Hải Phòng-Tăng cường quản lý việc cấp phép xả thải

26/06/2023 276 lượt xem quantri

Nhằm bảo vệ nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nước sạch và nông nghiệp trên địa bàn, vừa qua thành phố đã có văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường quản lý việc cấp phép xả thải của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ vào nguồn nước. Tuy vậy, việc để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hiểu và chấp hành chủ trương trên không phải là chuyện ngày một, ngày hai.


Hình ảnh lấy mẫu nước thải tại cơ sở sản xuất

Doanh nghiệp thờ ơ

Theo quy định tại Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27-11-2013, thì các trường hợp là: xả nước thải sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình; xả nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 5m3/ngày đêm và không chứa hóa chất độc hại, chất phóng xạ; xả nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý tập trung đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép và xả nước thải nuôi trồng thủy sản (NTTS) với quy mô không vượt quá 10.000m3/ngày đêm hoặc NTTS trên biển, sông suối, hồ chứa thì không phải xin giấy phép xả thải vào nguồn nước. Còn lại, tất cả các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả thải vào nguồn nước thì đều phải làm thủ tục xin cấp phép xả thải theo quy định.
Cũng theo thống kế của ngành chức năng thì năm 2013, Hải Phòng cấp được 20 giấy phép xả thải; năm 2014 là 30 giấy và đến thời điểm hiện tại, Sở Tài nguyên Môi trường đã tiếp nhận 15 hồ sơ, trong đó 10 hồ sơ đã hoàn tất và có quyết định, 5 hồ sơ còn lại đang trong giai đoạn hoàn thiện. Tuy nhiên, theo Kế hoạch số 2671/KH-UBND mà thành phố vừa ban hành thì nhiệm vụ của cả hai ngành chuyên môn là Sở TNMT và Sở NN&PTNT trong năm 2015 phải cấp cho 120 cơ sở và tiến tới giai đoạn 2015-2020 cấp cho trên 80% cơ sở trên địa bàn thuộc đối tượng phải cấp (ước tính khoảng 5.000 cơ sở).


Các cơ sở sản xuất ngay sát bờ sông Đa Độ có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngọt
Thực hiện Kế hoạch của UBND TP, được biết vừa qua Sở TNMT đã tổ chức hội nghị nghe, giải đáp thắc mắc, đồng thời hướng dẫn cho các cơ sở về thủ tục cấp phép xả thải vào nguồn nước. Song, trong tổng số 120 cơ sở đã được gửi giấy mời thì chỉ có 50 cơ sở cử cán bộ tới dự?! Con số trên đã phần nào phản ánh các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực này.

Khó về kinh phí

Ông Phạm Văn Năng – Phó chi cục biển và hải đảo không giấu diếm: “Qua các đợt kiểm tra, thanh tra, chúng tôi nhận thấy lâu nay DN chú trọng nhiều đến lợi nhuận mà chưa lưu tâm đến trách nhiệm với môi trường, với cộng đồng, đặc biệt là với nguồn nước. Trên thực tế, không ít hồ sơ do đơn vị tư vấn lập thì hay nhưng qua kiểm tra lại “nói một đằng, làm một nẻo”, hệ thống xử lý nước thải của cơ sở chưa đạt yêu cầu. Đoàn kiểm tra buộc phải yêu cầu cơ sở bổ sung, hoàn thiện và mới tiến hành cấp phép xả thải”.
Qua tìm hiểu được biết, đối với các cơ sở xả thải vào các hệ thống thủy lợi hay cung cấp nước thô phục vụ sản xuất nước sạch như phần trên bài đã nêu thì yêu cầu lại càng nghiêm ngặt, chặt chẽ, buộc chất lượng nước trước khi xả thải vào hệ thống phải đạt tiêu chuẩn A, tức là cao nhất hiện nay, để bảo vệ nguồn nước ngọt của thành phố.
Tuy vậy, để xây dựng các công trình xử lý nước thải đạt được tiêu chuẩn nói trên, các cơ sở phải đầu tư một khoản chi phí không nhỏ. Nếu DN không thực sự có tiềm lực tài chính và cộng với cả có tâm với môi trường, với cộng đồng thì rất dễ dẫn đến hiện tượng né tránh, à uôm hay làm theo kiểu chống đối. Thực tế là, ngoài khu CN Nomura đã xây dựng khu xử lý nước thải ngay từ ngày đầu đi vào hoạt động thì nhiều khu, cụm CN khác như Đồ Sơn, Tràng Duệ, Tân Liên phải đợi khi có một số nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động mới tiến hành xây dựng khu xử lý nước thải. Thậm chí, do tác động của suy thoái kinhh tế, khu CN Nam Cầu Kiền tuy đã xây dựng hệ thống bể xử lý nước thải, nhưng chưa có…thiết bị?!
Nếu các DN xả thải ra các tuyến sông chỉ phục vụ cho mục đích giao thông như sông Lạch Tray, Cấm, Bạch Đằng…thì không đáng bàn, nhưng đối với sông Rế, Giá, Đa Độ, Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc thì ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sạch của gần 2 triệu dân thành phố và hàng nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh khác. Theo báo cáo của Cty TNHH MTV cấp nước Hải Phòng thì mức độ ô nhiễm tại một số con sông cung cấp nước ngọt nói trên ngày càng tăng. Tỷ lệ thuận là lượng hóa chất để xử lý nước ngày càng nhiều.
Được biết, chế tài xử phạt trong lĩnh vực xả thải vào nguồn nước khá “rắn”, cao nhất đối với cá nhân là 250 triệu đồng, với tổ chức là 500 triệu đồng. Cùng với việc tạo điều kiện hướng dẫn, làm thủ tục cấp phép, trong thời gian tới các ngành, địa phương cũng sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử phạt những trường hợp cố tình không chấp hành. Qua đó, sẽ giúp các cơ sở nhận thức đúng, đầy đủ, tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn nước, nhất là nguồn nước ngọt như sự tồn vong của mình, gia đình mình, cộng đồng và của doanh nghiệp, đơn vị mình.
(Theo Kim Oanh- Báo An ninh Hải Phòng)
26/06/2023 276 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm