Nâng cao chất lượng dịch vụ cấp thoát nước

15/06/2023 147 lượt xem quantri
Nâng cao chất lượng dịch vụ cấp thoát nước
Trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng một cách nhanh chóng. Do đó, cần đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật từ đô thị tới nông thôn. Trong đó, hệ thống cấp thoát nước có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị nhằm tránh thất thoát nước sạch.
Nhà máy nước Đồng Tâm (Tiền Giang)
Đẩy mạnh đầu tư các dự án cấp thoát nước
Theo báo cáo của Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng, trong năm 2014, các dự án đầu tư xây dựng cấp nước tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều nguồn vốn khác nhau, một số nhà máy đã hoàn thành và được đưa vào vận hành khai thác như: Nhà máy nước Nhơn Trạch giai đoạn 1 tỉnh Đồng Nai công suất 100.000 m3/ngđ, nhà máy nước Dĩ An giai đoạn 2 công suất 50.000 m3/ngđ, nhà máy nước Mỹ Phước thuộc tỉnh Bình Dương công suất 30.000 m3/ngđ và nhà máy nước Phú Mỹ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công suất 50.000 m3/ngđ… góp phần tăng thêm 250.000 m3/ngđ, đưa tổng công suất thiết kế các nhà máy nước đạt khoảng 7 triệu m3/ngđ
(năm 2013 là 6,75 triệu m3/ngđ). Và so với năm 2011, tổng công suất đã tăng trên 800.000 m3/ngđ (năm 2011 là 6,2 triệu m3/ngđ). Việc tăng công suất các nhà máy nước góp phần cải thiện tình hình cung cấp nước sạch cho người dân đô thị và qua đó tỷ lệ dân số thành thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 80%, tăng 1% so với năm 2013 (79%) và tăng 4% so với năm 2011 (76%). Tỷ lệ thất thoát nước sạch đạt khoảng 25,5%, giảm 4,5% so với năm 2010 (30%) và đạt gần với chỉ tiêu của năm 2015.
Trong công tác Quy hoạch cấp nước, Bộ Xây dựng đã tập trung chỉ đạo việc lập Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, trong đó tập trung làm rõ vai trò, vị trí của việc xây dựng các nhà máy nước mang tính liên vùng cùng với hệ thống truyền tải chính phục vụ cấp nước cho các địa phương trong vùng. Quy hoạch này sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (2015) sẽ thay thế Quy hoạch cấp nước vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đến năm 2020.
Đối với quy hoạch chuyên ngành cấp nước thành phố trực thuộc TW và quy hoạch cấp nước vùng tỉnh là cơ sở để quản lý và phát triển cấp nước trên địa bàn. Đến nay, khoảng hơn 20 tỉnh/thành phố đã có quy hoạch cấp nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong đó có quy hoạch cấp nước thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, có 10 tỉnh/thành phố đang triển khai lập quy hoạch, trong đó có Hải Phòng, Cần Thơ và Đà Nẵng.
Về triển khai chương trình chống thất thoát nước sạch. Trong năm 2014, giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Ngoại giao Vương quốc Đan Mạch đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực chống thất thoát nước sạch. Nội dung tập trung vào các hoạt động như: Các dự án chống thất thoát cho một số thành phố sẽ được xem xét cho vay vốn trong khuôn khổ Công cụ tài chính kinh doanh của Danida. Các điều kiện cấp vốn sẽ căn cứ trên cơ sở hướng dẫn và quy định khung DBF… Hai bên sẽ khuyến khích các cơ quan Chính phủ các cấp, các tổ chức và doanh nghiệp tư nhân có liên quan của hai bên xây dựng cơ chế hợp tác, kế hoạch cụ thể hàng năm nhằm thực hiện các mục tiêu đã đặt ra.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách
Nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới của ngành nước hướng tới các hoạt động đầu tư, quản lý, vận hành hiệu quả thì cần triển khai một số nhiệm vụ như: Rà soát, nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn về lựa chọn nhà đầu tư, mẫu hợp đồng dự án trong lĩnh vực cấp nước sạch và vệ sinh môi trường đô thị giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ với UBND đồng thời hỗ trợ thực hiện các quy định này. Xây dựng Thông tư hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ thoát nước từng bước đáp ứng yêu cầu bù đắp đủ chi phí quản lý, vận hành và đầu tư thiết bị hệ thống thoát nước. Rà soát, hoàn thiện quy định về giá nước sạch và lộ trình điều chỉnh giá nước sạch đô thị theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước, người sử dụng nhằm ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ. Hỗ trợ công tác tăng cường năng lực, cải cách đổi mới các doanh nghiệp cấp thoát nước; hỗ trợ triển khai thí điểm các dự án thực hiện theo mô hình hợp tác công – tư (PPP). Rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, chỉ tiêu, suất vốn đầu tư, định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng trong lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị. Tiếp tục triển khai hoạt động có hiệu quả về chống thất thoát, xây dựng chiến lược quốc gia về cấp nước an toàn.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến – Cục trưởng, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết: Hệ thống cấp nước đô thị ở Việt Nam đã được quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển nên tình hình cấp nước đã được cải thiện một cách đáng kể. Quản lý nhà nước về lĩnh vực cấp nước đã được thống nhất từ trung ương đến địa phương. Hầu hết các công ty cấp nước đã chuyển sang hoạt động sản xuất kinh doanh. Giá tiêu thụ nước sạch bước đầu đã thực hiện nguyên tắc tính đúng, tính đủ yếu tố chi phí góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tiết kiệm sử dụng nước, đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước.
Theo Báo Xây dựng điện tử
15/06/2023 147 lượt xem quantri