Ngày Khí tượng thế giới 2015: Cùng Hành động vì tương lai

28/07/2023 422 lượt xem quantri

Biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng tới tương lai của sự sống trên Trái đất. Đó là thông điệp mà Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) muốn truyền tải nhân Ngày Khí tượng thế giới (23-3).

“Khí hậu: Nhận thức để hành động” – đó là chủ đề, đồng thời cũng là nội dung cốt lõi bức thông điệp mà Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) Michael Jarraud muốn truyền tải nhân Ngày Khí tượng Thế giới năm nay (23-3-2015). Theo ông Jarraud, chủ đề năm nay được chọn “Khí hậu: Nhận thức để hành động” là rất phù hợp khi mà cộng đồng thế giới đang nỗ lực và hành động quyết liệt nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Người đứng đầu WMO nhấn mạnh, biến đổi khí hậu hiện đang là nỗi lo chung của toàn nhân loại bởi nó có tác động đến tất các ngành kinh tế-xã hội, từ nông nghiệp đến du lịch, cơ sở hạ tầng đến sức khỏe con người. Biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng đến các nguồn tài nguyên chiến lược như nước, lương thực, năng lượng.

Cũng theo WMO, biến đổi khí hậu đang làm chậm, thậm chí đe dọa sự phát triển bền vững không chỉ riêng đối với các quốc gia đang phát triển. Tổ chức có nhiệm vụ chính là hỗ trợ các quốc gia cung cấp các dịch vụ khí tượng thủy văn để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân trước các thiên tai liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước, bảo vệ môi trường tự nhiên này nêu rõ: “Cái giá của sự bị động là rất cao và sẽ còn cao hơn nữa nếu chúng ta không hành động một cách quyết liệt ngay từ bây giờ”.

Đánh giá mới nhất của WMO được đưa ra khi mà cả thế giới đều đã thấy rõ những tác hại khôn lường của biến đối khí hậu với thế giới, trong đó các nghiên cứu cho thấy mỗi năm kinh tế thế giới có thể tổn thất 1,2 nghìn tỷ USD; khiến hơn 4,5 tỷ người, chiếm khoảng 64% dân số toàn cầu, phải sống tại các khu vực có nguy cơ cao chịu những hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, mưa lớn, lũ lụt, bão, lốc xoáy… Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo nghiên cứu “Kinh tế học về biến đổi khí hậu ở Thái Bình Dương” đã cảnh báo các quốc gia khu vực này, trong đó có Việt Nam, có thể bị thiệt hại tới 12,7% GDP vì những tác động của biến đổi khí hậu.

Nhằm ngăn chặn biến đổi nhanh của của khí hậu Trái đất, LHQ cùng các quốc gia năm 2010 đã đạt được thỏa thuận về mục tiêu giới hạn nhiệt độ Trái đất không tăng lên quá 2 độ C vào năm 2100 so với thời kỳ tiền công nghiệp. Biện pháp chủ yếu là thông qua việc giảm phát thải lượng khí dioxide carbon (CO2) gây hiệu ứng nhà kính do sử dụng các loại năng lượng có nguồn gốc hóa thạch và hoạt động giao thông vận tải tạo ra, đi đôi với đó là phát triển các phương tiện, mô hình tăng trưởng xanh…

Tuy nhiên, với người dân bình thường ở các quốc gia thì những thông tin trên, dù rất nghiêm trọng, song vẫn có vẻ “mông lung” và xa xôi. Vì thế, Tổng thư ký WMO cho rằng, các kiến thức về khí hậu cần phải được truyền tải đến người dân một cách dễ hiểu và dễ sử dụng nhất như qua những bản tin dự báo thời tiết hàng ngày đến các dự báo khí hậu theo mùa. Những bản tin này cùng các sản phẩm và dịch vụ khí tượng thủy văn không chỉ hỗ trợ các nhà quy hoạch xây dựng chính sách và kế hoạch hành động nhằm nâng cao năng lực ứng phó của các thành phố trước các thảm họa tự nhiên và hướng tới phát triển nền kinh tế xanh mà còn giúp mỗi người dân nhận thức sâu sắc về tác hại của biến đối khí hậu để từ đó có hành động vì tương lai của chính mình và các thế hệ mai sau.

28/07/2023 422 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm