Hiện tại, đầu tư vào lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị chủ yếu từ nguồn vốn nhà nước. Sự tham gia của tư nhân còn rất hạn chế, trong khi nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực này các năm tới là rất lớn. Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được xem là một trong những giải pháp quan trọng trong việc huy động mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
Ảnh Lê Tiên
Bộ Xây dựng cho biết, dự báo nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng cho lĩnh vực cấp nước đô thị giai đoạn 2014 – 2020 là 68,95 nghìn tỷ đồng, bình quân 9,85 nghìn tỷ đồng/năm.
Sự tham gia của tư nhân rất khiêm tốn
Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, vốn đầu tư đã thực hiện của lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trong 5 năm vừa qua khoảng 42 nghìn tỷ đồng, bình quân khoảng 8,4 nghìn tỷ đồng/năm. Trong đó, lĩnh vực cấp nước khoảng 11,4 nghìn tỷ đồng (2,3 nghìn tỷ đồng/năm); lĩnh vực thoát nước khoảng 24 nghìn tỷ đồng (4,8 nghìn tỷ đồng/năm); lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng (1,3 nghìn tỷ đồng/năm).
Về nguồn vốn, đối với lĩnh vực cấp nước, nguồn vốn nhà nước để đầu tư xây dựng chiếm khoảng 87%, trong đó chủ yếu là vốn ODA (66%); vốn của doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân chiếm khoảng 13%. Đối với lĩnh vực thoát nước đô thị, vốn đầu tư cũng chủ yếu từ nguồn vốn nhà nước. Trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị, khu vực kinh tế tư nhân đã có sự tham gia đầu tư xây dựng nhiều hơn, chiếm khoảng 20% tổng số vốn đầu tư vào lĩnh vực này.
Từ số liệu có thể thấy, trong giai đoạn vừa qua, việc đầu tư phát triển hệ thống cấp, thoát nước, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị chủ yếu sử dụng nguồn vốn ngân sách, trong đó vốn ODA là chủ yếu. Nguồn vốn của khu vực tư nhân tham gia vào các lĩnh vực này còn rất khiêm tốn. Theo ông Nguyễn Tường Văn, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật thuộc Bộ Xây dựng, hiện chính quyền địa phương vẫn đóng vai trò chính trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường đô thị. Tuy quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực này đã có nhiều kết quả, nhưng sự tham gia của khu vực tư nhân còn hạn chế. Thực trạng này đặt ra đòi hỏi cần phải có những giải pháp phù hợp hơn nữa để huy động tối đa các nguồn lực, trong đó tập trung để thu hút sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Cần huy động vốn tư nhân theo hình thức đầu tư PPP
Bộ Xây dựng cho biết, dự báo nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng cho lĩnh vực cấp nước đô thị giai đoạn 2014 – 2020 là 68,95 nghìn tỷ đồng, bình quân 9,85 nghìn tỷ đồng/năm. Lĩnh vực thoát nước đô thị cần huy động 108,5 nghìn tỷ đồng, bình quân 15,5 nghìn tỷ đồng/năm; lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị cần huy động 42,07 nghìn tỷ đồng, bình quân 6,01 nghìn tỷ đồng/năm. Đây là nguồn vốn rất lớn và ngân sách nhà nước không thể đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư này.
Ông Nguyễn Tường Văn cho biết, để đáp ứng nhu cầu về vốn đầu tư như trên, Bộ Xây dựng đã xác định nhiều giải pháp để thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào các lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị. Trong đó, Bộ sẽ rà soát, nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn về lựa chọn nhà đầu tư, mẫu hợp đồng dự án trong lĩnh vực cấp nước sạch và vệ sinh môi trường đô thị giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ với UBND tỉnh; rà soát, nghiên cứu ban hành các hướng dẫn cụ thể về công tác cổ phần hóa của các doanh nghiệp cấp nước nhằm đảm bảo vừa huy động tốt các nguồn lực đầu tư, vừa đảm bảo chất lượng dịch vụ theo quy định; rà soát, hoàn thiện quy định về giá nước sạch và lộ trình điều chỉnh giá nước sạch đô thị theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước và người sử dụng; hỗ trợ công tác tăng cường năng lực, cải cách, đổi mới các doanh nghiệp cấp nước; rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, chỉ tiêu, suất vốn đầu tư, định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng trong lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị.
Đặc biệt, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ hỗ trợ việc triển khai các dự án PPP trong lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị. Một trong những vấn đề cần tháo gỡ trước mắt là thiết lập cơ chế đầy đủ cho dự án PPP trong lĩnh vực này và có ngân sách đối ứng phù hợp để đóng góp vào phần vốn của Nhà nước trong dự án PPP.
“Hệ thống cung cấp nước sạch; hệ thống thoát nước; hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải là một trong các lĩnh vực khuyến khích đầu tư theo hình thức PPP quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP. Một số địa phương cũng đã đề xuất nhiều dự án trong lĩnh vực này để triển khai theo hình thức PPP như: dự án Xử lý chất thải công nghệ cao tại Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội; dự án Đầu tư xây dựng công trình hệ thống thu gom, xử lý nước thải huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh theo hình thức PPP (hợp đồng BOT); dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 3; dự án thành phần 5: Xây dựng nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tây Sài Gòn; dự án thành phần 6B: Hệ thống thu gom nước mưa, nước thải và trạm bơm lưu vực Tham Lương – Bến Cát; dự án thành phần 7: Xây dựng hệ thống thu gom nước mưa, nước thải và trạm bơm lưu vực Tây Sài Gòn thuộc dự án Tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên (TP.HCM); dự án Hệ thống xử lý nước thải Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa);……”
(Theo Việt Thắng- www.muasamcong.vn)