Nước thải từ nhà máy bức tử dòng sông

24/06/2023 364 lượt xem quantri

Lần theo phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt tại Nhà máy đường Sông Lam, thuộc Công ty CP mía đường Sông Lam (đóng trên địa bàn xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) vào một ngày đầu tháng 4 vừa qua. Gần trưa, phía sau nhà máy đoạn giáp với sông Lam, một đường ống cỡ lớn đang xả nước ra sông Lam.

Quan sát thấy trên mặt nước nổi lên một dòng bọt trắng như bọt xà phòng nhưng pha lẫn màu nâu vàng, lênh láng khắp mặt sông. Còn nước chảy ra chìm phía dưới có màu đen, thỉnh thoảng có màu đục vàng. Nhà máy đường Sông Lam nằm ngay bên QL7 phía sau sát ngay bờ sông Lam. Chúng tôi len lỏi mãi trong các bui rậm mới tiếp cận được đến cống xả thải. Tại đây xuất hiện một mùi hôi, hắc rất khó chịu. “Trước đây, họ hay xả vào những ngày mưa to. Còn mấy ngày nay, hầu như ngày nào cũng xả cả. Nhiều bữa xả nước đen ngòm, mùi hôi nồng nặc”, một ngư dân đánh cá phía cách ống xả thải khoảng 100m cho biết.

Về vấn đề này, ông Lê Viết Quý, Giám đốc sản xuất Công ty CP mía đường Sông Lam khẳng định: “Hằng năm, chúng tôi vẫn  làm quan trắc 2 lần theo quy định. Cơ quan chức năng đến kiểm tra đều đánh giá là đủ tiêu chuẩn xả thải. Các giấy tờ đầy đủ cả”. Nhưng khi chúng tôi cho ông Quý xem những hình ảnh vừa ghi nhận được thì ông Quý phân trần: “Đây là nước anh em làm vệ sinh máy móc cuối vụ tràn ra thôi”(!?).

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Sáng, Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn rất ngạc nhiên: “Tôi chưa bao giờ nghe báo cáo hay phản ánh chuyện này. Tôi sẽ cho anh em kiểm tra ngay và sẽ có biện pháp xử lý”.

Tiếp tục ngược theo QL7, chúng tôi có mặt tại nhà máy chế biến gỗ, thuộc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Con Cuông. Nhà máy gỗ này đóng ở bản Na Pha, xã Yên Khê, là khu vực đầu nguồn khe Diêm (Một khe nước chảy ra hợp lưu với sông Lam). Theo người dân phản ánh, nước thải từ nhà máy này xả ra khe Diêm, không qua một công đoạn xử lí nào.

Không chỉ có nhà máy đường Sông Lam và nhà máy gỗ Con Cuông mà theo người dân phản ánh hàng loạt các nhà máy như Xí nghiệp cao su cà phê (ở xã Tây Hiếu – thị xã Thái Hòa); Nhà máy chế biến tinh bột sắn của DNTN Minh Đức (ở xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn)… đều cố tình xả thải không qua xử lý ra trực tiếp trên dòng sông Hiếu.

Ngoài ra, các xưởng cưa xẻ đá của các hộ gia đình và nhiều doanh nghiệp ở xã Đồng hợp, Tam Hợp, Thọ Hợp… (huyện Quỳ Hợp) cũng thường xuyên xả trực tiếp nước từ các xưởng cưa không qua xử lí ra sông Hiếu và sông Nậm Tôn (một hợp lưu của sông Hiếu) khiến cho nguồn nước sông Hiếu bị vẩn đục.

Chưa hết, hàng chục mỏ quặng thiếc trên địa bàn các xã Châu Thành, Châu Hồng, Liên Hợp, Châu Tiến (cũng thuộc huyện Quỳ Hợp) khi chế biến cũng thường xuyên xả thải xuống sông Nậm Tôn và khe Nậm Huống khiến cho nguồn nước các sông suối thượng nguồn sông Hiếu luôn ở trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Đỉnh điểm của nước thải từ quặng thiếc là sự cố vỡ đập chứa thải quặng thiếc ở khu vực suối Bắc (xã Châu Thành) của Công ty TNHH MTV Kim loại màu Nghệ Tĩnh vừa qua khiến cá chết hàng loạt ở khe Nậm Huống.

Ông Vi Thanh Tường – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: “Vì chưa có tiền xây dựng theo quy hoạch, nên huyện yêu cầu doanh nghiệp nào tự xử lý nước thải, chất thải doanh nghiệp đó. Nếu để nước ra ngoài bờ rào, sẽ bị phạt ngay. Chúng tôi đã phát hiện và xử lý nhiều rồi. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục siết chặt quản lý về công tác môi trường trên địa bàn, nhất là đối với việc xả thải của các doanh nghiệp đá và thiếc”.

24/06/2023 364 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm