Giải pháp xử lý nước thải phi tập trung

18/07/2023 306 lượt xem quantri
Nhằm tăng cường hiệu quả quản lý thoát nước và xử lý nước thải tại đô thị, khu công nghiệp và khu dân cư tập trung nông thôn cũng như sử dụng nguồn tài nguyên nước bền vững, Bộ Xây dựng đang xây dựng Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải.
Lựa chọn công nghệ phù hợp

Hiện nay, rất khó để các khu xử lý nước thải tập trung có thể vươn đến các vùng ven đô, khu dân cư mới, các làng nghề. Để giải quyết tình trạng này, mô hình xử lý nước thải phi tập trung sẽ là giải pháp tối ưu nhất. Dự thảo Thông tư quy định, mô hình xử lý nước thải phi tập trung được áp dụng đối với các hộ thoát nước đáp ứng các yêu cầu, quy định về xử lý nước thải phi tập trung và có quy mô công suất nhỏ hơn 1.000m3/ngđ. Đối với mô hình xử lý tại chỗ sẽ áp dụng đối với hộ thoát nước riêng lẻ có tổng lượng nước thải cần xử lý không lớn hơn 50m3/ngđ. Ở các cụm dân cư sẽ áp dụng đối với một hoặc nhiều hộ thoát nước liền kề có tổng lượng nước thải cần xử lý từ trên 50 – 200m3/ngđ. Ngoài ra, mô hình xử lý theo khu vực sẽ áp dụng đối với khu vực có nhiều hộ thoát nước nằm trong một địa giới hành chính nhất định với tổng lượng nước thải cần xử lý từ trên 200 – 1.000m3/ngđ.

Việc lựa chọn công nghệ xử lý nước thải phi tập trung tuân thủ theo các quy định cụ thể như quy mô công suất xử lý nước thải, thành phần, tính chất nước thải phát sinh, mức độ ô nhiễm, khả năng chịu tải nguồn tiếp nhận, vị trí xả nước thải sau xử lý từ vị trí phát sinh nước thải. Ngoài ra, công nghệ xử lý nước thải phi tập trung phù hợp điều kiện khí hậu, địa hình, địa chất thủy văn, khả năng chịu tải của nguồn tiếp nhận. Công nghệ xử lý nước thải phi tập trung phải có khả năng mở rộng, nâng công suất và khả năng kết nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung trong tương lai.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết: Quản lý nước thải phi tập trung sẽ đưa ra các giải pháp cho vấn đề vệ sinh tại các khu vực chưa được đấu nối với các trạm xử lý nước thải tập trung, hoặc tại các khu vực không được phép đấu nối với các trạm xử lý nước thải tập trung. Ưu điểm của quản lý nước thải phi tập trung là chi phí đầu tư thấp do quy mô trạm xử lý nhỏ và khoảng cách vận chuyển nước thải từ nguồn ô nhiễm đến trạm xử lý ngắn; có nhiều công nghệ xử lý khác nhau và có thể lựa chọn phương án phù hợp nhất với điều kiện địa phương. Không những thế, giải pháp xử lý nước thải phi tập trung còn là giải pháp phù hợp nhất cho mục đích đào tạo, nghiên cứu và làm cơ sở để đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải quy mô lớn trong tương lai.

Đảm bảo chất lượng bùn thải sau xử lý

Hiện nay, trong quá trình xử lý nước thải, bùn thải với mức độ độc hại của nó đang còn bỏ ngỏ trên diện rộng. Vì vậy Dự thảo Thông tư cũng quy định cụ thể vấn đề xử lý bùn thải trong các nhà máy xử lý nước thải có khu xử lý bùn thải trong phạm vi nhà máy. Mô hình xử lý phân tán theo cụm áp dụng cho các khu vực có nhiều nhà máy xử lý nước thải trong đó có một nhà máy có khu xử lý bùn thải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mô hình xử lý tập trung áp dụng cho toàn bộ khu vực có khả năng tiếp nhận toàn bộ lượng bùn thải từ hệ thống thoát nước của cả khu vực đó.

Ngoài ra, việc xử lý bùn thải trong hệ thống thoát nước phải xử lý theo các quy trình cơ bản sau: Tách nước sơ bộ, ổn định bùn thải, khử các chất hữu cơ dễ gây thối rữa; Xử lý sơ bộ bùn thải, tăng cường khả năng nhả nước của bùn thải; Làm khô bùn thải; Vận chuyển bùn thải, khử độc bùn thải; Sử dụng lại bùn thải, thu hồi các chất quý, năng lượng; Xử lý nước bùn thải đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra nguồn tiếp nhận.

Trước khi tái sử dụng bùn thải đã qua xử lý, thì chất lượng bùn thải phải đảm bảo đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan. Các địa điểm sử dụng bùn thải phải đảm bảo các quy định. Trong đó, yếu tố về địa hình sử dụng bùn thải phải thuận lợi, hạn chế sử dụng bùn thải ở nơi có độ dốc, địa hình cao, khu vực bị xói lở và phải có biện pháp chống xói lở phù hợp. Loại đất thích hợp sử dụng bùn thải như đất sét, đất có tính thẩm thấu kém hoặc vừa phải, đất trung tính hay có tính kiềm, đất có khả năng thoát nước tốt. Khi sử dụng bùn thải đã qua xử lý phải tránh để bùn thải làm ô nhiễm nước ngầm. Đảm bảo khoảng cách ly an toàn về môi trường đối với các công trình dân dụng, nhà ở, công trình thu nước, cấp nước sinh hoạt, hệ thống tưới tiêu nông nghiệp theo quy định.

Theo Báo Xây dựng điện tử
18/07/2023 306 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm