Hội thảo còn là minh chứng rõ nét về chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đóng góp vào quan tâm chung của Việt Nam. Những nội dung của hội thảo sẽ gợi mở cho các thành viên ASEM cũng như Việt Nam những giải pháp đồng bộ và cách tiếp cận toàn cầu, đa ngành, đa lĩnh vực trong quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước…
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh nước là khởi nguồn của sự sống. Thành bại của mỗi quốc gia trong quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước không chỉ quyết định tương lai của dân tộc đó mà còn tác động đến vận mệnh chung của toàn khu vực.
Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh về vấn đề nước trên thế giới đang nổi lên nhiều gam màu xám. Thực trạng đáng báo động là gần 750 triệu người, chiếm 1/10 dân số thế giới vẫn chưa tiếp cận được với nước sạch. Nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm, vốn chiếm 95% nguồn cung nước sạch toàn cầu, tại các thành phố lớn như Bangkok (Thái Lan), Vientiane (Lào), Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) trở nên trầm trọng hơn. Bến Tre nằm ở trung tâm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nhưng cũng là điển hình của địa phương ở hạ nguồn sông Mekong chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng.
Theo Phó Thủ tướng, ngay trong năm nay, cộng đồng quốc tế sẽ hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và hoàn tất xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau 2015. Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và cam kết gia tăng mạnh mẽ hợp tác quốc tế trong quản lý tài nguyên nước gắn với phát triển bền vững. Sự hợp tác quốc tế sẽ góp phần giúp Việt Nam thực hiện thành công “Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011-2020” và “Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020.”
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề:
+) Thứ nhất là thống nhất trong nhận thức và hành động để bảo đảm vấn đề nguồn nước có vị trí xứng đáng trong Chương trình nghị sự phát triển sau 2015.
+) Thứ hai là cần phát triển tư duy mới và cách tiếp cận tổng thể, liên ngành về quản lý bền vững nguồn nước.
+) Thứ ba là tăng cường trao đổi kinh nghiệm hay, những điển hình tốt và đưa ra khuyến nghị chính sách phù hợp về quản lý bền vững tài nguyên nước, kể cả trong sử dụng, chia sẻ các nguồn nước xuyên quốc gia. Đối với vấn đề này, cần khuyến khích sự chia sẻ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, các chương trình đối tác công-tư, chuyển giao và sử dụng công nghệ xanh, sạch trong quản lý và sử dụng nguồn nước, nhân rộng các mô hình hợp tác giữa các địa phương như Dự án hợp tác giữa hai tỉnh Bến Tre của Việt Nam và Tulcea của Rumani.
+) Thứ tư là cần thiết lập mạng lưới kết nối và chia sẻ thông tin giữa các trung tâm và các viện nghiên cứu về quản lý bền vững nguồn nước. Trước hết cần phát huy vai trò của Trung tâm nghiên cứu và phát triển nguồn nước ASEM tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) để trao đổi, phối hợp nghiên cứu và đề xuất các biện pháp hợp tác cụ thể.