Ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi ở Phong Thổ

05/08/2023 387 lượt xem quantri
Điểm tập kết trung chuyển lợn Xuân Trường ở thôn Vàng Bó, thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Nước thải và phân sau khi tắm rửa được thải ra môi trường.
Theo nhân viên quản lý, điểm tập kết này có sức chứa đến gần một nghìn con lợn, cứ một đến hai ngày lại có một xe vào bãi. Những lúc xuất khẩu lợn ở cửa khẩu thuận tiện thì lưu lượng càng tăng lên. Chất thải nhiều, trong khi bể chứa lại nhỏ và sơ sài nên một lượng không ít nước thải và chất bẩn tràn ra ngoài chảy trực tiếp ra suối Nậm So.
Ông Vàng Văn Bình, bản Thẩm Bú, thị trấn Phong Thổ, Phong Thổ, Lai Châu cho biết, mỗi lần xe chở lợn đến tắm rửa cho lợn, nước thải đều xả trực tiếp xuống khu vực suối Nậm So và mùi hôi kinh khủng không thể chịu nổi.
Theo ông Tòng Văn Oanh, thôn Vàng Bó, cho biết, mùi hôi từ các trại tắm lợn thải ra kinh lắm, nhất là gặp luồng gió thì không thể chịu được. Nhiều lúc giờ nghỉ trưa và cả đêm khuya họ cho heo tắm làm ồn ào, bà con không thể ngủ được. Chúng tôi đã phản ánh lên cấp trên nhưng vẫn chưa thấy xử lý.
Qua tìm hiểu được biết, hiện nay trên địa bàn huyện Phong Thổ có 10 điểm tập kết, trung chuyển lợn, tập trung ở các xã như: Hoang Thèn, Ma Ly Pho, thị trấn Phong Thổ và xã Lản Nhì Thàng. Mỗi điểm tập kết có diện tích từ 600 đến 3.000m2­, với sức chứa từ 300 đến 1.000 con. Điều đáng nói là: trong 10 điểm đó, có tới 9 điểm là tự phát mà không có giấy phép kinh doanh. Hầu hết các điểm đều không có hệ thống xử lý chất thải, hoặc có thì cũng sơ sài, không đảm bảo quy chuẩn.
Các trạm dịch vụ chăm sóc heo tự phát được mọc lên dọc tuyến quốc lộ qua huyện Phong Thổ đi cửa khẩu Ma Lù Thàng đã tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
Ông Phạm Anh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Lai Châu cho biết, sau khi phát hiện các điểm tự phát kinh doanh, chúng tôi đã tổ chức kiểm tra trực tiếp thì thấy các điểm đều không đảm bảo vệ sinh thú ý. Qua đó đã tuyên truyền nhắc nhở các hộ phải thực hiện xử lý chất thải đúng quy định, tránh gây ô nhiễm môi trường. Tới đây chúng tôi sẽ phối hợp với phòng cảnh sát môi trường tiếp tục kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Không chỉ xả chất thải trực tiếp ra môi trường, mà theo người dân nơi đây phản ánh, có rất nhiều trường hợp khi lợn tập kết tại những điểm này bị ốm yếu hoặc chết thì các chủ hàng bán rẻ cho người dân và các lái buôn trong vùng đem về mổ thịt cung cấp ra thị trường. Với giá bán từ 150 ngàn đến một triệu đồng.
Ông Vương Văn Kim, bản Nậm Cáy, cho biết, tôi thấy có nhiều người dân mua những con lợn chết như thế, và cả tiểu thương cũng đem xe tải đến mua lợn ốm, lợn què nhưng đem đi đâu thì không biết.
Trước việc xuất hiện nhiều điểm tập kết tự phát dịch vụ tắm lợn đã làm ô nhiễm môi trường nước, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao. Vì vậy các cấp, các ngành tỉnh Lai Châu cần khẩn trương quy hoạch và cấp phép cho những bãi đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, nhằm kiểm soát môi trường, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn ốm, lợn chết đi tiêu thụ, bảo vệ đời sống cho người dân.
(Nguồn: Theo ANTV)
05/08/2023 387 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm