Cá sông chết nổi trắng từng đoạn
Theo người dân các xã Cổ Bì, Tân Hồng, Hồng Khê, Thái Học,… hơn 1 tuần nay, nước sông tự nhiên đổi sang màu đen, bốc mùi hôi thối nồng nặc, cá chết nổi lên rất nhiều, người dân phải thay nhau vớt lên đem đi chôn.
Mùi hôi thối nồng nặc từ dòng sông bốc lên. Đặc biệt, nước sông đen ngòm, đặc quánh, cá tôm chết nổi trắng từng đoạn, nhiều gia đình phải đóng chặt cửa sổ, người dân mỗi khi ra đường đeo khẩu trang để đỡ hít phải mùi thối.
Tiếp chuyện chúng tôi, anh Đoàn (xã Cổ Bì) bức xúc: “Sau một đêm ngủ dậy, người dân chúng tôi bàng hoàng về nguồn nước sông tự nhiên đổi sang màu đen, bốc mùi nồng nặc, 2 ngày sau cá sông bắt đầu chết, nổi lên từng đoạn, chúng tôi phải vớt lên đem đi chôn”.
Cũng theo anh Đoàn, xã Cổ Bì là đoạn cuối của con sông chảy từ trung tâm huyện Bình Giang (dài khoảng 10km) nên lượng nước thải chưa qua xử lý chảy về ngày càng nhiều, nước đen ngòm. Không những thế, con sông to Bắc Hưng Hải cũng bị ô nhiễm theo.
Chúng tôi chạy dọc theo con sông, bắt gặp bà Hạnh đang phun thuốc trừ đạo ôn. “Mấy ngày nay nắng nóng nên ruộng lúa không có nước, đất ruộng có dấu hiệu nứt nẻ, nhà tôi không dám lấy nước song cho vào ruộng, sợ lúa chết. Hôm nay nhà tôi trừ đạo ôn, tôi phải pha sẵn thuốc vào bình ở nhà rồi đeo ra ruộng phun”, bà Hạnh cho hay.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Chánh Văn phòng UBND huyện Bình Giang cho biết, thủ phạm gây ô nhiễm là một số Cty nằm trong Cụm công nghiệp Tân Hồng (xã Tân Hồng) đã trực tiếp xả thải nước chưa qua xử lý xuống lòng sông. Trong đó có Cty CP XNK nhựa Lâm Phúc do ông Nguyễn Văn Tuấn thuê lại để SX.
Ông Nguyễn Đình Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Bì cho biết, hiện nước tưới tiêu cho cây lúa bị ô nhiễm. Toàn xã có hơn 400 ha lúa đang thời kỳ cần nước, rất may từ hôm qua nước đã bớt đen và trong hơn nên hàng trăm ha lúa của xã may mắn “thoát” chết.
Không chỉ riêng diện tích lúa của xã Cổ Bì mà hàng trăm ha lúa tại các xã Tân Hồng, Hồng Khê, Thái Học,… cũng may mắn “thoát” chết. Theo ông Trần Văn Chuyên, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Bình Giang, để giải cứu cho nhiều diện tích lúa, huyện đã bơm liên tục nhiều ngày nguồn nước bẩn ra ngoài sông to, sau đó thay nước nước sạch vào các sông nhánh để người dân lấy nước vào ruộng. Sau nhiều ngày, nước bẩn được đào thải ra ngoài sông cái Bắc Hưng Hải, nguồn nước tại các sông nhỏ để tưới tiêu cho cấy lúa đã tạm thời ổn định.
(Nguồn: Theo nongnghiep)