trở lên); Dự án cải tạo sông Phan, xây dựng 02 trục tiêu và 02 hồ điều hòa hướng thoát ra sông Hồng giảm tải cho sông Cà Lồ trước khi nhập vào sông Cầu, hạn chế hiện tượng nước từ sông Cầu chảy ngược vào sông Cà Lồ tại thời điểm lũ lớn trên các song; Dự án cải tạo nâng cấp hệ thống thủy nông Liễn Sơn – Bạch Hạc; Dự án cải tạo đầu mối và hệ thống kênh tưới hồ Đại Lải, kênh tiêu Bến Tre – đô thị Vĩnh Phúc. Bắc Giang: Dự án cải tạo và xây mới hệ thống thoát nước mặt các thị trấn (loại V trở lên); Dự án xây dựng hồ Quỳnh và đập sông sỏi, hồ Suối Mỡ, cụm công trình thủy lợi huyện Lục Ngạn; Dự án cải tạo tuyến thoát nước phía Tây Bắc của TP Bắc Giang (mương nhà máy Phân đạm Hà Bắc); Dự án xây dựng tuyến thoát nước dọc QL 1A (từ hồ Ùng Bổ đến trạm bơm Châu Xuyên); Dự án cải tạo kênh Cống Bún (qua đô thị Tây Nam). Bắc Ninh: Dự án cải tạo và xây mới hệ thống thoát nước mặt các thị trấn (loại V trở lên); Dự án nâng cấp trạm bơm tiêu – Kênh Vàng II. Hà Nội: Dự án nâng cấp cao độ tuyến đê sông Cà Lồ (10km thiếu cao độ gia tăng khoảng 0,5m để đảm bảo chống lũ); Lập dự án thoát nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, (lượng mưa tăng 5%), giảm thiểu tình trạng úng ngập nội thị. Hải Dương: Dự án cải tạo và xây mới hệ thống thoát nước mặt các thị trấn (loại V trở lên); Dự án xây dựng kênh tiêu, thoát lũ núi huyện Chí Linh; Dự án nạo vét toàn bộ sông trục và sông cấp 2 của hệ thống Bắc Hưng Hải; Dự án xây kè sông Sặt – TP Hải Dương.

Xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải Hà Nội: Hệ thống thoát nước nước thải và trạm xử lý nước thải Bắc Thăng Long, công suất 84.000m3/ngđ; Hệ thống thoát nước nước thải và trạm xử lý nước thải Sóc Sơn, công suất 21.000m3/ngđ. Thái Nguyên: Hệ thống thoát nước thải và trạm xử lý nước thải phía Nam TP Thái Nguyên (vị trí phường Hương Sơn) công suất 30.000m3/ngđ; Hệ thống thoát nước thải và trạm xử lý nước thải các KCN tập trung: Sông Công II công suất 3.000m3/ngđ, Nam Phổ Yên công suất 2.000m3/ngđ, Tây Phổ Yên công suất 2.000m3/ngđ, Quyết Thắng công suất 2.000m3/ngđ, Điềm Thụy công suất 3.000m3/ngđ. Vĩnh Phúc: Hệ thống thoát nước thải và trạm xử lý nước thải các KCN Bình Xuyên II công suất 4.000m3/ngđ. Bắc Ninh: Hệ thống thoát nước thải và trạm xử lý nước thải các đô thị, KCN, cụm công nghiệp làng nghề, khu dân cư tập trung nông thôn dọc sông Ngũ Huyện Khê như đô thị Chờ (huyện Yên Phong), KCN Yên Phong,… Hệ thống thoát nước thải và trạm xử lý nước thải TP Bắc Ninh, đô thị Phố Mới (huyện Quế Võ), KCN Quế Võ. Bắc Giang: Hệ thống thoát nước thải và trạm xử lý nước thải các KCN tập trung: Song Khê Nội Hoàng công suất 2.000m3/ngđ, Quang Châu công suất 4.000m3/ngđ, Vân Trung công suất 3.000m3/ngđ, Việt Hàn công suất 2.000m3/ngđ. Bắc Kạn: Hệ thống thoát nước thải và trạm xử lý nước thải phía Nam thị xã Bắc Kạn (khu vực Xuất Hóa), công suất 3.000m3/ngđ. Hải Dương: Hệ thống thoát nước thải và trạm xử lý nước thải KCN tập trung: Cẩm Điền – Lương Điền công suất 2.000m3/ngđ, Cộng Hòa công suất 3.000m3/ngđ; Hệ thống thoát nước thải và trạm xử lý nước thải các đô thị sẽ dự kiến nâng cấp lên đô thị loại III, IV như TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn và các thị trấn: Phú Thái, Nam Sách, Kẻ Sặt, Lai Cách, Gia Lộc, Ninh Giang.

Đánh giá môi trường chiến lược

Đảm bảo môi trường nước lưu vực sông Cầu không bị ô nhiễm do các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người. Tạo môi trường đô thị, khu công nghiệp, làng nghề được trong sạch, tạo môi trường tốt thu hút các nhà đầu tư. Góp phần vào sự phát triển bền vững của các đô thị, các khu công nghiệp trong lưu vực sông. Bảo vệ sức khoẻ cho người dân. Trong quá trình thi công xây dựng mạng lưới thoát nước công trình xử lý nước thải sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và sức khỏe của người dân quanh khu vực xây dựng như: Ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm nguồn nước mặt,…; giai đoạn vận hành thử và nghiệm thu công trình có thể chưa bảo đảm chất lượng tiêu chuẩn môi trường dẫn đến ảnh hưởng chất lượng nước của các nguồn tiếp nhận (sông, hồ), chất thải trong quá trình xử lý nước thải gây ô nhiễm môi trường.

Để giảm thiểu tác động đến môi trường cần có giải pháp thiết kế, công nghệ hợp lý bảo đảm xử lý nước thải theo quy định về môi trường. Xây dựng các biện pháp thi công hợp lý giảm ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn đối với phương tiện vận chuyển, thi công cơ giới trên công trường. Xây dựng và thực hiện các quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý bùn thải từ hệ thống thoát nước (mạng lưới thoát nước và nhà máy xử lý nước thải). Xây dựng các giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường khi xảy ra các sự cố trên hệ thống thu gom và chuyển tải nước thải về nhà máy xử lý. Xây dựng kế hoạch giám sát, kiểm tra chất lượng nước thải sau xử lý xả ra môi trường theo quy định. Nâng cao năng lực quản lý và vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Các biện pháp hỗ trợ khác.

Nguồn: Báo xây dựng

15/07/2023 758 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm