Nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn từ các KCN và KCX

13/06/2023 378 lượt xem quantri
Việc phát triển các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) đã tạo nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội cho TPHCM. Tuy nhiên, việc phát triển trên chưa hài hòa với bảo vệ môi trường, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài và ngày một trầm trọng.
Khu sản xuất của Công ty TNHH Timatex trong KCX Linh Trung II Ảnh: CAO THĂNG
Ô nhiễm vẫn ở mức báo động
Theo Viện Khoa học Môi trường và Phát triển, tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi tập trung nhiều KCN và dự án FDI lớn nhất cả nước, mặc dù tỷ lệ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung ở khu vực này rất cao nhưng tình trạng vi phạm các quy định về môi trường vẫn xảy ra. Ô nhiễm do nước thải công nghiệp kết hợp với nước thải đô thị đã gây ô nhiễm nghiêm trọng cho nhiều kênh, rạch ở vùng ven TPHCM như kênh Tham Lương, Ba Bò, Thầy Cai, An Hạ… Thậm chí, nhiều doanh nghiệp (DN) còn cố tình xây dựng hệ thống ngầm kiên cố xả thẳng ra sông, rạch hoặc lợi dụng lúc triều lên để pha loãng nước thải chưa xử lý đưa ra môi trường.
Theo Ban quản lý KCX-KCN TPHCM (HEPZA), hàng năm HEPZA luôn tiến hành thanh tra, kiểm tra các hoạt động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong các KCX-KCN. Kết quả kiểm tra cho thấy, có những DN thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường như đấu nối nước thải phát sinh vào mạng lưới thu gom của KCX-KCN, chất thải rắn, chất thải nguy hại chuyển giao đúng quy định. Thế nhưng, cũng còn nhiều trường hợp vi phạm như xả khí thải vượt chuẩn cho phép hoặc xả nước thải vượt chỉ tiêu đấu nối. Phổ biến nhất là đối với các DN có sử dụng củi làm nhiên liệu đốt hoặc sản xuất ngành nghề nhạy cảm với môi trường và khó xử lý triệt để chất thải phát sinh dù đã đầu tư hệ thống xử lý. Chẳng hạn như Công ty Timatex, KCX Linh Trung II, do đặc trưng ngành nghề sản xuất là chế biến cao su nên dù có xử lý nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn khó khắc phục, dẫn đến khiếu nại của người dân vẫn kéo dài.
Lý giải thực tế này, ông Phạm Thanh Trực, Trưởng phòng quản lý môi trường của HEPZA cho biết, hiện việc giám sát chất lượng môi trường định kỳ không phản ánh trung thực mức độ ô nhiễm do hoạt động sản xuất tại các DN gây ra. Trước khi kiểm tra, các cơ quan chức năng phải có văn bản thông báo đến các DN nên các DN thường có sự chuẩn bị trước. Mặt khác, lực lượng cán bộ chuyên trách về môi trường còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác bảo vệ môi trường. Không dừng lại đó, ở một số KCX-KCN trên địa bàn thành phố, DN có xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ nhưng đã xuống cấp, hiệu quả xử lý không cao hay không vận hành, thoát nước thải vượt quá quy chuẩn cho phép đưa vào mạng lưới thu gom dẫn đến nguy cơ quá tải của hệ thống xử lý nước thải tập trung tại một số KCN. Đồng thời, các DN chưa thực hiện chế độ báo cáo chất lượng môi trường một cách đều đặn và đúng thời gian. Việc tổng hợp và xử lý thông tin báo cáo chưa có hướng dẫn chi tiết khiến DN và cả cơ quan quản lý gặp khó. Bên cạnh đó, còn tình trạng cơ quan quản lý chỉ tiếp nhận mà thiếu việc phản hồi cho DN nên việc khắc phục sửa chữa còn hạn chế. Trên thực tế, hiệu quả tư vấn môi trường của các đơn vị tư vấn về môi trường chưa cao, chưa tư vấn hết vấn đề môi trường phát sinh của các DN. Điều này khiến cho chất lượng nhiều công trình xử lý chất thải của các DN kém, nhanh xuống cấp, hiệu quả xử lý không cao.
Tăng cường giám sát chặt chẽ
Ô nhiễm môi trường tại các KCN đang trở thành một vấn đề môi trường cấp bách, đe dọa trực tiếp đến các thành quả về phát triển kinh tế – xã hội, cũng như tác động trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Ông Phạm Thanh Trực cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, HEPZA sẽ tập trung tăng cường giám sát chặt chẽ chất lượng nước thải tại các trạm xử lý nước thải tập trung, khuyến khích các công ty phát triển hạ tầng nâng cao chất lượng nước thải sau xử lý để tái sử dụng tưới cây, rửa đường… trong KCX-KCN; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM trong công tác kiểm soát công tác quản lý chất thải nguy hại phát sinh; phối hợp Phòng Cảnh sát môi trường – Công an TP trong công tác chống tội phạm môi trường; nâng cao vai trò quản lý môi trường tại chỗ cho các DN trong các KCX-KCN; tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường trong các KCX-KCN thông qua việc tăng cường nhân sự, đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức về bảo vệ môi trường; ứng dụng hiệu quả công cụ tin học để phục vụ công tác quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Lê Trình, Viện Khoa học Môi trường và Phát triển, nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường là do hoạt động công nghiệp bắt nguồn từ việc xả các loại chất thải, nước thải, khí thải vào môi trường của các DN trong các KCN. Điều đáng nói thêm, mặc dù mô hình tập trung các cơ sở sản xuất vào các KCN tạo thuận lợi cho quản lý chất thải nhưng đến nay bên cạnh các KCN thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý chất thải thì nhiều KCN vẫn chưa hoàn thiện các công trình thu gom, xử lý chất thải tập trung. Việc xả khối lượng khổng lồ các loại chất thải công nghiệp chứa hàm lượng lớn các chất ô nhiễm có độc tính cao đã, đang và sẽ là áp lực ngày càng lớn đến hệ sinh thái tự nhiên, sức khỏe con người và gây tổn hại nhiều ngành kinh tế. Để từng bước khắc phục tình trạng nói trên, PGS-TS Lê Trình cũng cho biết thêm, cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra pháp luật về bảo vệ môi trường tại các KCN, xử lý nghiêm các DN vi phạm, cũng như kiên quyết đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật. Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động đánh giá môi trường chiến lược, tác động môi trường đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển, nhất là ở khâu thẩm định, kiểm tra sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường nhằm bảo đảm các dự án trước khi đi vào hoạt động được xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường. Đồng thời, chỉ cho phép xây dựng các nhà máy, dự án trong KCN sau khi đã hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các công trình bảo vệ môi trường.
(Theo Hồng Hà – www.sggp.org.vn)
13/06/2023 378 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm