Ô nhiễm thượng nguồn sông Sài Gòn

12/06/2023 510 lượt xem quantri

Không còn cá chết?

Chúng tôi tìm đến suối Ru, thượng nguồn sông Sài Gòn (thuộc xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản) khi không còn hiện tượng cá chết và dòng nước suối Ru cũng trong hơn. Ông Huỳnh Văn Dạng (58 tuổi) là người đầu tiên của xã phát hiện cá chết trắng sông Sài Gòn vào cuối tháng 3-2017 và báo cho cơ quan chức năng, cho biết chỉ trong vòng 2 năm qua đã xảy ra liên tiếp hai vụ cá chết hàng loạt (lần trước vào giữa năm 2016) ở khu vực thượng nguồn con sông này, với khối lượng ước tính gần chục tấn cá các loại, khiến người dân hoang mang, không dám ăn cá. Còn ông Mai Văn Chan (ấp 4, xã Minh Tâm) thì rầu rĩ: “Ở đây cá chết một lần là hết trơn, mấy lần như thế rồi, giờ thì hết cá rồi, cá hết chết không phải vì nước đã sạch hơn mà thực tế là không còn cá; vừa rồi cá chết trắng bụng, dạt vào bờ, người dân đã vớt bán cho doanh nghiệp chế biến phân bón với giá 7.000 đồng/kg, có ngày bán được gần 1 triệu đồng”.

Quanh suối Ru hiện có khoảng 30 hộ dân sinh sống với nghề chính là đánh bắt cá, nhưng mấy năm  qua, khi con sông này liên tục xảy ra việc cá chết bất thường và dòng sông gần như không còn cá thì phần lớn phải chuyển nghề khác để làm, bỏ nghề đánh cá truyền thống. Con sông đã cưu mang nhiều thế hệ cư dân ở đây và hàng triệu dân vùng hạ du nhờ lượng phù sa màu mỡ và nhiều loại tôm cá sinh sôi đã không còn thân thiện, ngược lại, đã trở thành tác nhân của nhiều chứng bệnh phổ biến. Những người còn sinh sống bằng nghề bắt cá trên sông như ông Dạng phải đối mặt với ngứa ghẻ hàng ngày vì nguồn nước ô nhiễm, lượng cá bắt được thay vì bán cho dân ăn thì bây giờ phần lớn được thu gom lại bán cho các doanh nghiệp làm phân, thu nhập trở nên bấp bênh.

Người dân nghi ngờ các nhà máy xả thải

Mặc dù nguyên nhân chính làm cho cá chết bất thường trên thượng nguồn sông Sài Gòn vẫn đang chờ kết luận của cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước, nhưng người dân địa phương cho rằng, lý do làm cá chết là vì các nhà máy chế biến, chăn nuôi ở khu vực này không tuân thủ quy trình xử lý chất thải hoặc dây chuyền xử lý nước thải công suất nhỏ, lạc hậu, trong khi quy mô sản xuất lớn. Trong quá trình chăn nuôi heo, sản xuất mì, mủ cao su đã xả chất thải, nhất là xác mì và phân heo ra sông, khiến cả khu vực bốc mùi hôi thối, nước chuyển màu đen đặc, không một loại sinh vật nào có thể sinh sống được. Có người còn nói chắc nịch: “chính phân heo và xác mì xả ra sông hàng ngày là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm đầu nguồn sông Sài Gòn những năm qua. Đặc biệt, vào mùa khô, khi nguồn nước hạn chế, việc xả thải của các doanh nghiệp có thể nhận biết được khi mùi hôi thối bốc lên, xộc vào từng nhà dân, nhất là vào ban đêm thì không thể chịu nổi”.

Theo nhiều người dân, trước đây khi các doanh nghiệp chưa đặt trang trại sản xuất tại địa phương thì người dân đều lấy nước sông Sài Gòn ăn uống, sinh hoạt, nhưng kể từ khi các nhà máy đi vào hoạt động, phạm vi diện tích trải dài gần chục cây số thì người dân không dám tắm giặt; môi trường nước và không khí ở đây cũng biến đổi chóng mặt, nhiều người phải chuyển đi nơi khác sinh sống.

Chỉ trong phạm vi khoảng 6 cây số gần lưu vực sông Sài Gòn ở xã Minh Tâm này, có tới 4 doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến cùng hoạt động đó là Công ty TNHH Nông sản Việt Phước (quy mô nuôi khoảng 27.000 con heo, với 4 phân trại, diện tích khoảng 77ha), Công ty CP Cao su Viet – Sing (diện tích khoảng 40ha), Nhà máy chế biến mì Wusons (khoảng 40ha), tất cả đều nằm ven bờ suối Ru chảy ra sông Sài Gòn.

Bà Nguyễn Thị Quý, Chủ tịch UBND xã Minh Tâm đặt nghi vấn, có thể trong quá trình sản xuất, chế biến mì và mủ cao su có sử dụng hóa chất nên khi xả nước thải ra môi trường đã làm chết cá và các loài sinh vật khác dưới lòng sông? Bà Quý kiến nghị nếu các cơ sở trong quá trình sản xuất không đáp ứng được các yêu cầu về xử lý chất thải thì phải đóng cửa, tránh các tác hại có thể xảy ra sau này.

(Nguồn: Theo SGGP)

12/06/2023 510 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm