Hiện trên địa bàn tỉnh có 184 chợ; trong đó có 22 chợ hạng I, 37 chợ hạng II, 125 chợ hạng III. Tuy nhiên, do đầu tư thiếu đồng bộ nên hạ tầng của hầu hết các chợ thường xuống cấp nhanh, nhất là hệ thống rãnh, hố ga, thu gom nước mặt xung quanh chợ; hệ thống cống tiêu thoát nước không đảm bảo gây tù đọng nước thải, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh…
Mặc dù đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng nước thải sau xử lý của chợ Trung tâm Uông Bí vẫn có một số thông số vượt giới hạn cho phép. Ảnh: Thanh Hoa
16h ngày 16/6, khu vực hải sản tươi sống chợ Hạ Long I lẹp nhẹp nước. Hàng hóa được các tiểu thương đặt ngay sát rãnh thoát nước. Nước thải tại khu vực này không được thu gom, xử lý mà xả trực tiếp ra biển. Ông Phạm Trâm, trú tại tổ 53, khu 4, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long, cho biết: “Khu vực đường bao biển phía sau chợ Hạ Long I bốc lên mùi hôi tanh rất khó chịu. Nước biển giáp chợ luôn có màu đen ngòm, lan ra cả khu vực xung quanh”.
Tại Trung tâm thương mại Vườn Đào (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long), khu vực hải sản tươi sống cũng trong tình trạng tương tự, nhơm nhớp nước bẩn, mùi hôi tanh nồng nặc. Những rãnh thoát nước rộng khoảng 10cm luôn đen ngòm, bốc mùi, nước thải tù úng. Chị Tống Huyền Trang, khách du lịch đến từ TP Hải Phòng, chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi cùng gia đình đến du lịch Hạ Long. Hôm nay chúng tôi kết thúc hành trình và quyết định mua hải sản về làm quà. Tuy nhiên, khi bước vào khu bán hải sản của Trung tâm thương mại Vườn Đào, mọi người đều rất ái ngại. Nước thải đen ngòm, tù úng; người dân làm cá ngay cạnh rãnh thoát nước, chất thải đổ cả xuống rãnh. Lối đi lúc nào cũng ướt nhẹp, nhơm nhớp…”.
Khu ngành hàng hải sản tại Trung tâm thương mại Vườn Đào (TP Hạ Long) luôn trong tình trạng ướt nhẹp, nhớp nháp, nước thải tù úng. Ảnh: Thanh Hoa
Tìm hiểu được biết, việc thoát nước thải tại các chợ hiện chưa có tiêu chuẩn, quy định riêng mà được áp dụng theo các tiêu chuẩn, quy định hiện hành về thoát nước thải sinh hoạt. Đối với các chợ mới được đầu tư đã quan tâm đến hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, mới chủ yếu xử lý bằng công nghệ đơn giản qua bể lắng lọc, vi sinh. Còn các chợ được đầu tư cách đây nhiều năm thì thiếu các công trình xử lý nước thải, các hạng mục đều xuống cấp, quá tải; hệ thống hạ tầng kỹ thuật thoát nước còn nhiều bất cập.
Đơn cử như chợ Trung tâm Uông Bí (TP Uông Bí) được xây dựng từ năm 1990, quy mô được mở rộng liên tục để đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Đến năm 2014, chợ mới được đầu tư hệ thống xử lý nước thải với công suất 500m3/ngày đêm. Tuy nhiên, theo kết quả quan trắc môi trường cuối năm 2017, nước thải từ chợ sau xử lý vẫn có một số thông số vượt giới hạn cho phép, như Amoni vượt 2,3 lần, coliform vượt 1,2 lần.
Trước đó, năm 2016, trong một cuộc kiểm tra tại 14 chợ trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành lấy mẫu nước thải tại chợ Minh Thành (TX Quảng Yên), chợ Trung tâm Hải Hà 2 (huyện Hải Hà), chợ Rừng (TX Quảng Yên), chợ Cái Dăm (TP Hạ Long). Theo kết quả phân tích, 3/4 chợ được lấy mẫu nước thải có kết quả một số thông số vượt QCVN 14:2008/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt) từ 1 đến 16 lần
Rác thải chất đống sau chợ Hạ Long I (TP Hạ Long). Ảnh: Hoàng Quỳnh
Theo ông Phạm Quang Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, để nâng cao hiệu quả xử lý nước thải tại các chợ, đối với các chợ nằm trong khu vực đô thị đã có hệ thống thu gom và xử lý nước thải chung, cần hoàn thiện việc đấu nối đưa về trạm xử lý. Đối với các chợ chưa có thì các đơn vị kinh doanh, quản lý chợ cần sớm xây dựng công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn hiện hành trước khi thải vào nguồn tiếp nhận. Cùng với đó là đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của các tiểu thương kinh doanh tại chợ...
Trần Thanh – Dương Hà (baoquangninh.com.vn)