Trong tương lai, tình trạng ô nhiễm môi trường do túi nilon gây ra có thể được giải quyết khi các nhà khoa học đang thử nghiệm phương pháp mới nhằm biến đổi rác thải nilon thành dầu đốt.
Một bãi rác tràn ngập rác thải nhựa (ảnh: Reuters)
Mới đây, các nhà khoa học đến từ Đại học California (Mỹ) và Viện Hóa học hữu cơ Thượng Hải (Trung Quốc) đã hợp tác để cùng nghiên cứu và phát triển công nghệ tái chế rác thải nilon thành dầu đốt. Phương pháp này, được nhóm nghiên cứu mô tả là “một công nghệ hiệu quả và có chọn lọc các hợp chất nhựa dẻo polyethylene (PE) có trong nilon thành nguyên liệu lỏng”, đã được đăng tải trên tạp chí khoa học có uy tín Science Advances.
Các nhà khoa học cho rằng, phuơng pháp sử dụng nhiệt năng lớn hoặc tia tử ngoại đang được sử dụng hiện nay để biến đổi nhựa hóa học thành dầu đốt đem lại hiệu suất năng lượng thấp, đồng thời chất lượng sản phẩm đầu ra không được kiểm soát.
Do vậy, nhóm nghiên cứu đã phát triển phương pháp mới có tên “hoán đổi alkan” (CAM). Theo đó, các phân tử nhựa hóa học sẽ bị phá hủy mà không cần phải xử lý từ trước. Quá trình này bao gồm sử dụng hai chất xúc tác để tạo ra phản ứng hóa học cơ bản, giúp chia tách các hợp chất cấu tạo nên nhựa tổng hợp như túi nilon hoặc chai nhựa.
“Sau nhiều chu kỳ CAM với alkan nồng độ nhẹ, PE sẽ được biến đổi hoàn toàn thành các hydrocarbon ngắn thích hợp với dầu vận chuyển,” các nhà khoa học cho biết.
Nghiên cứu cũng cho thấy, các chất xúc tác tương ứng với nhiều loại chất phụ gia khác. Điều này có nghĩa, một số sản phẩm làm từ nhựa tổng hợp khó phân hủy có thể được chuyển đổi thành năng lượng đốt hoặc nguyên liệu hóa học.
Một khi được triển khai, CAM được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do nilon phế thải gây ra trên toàn cầu. Theo thống kê của Earth Policy, vào năm 1950, tức 17 năm sau khi nhựa tổng hợp được điều chế lần đầu tiên, khối lượng túi nilon được sản xuất trên toàn thế giới là 2 triệu tấn. Hiện tại, con số trên đã tăng theo cấp số nhân, ước tính đạt 150 triệu tấn trong năm nay.