Chào mừng Kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2015), sáng nay 26.4, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín đã ấn nút khởi công Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát với tổng mức đầu tư khoảng 1.868 tỷ đồng.
Nhà máy được đầu tư theo hình thức Xây dựng – Chuyển giao (BT) bởi liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Môi trường SFC Việt Nam và Công ty Cổ phần Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia (IRS) do Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền đại diện.
Đây là dự án thành phần nằm trong dự án “Tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên” – 1 trong 4 lưu vực thoát nước chính của TP. Hồ Chí Minh cùng với các lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ – Bến Nghé – Kênh Đôi – Kênh Tẻ, Tân Hoá – Lò Gốm.
Hiện TPHCM mới chỉ có 2 nhà máy xử lý nước thải hoạt động là nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng và nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa. Bởi vậy, tỷ lệ xử lý nước thải mới chỉ đạt trên 13% tổng lượng nước thải sinh hoạt của thành phố.
Nhà máy là công trình cấp 1, được Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế trên diện tích khoảng 2,32ha, thực hiện trong thời gian 19 tháng với công suất hai giai đoạn là 250.000m3/ngày đêm sẽ xử lý nước thải cho lưu vực có tổng diện tích 2.058ha bao gồm quận Gò Vấp, một phần quận Bình Thạnh và quận 12, phục vụ khoảng 700.000 người, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường nước trầm trọng của kênh Tham Lương, sông Vàm Thuật cũng như giảm tải lượng ô nhiễm đáng kể cho sông Sài Gòn mà theo các số liệu đo được cho thấy các chỉ tiêu ô nhiễm đều vượt từ 5 – 20 lần tiêu chuẩn cho phép, có chỉ tiêu vượt đến hàng trăm lần, ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến hàng vạn dân ven bờ kênh trục và dân sống quanh các cụm nhà máy trong vùng. Đoạn giữa các tuyến kênh trục hiện nay là ao đìa thấp, chứa chất thải và nước tù đọng. Vào mùa mưa ngập úng thường xuyên ở vùng thấp ven kênh, chiều sâu ngập lên đến 0,3 – 1 m trên diện rộng, kéo dài từ 3 – 6 ngày ảnh hưởng khoảng 3.700ha đất dọc ven kênh và úng cục bộ ở một số vùng trên lưu vực do hệ thống tiêu thoát nước chưa đầy đủ.
Theo chủ đầu tư, dự án áp dụng công nghệ sinh học bùn hoạt tính tuần hoàn SBR cải tiến hay còn gọi là C-Tech. Đây là công nghệ hiện đại nhất hiện nay, đáp ứng được các tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng nước sau xử lý cũng như khoảng cách ly an toàn vệ sinh môi trường, áp dụng nhiều nhất cho các công trình xử lý nước thải quy mô lớn ở Việt Nam. Nhà máy có diện tích chiếm đất nhỏ và nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn mức cao nhất – loại A.
Nhà máy được xây kín, xử lý mùi đáp ứng khoảng cách ly theo quy định. Nhà máy có dây chuyền máy móc thiết bị chính được sản xuất bởi các nước EU, G7, được thiết kế vận hành tự động ở mức cao – có thể điều khiển từ xa. Ngoài việc đạt được các tiêu chuẩn cao về kỹ thuật, mức độ hiện đại cao, nhà máy còn được thiết kế đồng bộ nhằm tạo cảnh quan đẹp và thân thiện với môi trường.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Hữu Tín tin tưởng với công nghệ hiện đại được áp dụng, nhà máy sẽ giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường đang gia tăng trầm trọng của khu vực. Ông Tín cũng giao UBND quận 12 và các sở, ban ngành TP. Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi công và hoạt động của nhà máy sau này nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến người dân xung quanh.
Theo T.S/Báo Lao động, 26/04/2015