Có lịch sử hình thành và phát triển trên 500 năm, làng nghề bún Ô Sa được tỉnh công nhận làng nghề truyền thống. Nhờ vậy, thị trường cũng như thương hiệu của làng bún Ô Sa ngày càng được mở rộng. Hiện, toàn thôn Ô Sa có 71 hộ dân làm bún, trong đó có 20 hộ sản xuất với quy mô lớn. Trung bình mỗi ngày, nơi đây xuất ra thị trường trên 15 tấn bún phân phối cho các chợ lớn tại Sịa, An Lỗ và các vùng lân cận.
![]() |
Hệ thống mương dẫn ra bể vẫn chưa hoàn thiện |
Được sự hỗ trợ của các chương trình khuyến công, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư cả trăm triệu đồng mua sắm máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất, làm tăng năng suất và sản lượng bún. Nhờ vậy, thu nhập từ làm bún ngày một cao. Tuy nhiên, số lượng bún làm ra cũng tỷ lệ thuận với khối lượng chất thải mà làng nghề này thải ra môi trường, gây nên tình trạng ô nhiễm khá nghiêm trọng.
Năm 2012, Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường hỗ trợ cho địa phương dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng bún Ô Sa, xã Quảng Vinh với mức kinh phí trên 4,7 tỷ đồng. Trong đó, chương trình là 2,23 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 1,5 tỷ đồng; ngân sách huyện và huy động từ nhân dân trên 1 tỷ đồng. Theo đó, dự án sẽ tiến hành xây dựng 16 hầm bioga, với bản đáy bê tông M200, thành xây gạch trên có nắp đậy, 16 bể xử lý nước thải cho mỗi hộ gia đình và xây 320m mương nối từ bể xử lý nước thải tại hộ gia đình ra mương thoát nước chung tại các xóm với chiều dài gần 1,5km; với 10 hồ xử lý nước thải chảy ra cuối xóm.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện, dự án này vẫn ngổn ngang và môi trường của làng nghề lại nhếch nhác bởi dự án vẫn chưa hoàn thành các hồ chứa và xử lý nước thải. Ngay từ khi rẽ vào tuyến đường dẫn vào thôn, mùi hôi đã bắt đầu thoang thoảng. Đi xa một đoạn đến gần cuối thôn hình ảnh đập vào mắt là một bể chứa nước thải đen ngòm bốc mùi khó chịu. Nhiều người dân ở gần khu vực này cho biết: “Cô đi vào mùa này còn đỡ đó, mùa nắng mà qua đây không bịt mũi mới lạ.”
TTH Online