Điện Biên: Nhiều công trình nước sạch đầu tư cao hiệu quả thấp

02/08/2023 353 lượt xem quantri

Bà Trần Thị Nụ, ở đội 4, xã Noong Luống (huyện Điện Biên) nói: “Nhà nước bỏ gần bảy tỷ đồng xây dựng công trình nước sạch tập trung ở xã Noong Luống, nhưng mới chỉ sử dụng được một thời gian ngắn đã hỏng. Lãng phí quá”. Tổ trưởng bảo vệ công trình nước sạch xã Noong Luống Bùi Văn Đường cho biết: Người dân trong xã vui chưa được bao lâu, thì hệ thống lọc nước hỏng, làm tê liệt cả công trình. Trước đó, đơn vị thi công lắp đặt công-tơ, bố trí hố ga, van nước dẫn về các thôn, bản không phù hợp, gây bất tiện khi điều tiết nước”. Theo ông Bùi Văn Đường, công trình này gồm có đập đầu mối, bể lắng, hệ thống lọc đứng, bể chứa và hàng trăm mét ống dẫn nước… hiện tại ngừng hoạt động, khiến cho hơn 400 hộ dân và sáu cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn xã thiếu nước sạch sinh hoạt. Không biết bao giờ xã Noong Luống mới hoàn thành được tiêu chí về nước sạch sinh hoạt trong xây dựng nông thôn mới?

Công trình nước sạch tại xã Noong Luống, huyện Điện Biên bị hư hỏng nặng.

Xã Tà Lèng (TP Điện Biên Phủ) cũng tương tự. Công trình nước sạch có vốn đầu tư hơn bốn tỷ đồng, đưa vào sử dụng từ năm 2014, với đường ống dẫn nước dài hơn 5km, kéo từ suối Nà Nghè về trung tâm xã, đến bản Tà Lèng và bản Kê Nênh. Theo phản ánh của người dân, chất lượng nước của công trình này không bảo đảm, rất đục, thường lắng cặn, đến nay đã xuống cấp. Tìm hiểu tại xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông) chúng tôi được biết, xã có tám trong số 16 công trình nước sạch bị hư hỏng; một số công trình có đập đầu nguồn luôn bị thiếu nước do thiết kế sai vị trí; một số công trình khác thiếu bê-tông như: công trình nước sạch ở bản Huổi Tao A, B, bản Nậm Ngám C, công trình nước sạch bản Háng Trợ 3, bản Háng Giống, bản Pú Nhi B. Chị Hờ Thị Nán, ở bản Nậm Ngám C, xã Pú Nhi cho biết: “Bản Nậm Ngám C có hai trong số bốn bể chứa nước bị hỏng. Nhiều hộ dân phải lấy nước từ khe núi để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày cho nên không bảo đảm chất lượng. Với thực tế nêu trên, mùa hè năm 2017, các hộ dân ở đây sẽ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Người dân ở các bản rất mong các cơ quan chức năng của huyện Điện Biên Đông và tỉnh Điện Biên sớm có phương án sửa chữa các công trình nước sạch, để người dân ổn định cuộc sống.

Nguyên nhân nhiều công trình nước sạch ở tỉnh Điện Biên bị xuống cấp là do sử dụng đã lâu mà không được bảo dưỡng, sửa chữa do không có kinh phí; một số công trình không phát huy hiệu quả là do người dân tùy tiện đục phá đường ống để “câu trộm” nước sử dụng. Tại nhiều công trình, do ảnh hưởng mưa lũ, ống nước bị bục vỡ, hư hỏng, bể lọc, bể chứa rò rỉ nước. Mặt khác, hầu hết các công trình nước sạch của tỉnh đều chưa có đơn vị nào ban hành quy chế vận hành sau đầu tư; có công trình mới chỉ giao cho một nhóm người không có chuyên môn quản lý. Đây chính là điểm yếu về công tác quản lý nhà nước đối với các công trình nước sạch sau đầu tư ở Điện Biên, dẫn tới tình trạng công tác duy tu, bảo dưỡng gần như không được quan tâm, chú trọng, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới. Những yếu kém, hạn chế đó không chỉ làm cản trở tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường ở tỉnh Điện Biên, mà còn gây bức xúc trong nhân dân.

Cung cấp đủ nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho các cụm dân cư, trường học, trạm y tế, công sở, các khu dịch vụ công cộng là một trong nhiều mục tiêu quốc gia khi xây dựng nông thôn mới phải thực hiện. Các ngành chức năng của tỉnh Điện Biên cần sớm rà soát, đánh giá đúng thực trạng các công trình cấp nước sạch sinh hoạt phục vụ người dân, nhất là ở các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Từ đó, nghiên cứu xây dựng điểm các tổ chức quản lý, với đội ngũ vận hành công trình có trình độ tay nghề, có kỹ năng sửa chữa, bảo dưỡng.

(Nguồn: Theo Nhandan)

02/08/2023 353 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm