Phê duyệt quy hoạch cấp nước ĐBSCL 2020 tầm nhìn 2030

08/06/2023 338 lượt xem quantri
Ngày 08/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2140/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Báo Xây dựng đăng toàn văn quyết định như sau:
1. Phạm vi và đối tượng. Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của vùng ĐBSCL với tổng diện tích tự nhiên khoảng 40.604,7km2, bao gồm TP Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Đối tượng lập quy hoạch: Hệ thống cấp nước tập trung vùng liên tỉnh, đô thị, khu công nghiệp và khu dân cư nông thôn tập trung.
2. Quan điểm. Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL; định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành có liên quan khác. Bảo đảm khai thác, sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, ngập lũ, nước biển dâng và xâm nhập mặn; ưu tiên sử dụng nước mặt và dần thay thế nguồn nước ngầm. Quản lý và phát triển cấp nước ổn định, bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu các nguồn lực; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống cấp nước. Khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
3. Mục tiêu. Cụ thể hóa nội dung định hướng cấp nước trong Quy hoạch chung xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020. Xác định nhu cầu dùng nước, khả năng khai thác các nguồn nước; giải pháp cấp nước, kế hoạch đầu tư xây dựng công trình cấp nước quy mô vùng liên tỉnh và các đô thị theo từng giai đoạn quy hoạch; định hướng phát triển cấp nước cho các khu dân cư nông thôn tập trung. Nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, bảo đảm cấp nước an toàn; từng bước hiện đại hóa hệ thống quản lý, sản xuất và kinh doanh nước sạch.
4. Nội dung quy hoạch: a) Các chỉ tiêu cụ thể. Đến năm 2020: Tỷ lệ dân cư đô thị loại III trở lên được sử dụng nước sạch đạt 90 – 100%, đô thị loại IV và loại V đạt 90 – 95%; tỷ lệ dân cư nông thôn tập trung được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước vùng liên tỉnh, cấp nước đô thị đạt 25%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân đạt 18%. Đến năm 2025: Tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch đạt 95 – 100%; tỷ lệ dân cư nông thôn tập trung được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước vùng liên tỉnh, cấp nước đô thị đạt 30%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân đạt 15%. Đến năm 2030: Tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch đạt 98 – 100%; tỷ lệ dân cư nông thôn tập trung được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước vùng liên tỉnh, cấp nước đô thị đạt 35%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân đạt dưới 12%. b) Tiêu chuẩn cấp nước: Tiêu chuẩn cấp nước tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn thiết kế hiện hành. Giai đoạn đến năm 2020: Đối với các đô thị từ loại III trở lên, tiêu chuẩn cấp nước 100 – 130 lít/người/ngđ. Đối với các đô thị loại IV và V, tiêu chuẩn cấp nước 100 – 110 lít/người/ngđ. Các khu công nghiệp tiêu chuẩn cấp nước khoảng 25 – 40 m3/ha/ngđ. Khu vực dân cư nông thôn tập trung, liền kề đô thị, tiêu chuẩn cấp nước 80 lít/người/ngđ. Giai đoạn đến năm 2025: Đối với các đô thị từ loại III trở lên, tiêu chuẩn cấp nước 110 – 150 lít/người/ngđ. Đối với các đô thị loại IV và V, tiêu chuẩn cấp nước 110 – 125 lít/người/ngđ. Các khu công nghiệp tiêu chuẩn cấp nước khoảng 25 – 40m3/ha/ngđ. Khu vực dân cư nông thôn tập trung, liền kề đô thị, tiêu chuẩn cấp nước 90 lít/người/ngđ. Giai đoạn đến năm 2030: Đối với các đô thị từ loại III trở lên, tiêu chuẩn cấp nước 120 – 160 lít/người/ngđ. Đối với các đô thị loại IV và V, tiêu chuẩn cấp nước 120 – 130 lít/người/ngđ. Các khu công nghiệp chọn tiêu chuẩn cấp nước 25 – 40m3/ha/ngđ. Khu vực dân cư nông thôn tập trung, liền kề đô thị, tiêu chuẩn cấp nước 100 lít/người/ngđ. c) Dự báo nhu cầu dùng nước. Giai đoạn đến năm 2020: Tổng nhu cầu dùng nước khoảng 1.970.000m3/ngđ, trong đó, nhu cầu dùng nước khu vực đô thị khoảng 1.100.000m3/ngđ. Nhu cầu dùng nước khu vực nông thôn tập trung khoảng 550.000m3/ngđ. Nhu cầu dùng nước công nghiệp khoảng 320.000m3/ngđ. Giai đoạn đến năm 2025: Tổng nhu cầu dùng nước khoảng 2.650.000m3/ngđ, trong đó: Nhu cầu dùng nước khu vực đô thị khoảng 1.510.000m3/ngđ. Nhu cầu dùng nước khu vực nông thôn tập trung khoảng 660.000m3/ngđ. Nhu cầu dùng nước công nghiệp khoảng 480.000m3/ngày đêm. Giai đoạn đến năm 2030: Tổng nhu cầu dùng nước khoảng 3.270.000m3/ngđ, trong đó: Nhu cầu dùng nước khu vực đô thị khoảng 1.890.000m3/ngđ. Nhu cầu dùng nước khu vực nông thôn tập trung khoảng 750.000m3/ngđ. Nhu cầu dùng nước công nghiệp khoảng 630.000m3/ngđ. d) Phân vùng cấp nước. Trên cơ sở điều kiện địa hình, nguồn nước, thực trạng và định hướng phát triển không gian vùng, nhu cầu sử dụng nước và phát triển cấp nước theo các giai đoạn quy hoạch, vùng ĐBSCL được chia thành ba vùng cấp nước: Vùng I – Bắc sông Tiền: Bao gồm toàn bộ các tỉnh: Long An, Tiền Giang và một phần tỉnh Đồng Tháp. Vùng II – Giữa sông Tiền và sông Hậu: Bao gồm toàn bộ các tỉnh: Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và một phần tỉnh Đồng Tháp. Vùng III – Vùng Tây Nam sông Hậu: Bao gồm toàn bộ các tỉnh/TP Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Trong các vùng cấp nước, theo điều kiện nguồn nước chia thành các khu vực: Thuận lợi, ít thuận lợi và khó khăn về nguồn nước làm cơ sở lựa chọn giải pháp cấp nước phù hợp. Các khu vực thuận lợi về nguồn nước gồm các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang; một phần TP Cần Thơ. Các khu vực ít thuận lợi về nguồn nước gồm các tỉnh: Long An, Tiền Giang; một phần tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ. Các khu vực khó khăn về nguồn nước gồm các tỉnh Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh; một phần tỉnh Vĩnh Long. đ) Nguồn nước. Nguồn nước mặt: Ưu tiên khai thác, sử dụng nguồn nước mặt từ hệ thống sông Tiền và sông Hậu cấp cho các nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng nước và hệ thống cảnh báo sớm nhằm theo dõi, kiểm soát diễn biến chất lượng nước, kịp thời có giải pháp ứng phó khi nguồn nước bị ô nhiễm và xâm nhập mặn. Trong điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ứng dụng giải pháp khai thác, truyền dẫn nguồn nước thô bảo đảm hiệu quả kinh tế, đồng thời phải bảo đảm chất lượng nguồn nước theo quy định và đáp ứng yêu cầu bền vững. Nguồn nước ngầm: Rà soát, đánh giá thực trạng khai thác sử dụng nguồn nước ngầm; thăm dò, đánh giá chất lượng, trữ lượng và khả năng khai thác nước ngầm theo từng tỉnh, từng khu vực cụ thể. Từng bước giảm khai thác nguồn nước ngầm quy mô vừa và lớn đối với các khu vực có nguồn nước mặt thuận lợi hoặc có hệ thống cấp nước quy mô vùng liên tỉnh; đối với khu vực dân cư phân tán, quy mô nhỏ, trước mắt sử dụng nguồn nước ngầm cấp nước sinh hoạt cho đến khi tiếp cận được với nguồn nước thuận lợi khác. Nguồn nước mưa: Rà soát, khai thác điều kiện quỹ đất của địa phương, xây dựng hồ lưu trữ nước mưa, bổ sung nguồn cấp nước cho nhà máy nước hiện hữu khắc phục tình trạng xâm nhập mặn; về lâu dài, kết hợp với hệ thống thủy lợi xây dựng hồ trữ nước quy mô lớn, đa mục tiêu cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất. e) Hệ thống nhà máy nước vùng ĐBSCL: Trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, giải pháp cấp nước vùng ĐBSCL kết hợp giữa nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh với các nhà máy nước quy mô vùng tỉnh phù hợp với điều kiện nguồn nước của từng khu vực. Nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh: Đầu tư xây dựng 5 nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh và kết nối với mạng lưới đường ống truyền tải liên tỉnh cấp nước cho các khu vực nguồn nước bị xâm nhập mặn hoặc khó khăn về nguồn nước. Quy mô công suất và phạm vi cấp nước của các nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh được đầu tư mở rộng dựa theo nhu cầu sử dụng nước, kịch bản biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn trong từng giai đoạn quy hoạch, cụ thể:
Nhà máy nước quy mô vùng tỉnh/TP. Đối với các khu vực thuận lợi về nguồn nước (trữ lượng, chất lượng đảm bảo và không ảnh hưởng xâm nhập mặn): Tiếp tục sử dụng nguồn nước từ các nhà máy nước hiện có; đầu tư mở rộng hoặc xây mới các nhà máy nước theo kế hoạch, quy hoạch phát triển cấp nước của địa phương. Đối với các khu vực ít thuận lợi về nguồn nước (trữ lượng nước hạn chế và nguồn nước bị ảnh hưởng xâm nhập mặn không thường xuyên): Cải tạo, nâng cấp các nhà máy nước hiện có bằng giải pháp xây hồ, đập lưu trữ nước trong thời gian xâm nhập mặn hoặc đầu tư trạm bơm dẫn nước thô; đối với nhu cầu phát triển cấp nước tăng thêm theo từng giai đoạn quy hoạch, đầu tư mở rộng mạng đường ống cấp nước và kết nối, sử dụng nguồn nước từ nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh. Các khu vực dân cư nông thôn chưa kết nối được với nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh, đang khai thác nguồn nước ngầm, cần kiểm soát chất lượng, trữ lượng nguồn nước ngầm đáp ứng yêu cầu bền vững. Đối với các khu vực khó khăn về nguồn nước (nguồn nước nhiễm mặn): Đầu tư mở rộng mạng đường ống cấp nước và kết nối, sử dụng nguồn nước từ nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh; đối với một số đô thị nhỏ, khu vực dân cư nông thôn chưa kết nối được với nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh cải tạo nhà máy nước phân tán hiện hữu hoặc xây mới ứng dụng công nghệ xử lý nước lợ, nước mặn phù hợp. Đối với các huyện đảo: Đầu tư hồ, đập lưu trữ tạo nguồn nước cấp cho nhà máy nước hiện có hoặc xây mới; các khu vực dân cư, ứng dụng công nghệ xử lý nước lợ, nước mặn phù hợp. Kết hợp giải pháp lưu trữ, sử dụng nguồn nước mưa đối với các công trình công cộng, cơ quan, hộ gia đình nhằm hỗ trợ nguồn nước sinh hoạt và các nhu cầu sử dụng nước khác. g) Công nghệ xử lý nước. Công nghệ xử lý nước sạch được áp dụng phải phù hợp với quy mô công suất nhà máy nước, thành phần và tính chất của nguồn nước thô; chất lượng nước sau xử lý bảo đảm đạt quy chuẩn chất lượng nước ăn uống và sinh hoạt. Đối với các nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh, công suất lớn sử dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường; đối với các nhà máy nước quy mô nhỏ, ứng dụng công nghệ xử lý nước truyền thống, từng bước cải tiến phù hợp với năng lực quản lý vận hành của đơn vị cấp nước. Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xử lý nước lợ, nước mặn cấp nước cho vùng hải đảo, khu vực dân cư có nguồn nước bị nhiễm mặn hoặc không có khả năng kết nối với nhà máy nước vùng liên tỉnh. h) Mạng lưới đường ống cấp nước. Mạng lưới đường ống cấp nước vùng ĐBSCL được đầu tư, mở rộng phù hợp với phạm vi vùng phục vụ cấp nước cho từng giai đoạn quy hoạch. Mạng lưới đường ống truyền tải liên tỉnh dẫn nước sạch từ các nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh đến các địa phương, đô thị, khu dân cư. Các tuyến ống truyền tải liên tỉnh có đường kính DN600-DN 1.800mm được đầu tư phù hợp với quy mô nhà máy nước theo từng giai đoạn quy hoạch, được kết nối thành mạng vòng đến năm 2030 và bảo đảm cấp nước an toàn. Tại các điểm kết nối giữa tuyến ống truyền tải liên tỉnh với tuyến ống phân phối nước cho đô thị, khu dân cư, bố trí các bể chứa nước sạch nhằm lưu trữ, điều hòa nguồn nước và bảo đảm cấp nước an toàn. (Danh mục tuyến ống truyền tải nước sạch liên tỉnh, xem Phụ lục I kèm theo). Mạng lưới đường ống phân phối, dịch vụ cấp nước tại các đô thị, khu dân cư các tỉnh/TP được xây dựng mới hoặc được cải tạo, mở rộng phù hợp với nhu cầu phát triển cấp nước; được kết nối với nhà máy nước quy mô vùng tỉnh hoặc tuyến ống truyền tải nước sạch liên tỉnh. i) Trạm bơm tăng áp. Bố trí các trạm bơm tăng áp trên các tuyến ống truyền tải liên tỉnh với khoảng cách trung bình 30 -40km, bảo đảm truyền dẫn nước đủ lưu lượng tới các điểm đấu nối với tuyến ống phân phối cấp nước cho đô thị, khu dân cư; vị trí, quy mô, công suất trạm bơm tăng áp sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập dự án đầu tư. (Danh mục trạm bơm tăng áp trên tuyến ống truyền tải liên tỉnh, xem Phụ lục II kèm theo). k) Bảo đảm cấp nước an toàn. Ưu tiên sử dụng vật tư, thiết bị hiện đại, độ bền cao, tiết kiệm năng lượng, thích ứng với điều kiện xâm nhập mặn, được sản xuất trong nước cho hệ thống cấp nước quy mô vùng liên tỉnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát, điều khiển hệ thống cấp nước. Các hệ thống cấp nước quy mô vùng liên tỉnh, vùng tỉnh phải xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn nhằm cung cấp nước liên tục, ổn định, đủ lượng nước và bảo đảm chất lượng nước theo quy định. Xây dựng mô hình tổ chức quản lý, vận hành hệ thống cấp nước vùng ĐBSCL đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực cấp nước, đồng thời phải bảo đảm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích cho người dân. l) Định hướng phát triển cấp nước đến năm 2050. Đầu tư phát triển hoàn thiện mạng lưới đường ống truyền tải, phân phối nước sạch của vùng và của các địa phương, đảm bảo 100% dân số đô thị và khu dân cư nông thôn được cấp nước sạch. Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các công nghệ xử lý nước tiên tiến, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ứng dụng công nghệ xử lý nước mặn cấp nước cho các khu vực thường xuyên bị nhiễm mặn và không có điều kiện đấu nối với hệ thống cấp nước quy mô vùng liên tỉnh. Ứng dụng công nghệ thông tin tiến tới tự động hóa quản lý và vận hành hệ thống cấp nước.
5. Khái toán kinh phí và nguồn vốn đầu tư. a) Kinh phí thực hiện quy hoạch. Kinh phí đầu tư các hệ thống cấp nước quy mô vùng liên tỉnh và phát triển mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước tại các tỉnh/TP vùng ĐBSCL đến năm 2030 khoảng 146.000 tỷ đồng, trong đó: Giai đoạn đến năm 2020: Khoảng 57.000 tỷ đồng. Giai đoạn đến năm 2025: Khoảng 33.000 tỷ đồng. Giai đoạn đến năm 2030: Khoảng 56.000 tỷ đồng. b) Nguồn vốn đầu tư: Vốn ngân sách Nhà nước. Vốn ODA, vốn tài trợ nước ngoài. Vốn tín dụng đầu tư. Vốn tư nhân trong nước và nước ngoài. Các nguồn vốn hợp pháp khác.
6. Các dự án ưu tiên đầu tư. a) Dự án đầu tư nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh: Dự án đầu tư cụm nhà máy nước vùng liên tỉnh Sông Hậu 1 và Sông Hậu tổng công suất 400.000m3/ngđ (đến năm 2025), công suất 600.000m3/ngđ (đến năm 2030) gồm: Xây dựng mới nhà máy nước Sông Hậu 1 và nâng công suất nhà máy nước Sông Hậu; xây dựng các tuyến ống truyền tải liên tỉnh cấp nước cho các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần TP Cần Thơ. Dự án đầu tư nhà máy nước vùng liên tỉnh Sông Hậu 2 gồm: Xây dựng nhà máy nước Sông Hậu 2 công suất 200.000 m3/ngđ (đến năm 2025), công suất 300.000 m3/ngđ (đến năm 2030); xây dựng các tuyến ống truyền tải liên tỉnh cấp nước cho các tỉnh An Giang, Kiên Giang và một phần TP Cần Thơ. Dự án đầu tư nhà máy nước vùng liên tỉnh Sông Tiền 2 gồm: Xây dựng nhà máy nước công suất 200.000m3/ngđ (đến năm 2025), công suất 300.000m3/ngđ (đến năm 2030); xây dựng các tuyến ống truyền tải liên tỉnh cấp nước cho các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre. b) Dự án cải tạo và phát triển mở rộng mạng đường ống cấp nước: Các địa phương rà soát, lập các dự án đầu tư cải tạo và mở rộng mạng đường ống cấp nước tại các đô thị, khu dân cư nhằm tiếp nhận nguồn nước từ hệ thống cấp nước vùng liên tỉnh.
7. Đánh giá môi trường chiến lược. a) Dự báo tác động và diễn biến môi trường khi thực hiện quy hoạch: Khai thác nguồn nước ưu tiên phục vụ nhu cầu nước ăn uống, sinh hoạt và sản xuất công nghiệp làm giảm lượng nước dùng cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, ảnh hưởng lưu lượng dòng chảy của sông. Trong quá trình xây dựng các nhà máy nước và các tuyến ống truyền tải có thể gây cản trở giao thông, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường khu vực và dọc các tuyến ống truyền tải nước. Trong giai đoạn quản lý vận hành các nhà máy nước có thể phát sinh chất thải từ quá trình xử lý nước gây ô nhiễm môi trường. Việc phát triển cấp nước sinh hoạt và sản xuất đồng thời cũng làm tăng lượng nước thải sinh hoạt và sản xuất là nguồn gây ô nhiễm môi trường. b) Các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường: Khai thác và sử dụng nguồn nước: Nghiên cứu và đánh giá tác động tiêu cực đến dòng chảy và chế độ thủy văn, xây dựng quy trình kiểm soát, theo dõi chất lượng, trữ lượng nguồn nước và kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm trong lưu vực sông như nước thải, chất thải từ các đô thị, khu công nghiệp và sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu, đánh giá và kiểm soát chặt chẽ độ hạ thấp mực nước ngầm, chất lượng nước ngầm và mức độ sụt lún mặt đất liên quan đến khai thác nước ngầm trên địa bàn. Kiểm soát các hoạt động xây dựng: Giải pháp thiết kế, công nghệ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn nước. Đồng thời hạn chế tối đa công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư. Kiểm soát các hoạt động trong giai đoạn xây dựng: Xây dựng biện pháp thi công hợp lý, các giải pháp hạn chế thấp nhất các tác động đến môi trường; các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, tiếng ồn; các biện pháp phòng chống sự cố trong quá trình xây dựng. Kiểm soát các hoạt động trong giai đoạn quản lý vận hành: Nâng cao năng lực quản lý và vận hành nhà máy nước của đơn vị cấp nước, đảm bảo môi trường vệ sinh công nghiệp, vệ sinh ngoại cảnh các nhà máy nước; nước sử dụng trong quá trình xử lý cần được nghiên cứu thu hồi, tái sử dụng và bùn cặn thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường quy định; xây dựng quy trình phòng ngừa, phát hiện và xử lý sự cố của hệ thống cấp nước sạch; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn. Các biện pháp hỗ trợ khác. c) Kiểm soát chất lượng, trữ lượng nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xã hội: Bố trí hệ thống theo dõi, giám sát và cảnh báo sớm chất lượng, lưu lượng nguồn nước hệ thống sông Tiền và sông Hậu. Tăng cường quản lý và xử lý triệt để chất thải, nước thải sinh hoạt, sản xuất thuộc lưu vực hệ thống sông Tiền, sông Hậu. Tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin nguồn nước giữa các bộ, ngành, địa phương, kịp thời có giải pháp khắc phục sự cố xảy ra…
Bộ Xây dựng tổ chức công bố đồ án Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hướng dẫn các địa phương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành cấp nước, các quy hoạch khác có liên quan trên địa bàn các tỉnh phù hợp với đồ án Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý vận hành hệ thống cấp nước quy mô vùng liên tỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, phát triển cấp nước vùng ĐBSCL; ban hành quy định quản lý vận hành hệ thống cấp nước quy mô vùng liên tỉnh theo thẩm quyền. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trong vùng rà soát các dự án đầu tư nhà máy nước, phát triển mạng đường ống cấp nước và cải tạo nguồn nước; quyết định giải pháp linh hoạt về đầu tư dự án cấp nước phù hợp với lộ trình đầu tư nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh, ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và kịp thời cung cấp nguồn nước ăn uống, sinh hoạt cho người dân vùng ĐBSCL. Rà soát, đánh giá công nghệ xử lý nước mặn, nước lợ, tái sử dụng nước mưa; nghiên cứu và đề xuất mô hình công nghệ xử lý nước phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.
Các bộ, ngành khác có liên quan: Các bộ, ngành căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao, phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trong vùng ĐBSCL thực hiện Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Bộ KH&ĐT chủ trì, nghiên cứu xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư hệ thống cấp nước quy mô vùng liên tỉnh vùng ĐBSCL. Bộ TN&MT chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng khai thác sử dụng nguồn nước ngầm vùng ĐBSCL; đánh giá chất lượng, trữ lượng và khả năng khai thác nước ngầm theo từng tỉnh, từng khu vực; quản lý các nguồn xả thải ra 2 lưu vực sông Hậu và sông Tiền; xây dựng quy chế quản lý khai thác, sử dụng nước ngầm vùng ĐBSCL. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, hồ trữ nước đa mục tiêu, trong đó ưu tiên tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng ĐBSCL.
UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương: Tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành cấp nước, các quy hoạch khác có liên quan trên địa bàn phù hợp với Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó bổ sung các giải pháp lưu trữ nước kết hợp cống ngăn mặn tạo nguồn nước cho các nhà máy nước, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương. Tổ chức thực hiện đồ án Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tham gia đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước vùng liên tỉnh; đầu tư mạng đường ống tiếp nhận và tiêu thụ nguồn nước sạch từ nhà máy nước vùng liên tỉnh; thực hiện thỏa thuận dịch vụ cấp nước với đơn vị cấp nước vùng liên tỉnh; chỉ đạo đầu tư, phát triển cấp nước trên địa bàn tỉnh, thành phố, phù hợp với quy hoạch được phê duyệt. Huy động các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống cấp nước tại địa phương; chỉ đạo xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn, đặc biệt trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ nguồn nước, hệ thống cấp nước và sử dụng nước tiết kiệm.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Bộ trưởng Bộ Xây dựng, các bộ có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc vùng ĐBSCL và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Theo http://www.baoxaydung.com.vn/
08/06/2023 338 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm