Hà Nội: Tỷ lệ nước thải qua xử lý sẽ tăng gấp đôi, sông Tô Lịch xanh trở lại?

07/05/2024 1051 lượt xem quantri

Thời gian tới khi Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá vận hành, tỷ lệ nước thải đô thị ở Hà Nội được xử lý sẽ tăng từ 28,8% lên khoảng 50%, nước thải đổ ra sông Tô Lịch sẽ được “làm sạch.”

 

Các hạng mục xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đã cơ bản hoàn thành. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Các hạng mục xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đã cơ bản hoàn thành. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Sau một thời gian nỗ lực thi công, Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (gói thầu 1) và Hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch cùng cống chính (gói thầu 2) của Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá đã cơ bản đã hoàn thành. Các hạng mục chính của dự án này dự kiến sẽ được đưa vào vận hành thử trong quý II năm 2024 và vận hành chính thức ngay trong năm nay.

Theo giới chuyên môn, việc nước thải sinh hoạt được thu gom đưa về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá xử lý sẽ nâng tổng công suất xử lý nước thải đô thị lên gần gấp đôi hiện nay, qua đó góp phần cải thiện môi trường cho các dòng sông đang ô nhiễm nghiêm trọng tại Thủ đô, đặc biệt là sông Tô Lịch.

Sắp vận hành thử dự án xử lý nước thải Yên Xá

Ngày 6/5, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Trương Quốc Bảo – đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội cho biết Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng xử lý nước thải Yên Xá là dự án trọng điểm của thành phố.

Dự án trên có tổng mức đầu tư hơn 16.293 tỷ đồng được khởi công từ năm 2019 và triển khai đồng loạt cả 4 gói thầu chính với nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt hiện đang đổ thải trực tiếp xuống các dòng sông chính của Hà Nội và một phần các khu đô thị mới của quận Hà Đông; từ đó góp phần cải thiện môi trường cho sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét.

Đến nay, gói thầu số 1 được coi là “trái tim” của dự án với hạng mục xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá do nhà thầu Công ty JFE-TSK (Nhật Bản) thực hiện đã cơ bản hoàn thành với khối lượng đạt khoảng 97%.

Hiện đơn vị thi công gói thầu số 1 trên đang hoàn thiện các hạng mục đường giao thông nội bộ và hoàn thiện trạm quan trắc, chạy thử nghiệm các thiết bị để làm cơ sở vận hành thử trong quý II/2024.

Các gói thầu còn lại có chức năng xây dựng các hệ thống cống thu gom để thu gom nước thải về nhà máy để xử lý. Tính đến nay, gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính do nhà thầu Công ty TEKKEN (Nhật Bản) thi công trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến 31/3/2025, đã đạt 93% và dự kiến sẽ “về đích” sớm hơn mục tiêu đã đề ra.

“Theo tiến độ chung, thời điểm hoàn thành là năm 2025, nhưng đến nay 2 gói thầu lớn nhất của dự án trên đã cơ bản hoàn thành. Hiện chúng tôi đang tổng hợp hồ sơ để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xin cấp phép xả thải để vận hành thử, sau đó sẽ xin phép tiến hành công tác vận hành nhà máy. Dự kiến trong năm nay, nhà máy sẽ vận hành chính thức,” ông Bảo nhấn mạnh.

Riêng các gói thầu số 3 và 4 hiện đang trong quá trình giải quyết các vướng mắc để tiếp tục triển khai thi công, đảm bảo đúng tiến độ của dự án đề ra.

Trong quá trình đi kiểm tra tiến độ dự án mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đã nhấn mạnh việc nước thải sinh được thu gom, xử lý sẽ cải thiện môi trường cho các con sông quan trọng của Thủ đô như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và các dòng sông này sẽ từng bước xanh, sạch hơn.

vnp_xy ly nuoc thai 1.jpg
Hệ thống cống gom nước thải ở xung quanh sông Tô Lịch về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đã hoàn thành với chiều dài 21km, trong đó có hơn 11km đi ngầm dưới lòng sông từ đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) đến cầu Quang (huyện Thanh Trì). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Do vậy, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan bám sát các yêu cầu, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ, bảo đảm hiệu quả, chất lượng; dứt khoát đưa dự án vào vận hành thử và vận hành chính thức theo kế hoạch.

Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý sẽ tăng gấp đôi

Ông Trương Quốc Bảo – Trưởng Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng xử lý nước thải Yên Xá nhấn mạnh để đảm bảo đạt mục tiêu vận hành 2 gói thầu chính của dự án trên, hiện chủ đầu tư và nhà thầu thi công đang nỗ lực hoàn thành các hạng mục công trình đấu nối.

“Chúng tôi phấn đấu trong năm 2024 sẽ thu gom toàn bộ nguồn nước thải hiện đang đổ xuống sông Tô Lịch về nhà máy để xử lý,” ông Bảo nói.

Cũng theo ông Bảo, Dự án xử lý nước thải Yên Xá có phạm vi thu gom nước thải sinh hoạt rất lớn với tổng công suất lên tới 270.000 m3/ngày đêm. Do vậy, ban quản lý dự án đã có báo cáo lên thành phố sau khi hoàn thành công tác chạy vận hành thử, nhà máy sẽ chuyển ngay sang vận hành chính thức để đảm bảo nước thải được thu gom, xử lý liên tục trước khi đổ lại sông.

Đại diện ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội cũng chia sẻ sự lạc quan khi dự án vận hành chính thức, 150 điểm xả nước thải sinh hoạt chính ở ven sông Tô Lịch thay vì đổ thẳng xuống sông sẽ được thu gom về nhà máy để “làm sạch.”

“Nước thải sau khi được xử lý, đảm bảo quy chuẩn sẽ được đổ trở lại sông Tô Lịch, sông Nhuệ. Như vậy theo thời gian, sông Tô Lịch cũng sẽ trong xanh và sạch hơn như mong mỏi của người dân Thủ đô,” ông Bảo nhấn mạnh thêm.

vnp_xy ly nuoc thai.jpg
Thời gian tới khi Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá đi vào vận hành chính thức, nguồn nước đổ xuống sông Tô Lịch sẽ được xử lý, làm sạch. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chia sẻ với người viết, đại diện Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn khu vực đô thị ở Hà Nội hiện mới đạt 28,8% (tức 276.300 m3/ngày đêm).

Thời gian tới khi Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (có công suất gần bằng tổng công suất 276.300 m3/ngày đêm của cả 6 trạm/nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung trên địa bàn Hà Nội đã được đầu tư xây dựng, vận hành chính thức) hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ nâng tổng công suất xử lý nước thải đô thị lên 546.300 m3/ngày đêm, đạt khoảng 50%.

“Trường hợp nước thải ở xung quanh 3 lưu vực sông Tô Lịch, Sét, Lừ được thu gom triệt để, không xả trực tiếp ra sông như hiện nay thì môi trường quanh các dòng sông này sẽ được cải thiện rõ nét,” vị cán bộ trên chia sẻ.

Tuy nhiên vị cán bộ trên cũng lưu ý để “phục hồi” được các dòng “sông chết” ở trên địa bàn Hà Nội, điển hình như sông Tô Lịch thì cần có thêm các giải pháp đi kèm. Một trong những yêu cầu đó là khơi thông dòng chảy cho lưu vực sông và phải nạo vét bùn thải hiện nay.

Cùng quan điểm, ông Chong Jiun Yiat – Giám đốc điều hành Dự án xử lý nước thải Yên Xá (Công ty Tekken corporation) nhấn mạnh sau khi các gói thầu của dự án hoàn thành và Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào hoạt động, một lượng rất lớn nước thải sinh hoạt ở Hà Nội sẽ tiếp tục được “làm sạch.” Điều này đồng nghĩa với việc nguồn nước thải bẩn đổ xuống sông Tô Lịch như hiện nay sẽ được ngăn chặn và dòng sông này sẽ dần xanh trở lại.

“Có thời điểm, một số sông ở các thành phố lớn của Nhật Bản cũng có tình trạng tương tự như sông Tô Lịch bây giờ, nhưng nhờ việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải, các dòng sông đã dần trở nên sạch hơn và giờ đây có thể nhìn thấy cá bơi lội trong các dòng sông đó,” ông Chong Jiun Yiat nói./.

(Nguồn: Vietnamplus.vn)
07/05/2024 1051 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm