ĐÀO TẠO CÁN BỘ KHOA HỌC KỸ THUẬT VỀ CẤP THOÁT NƯỚC –MÔI TRƯỜNG NƯỚC
TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC XÂY DỰNG
GS.TSKH.NGUT Trần Hữu Uyển (1) GS.TS.NGND Trần Hiếu Nhuệ (2),PGS.TS, NGUT Trần Đức Hạ(3).
(1). Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Cấp thoát nước (năm 1982-1987). (2). Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Cấp thoát nước (năm 1987-1998), (13).Nguyên Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước (199-2014).
- Sự hình thành bộ môn Cấp thoát nước (CTN)
Sau khi hoà bình lập lại, Đảng và Chính phủ rất chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật phục vụ cho sự nghiệp xây dựng Đất nước. Năm 1956, trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBK) đã cử một số sinh viên khoá 1 sang Liên Xô đào tạo đại học để làm lực lượng cán bộ giảng dạy cho trường, trong đó có chuyên ngành CTN. Năm 1961, một nhóm các chuyên gia Liên Xô như các ông Nadưxep, Septrenco,… được cử đến Hà Nội trực tiếp hướng dẫn đồ án tốt nghiệp về cấp nước thoát nước cho các sinh viên lớp đô thị khoa Xây dựng. Các GS.TSKH Trần Hữu Uyển, KS Vũ Hải, KS Nguyễn Văn Tầm,… là những người đầu tiên làm đồ án tốt nghiệp về cấp nước, xử lý nước cấp, thoát nước mưa, thoát nước và xử lý nước thải đô thị. Sau đó các thầy Vũ Hải, Trần Hữu Uyển được giữ lại làm cán bộ giảng dạy cùng với các thầy Hoàng Huy Thắng, Trương Quang Thao,… trong nhóm CTN thuộc bộ môn Kiến trúc. Năm 1962, thầy Lê Bá Phong, tốt nghiệp đại học CTN trường ĐHXD Matscova về trường ĐHBK Hà Nội để làm cán bộ giảng dạy. Năm 1963, thầy Ngô Văn Sức, kỹ sư đô thị khoá 3, từ công trường xây dựng trường Đại học Bách khoa và thầy Trần Đình Cương kỹ sư xây dựng khóa 4 chuyên ngành CTN, cũng được giữ lại bộ môn Kiến trúc để giảng dạy CTN. Như vậy, từ đầu năm 1962 bắt đầu hình thành nhóm CBGD các môn học cấp nước và thoát nước trong bộ môn Kiến trúc thuộc khoa Xây dựng trường ĐHBK Hà Nội. Từ năm 1963 đến 1964 hai thầy Ngô Văn Sức và Trần Hữu Uyển được cử sang đi thực tập sinh về xử lý nước cấp và nước thải tại trường Đại học Đồng Tế và trường Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc). Những năm sau đó các thầy Lê Hoàng, Trần Vân Hải, Trần Hiếu Nhuệ, Lâm Minh Triết, Trần Cát, Đoàn Trinh… từ Liên Xô và Nguyễn Mạnh Hải, tốt nghiệp khóa 7 ngành đô thị ĐHBK về tham gia vào đội ngũ CBGD CTN cho trường ĐHBK Hà Nội.
Hình 1. Các thầy Ngô Văn Sức, Trần Hữu Uyển trong phòng thí nghiệm trường Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), năm 1964.
Từ năm 1965, Đất nước trong tình trạng chiến tranh. Trường ĐHBK phải sơ tán lên các tỉnh miền núi Lạng Sơn, Hà Bắc… Tuy nhiên Đảng và Nhà nước vẫn chú trọng phát triển các trường đại học, chuẩn bị lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật xây dựng đất nước. Ngày 8 tháng 8 năm 1966, Chính phủ ra quyết định số 144/CP thành lập trường ĐHXD. Sau đó các khoa và các bộ môn được hình thành. Ngày 4 tháng 1 năm 1967, Bộ môn CTN được hình thành trong khoa Xây dựng trường ĐHXD trên cơ sở tách các CBGD về CTN từ bộ môn Quy hoạch đô thị, khoa Kiến trúc ra. Thầy Ngô Văn Sức được cử làm tổ trưởng đầu tiên của Bộ môn.
Hình 2. Bộ môn CTN năm 2006
Đến năm 2016, trường Đại học Xây dựng đánh dấu mốc 55 năm đào tạo ngành Cấp thoát nước – Môi trường nước và 50 năm thành lập bộ môn giảng dạy đại học đầu tiên của ngành này là Bộ môn CTN, Khoa học và Kỹ thuật môi trường, trường ĐHXD.
- Hoạt động đào tạo kỹ sư CTN – Môi trường nước tại trường ĐHXD
Từ năm 1961, khi các sinh viên xây dựng làm đồ án tốt nghiệp đầu tiên về nội dung cấp nước và thoát nước tại trường đại học Bách khoa Hà Nội đã được 50 năm. Kể từ đó đến nay có một loạt trường đại học đào tạo kỹ sư CTN như: trường ĐHXD, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, trường Đại học Thủy lợi, trường Đại học Thủy lợi khu vực phía Nam, trường Đại học Tôn Đức Thắng, trường Đại học dân lập Phương Đông, trường Đại học dân lập Hải Phòng, trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh /3/. Số lượng kỹ sư CTN được đào tạo từ các trường đại học trong nước ước tính khoảng 6300 người. Ngoài ra các trường cao đẳng như cao đẳng Xây dựng số 1, cao đẳng Xây dựng số 2, cao đẳng Xây dựng số 3, cao đẳng Xây dựng Miền Tây, cao đẳng Xây dựng công trình đô thị,… đều có đào tạo cán bộ kỹ thuật về cấp nước và thoát nước.
Tại trường ĐHXD, các hệ đào tạo kỹ sư CTN – Môi trường nước là đại học chính quy (chính thức từ năm 1966), vừa làm vừa học (trước đây gọi là đào tạo tại chức, từ năm 1968). Từ năm 2011, lớp đại học CTN liên thông từ cao đẳng cũng bắt đầu được tuyển sinh.
Quá trình phát triển đào tạo kỹ sư CTN của trường ĐHXD theo 3 giai đoạn như sau:
– Giai đoạn 1961-1975: Trong bối cảnh Đất nước vừa xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, nội dung cấp nước và thoát nước đô thị và công nghiệp đã được đưa vào chương trình giảng dạy cho các ngành xây dựng, ngành kiến trúc và quy hoạch đô thị và những lứa kỹ sư xây dựng chuyên ngành CTN các hệ dài hạn và hệ tại chức đầu tiên được đào tạo. Đây cũng là giai đoạn hình thành bộ môn CTN và hoàn thiện đội ngũ cán bộ giảng dạy đồng bộ cho các môn học cơ sở và chuyên ngành.
– Giai đoạn 1976-1982: Sau giải phóng miền Nam, nhu cầu phát triển cán bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng Đất nước ngày càng tăng. Khoa Vật liệu xây dựng và Kỹ thuật vệ sinh với các ngành đào tạo là CTN, Thông gió cấp nhiệt và Vật liệu xây dựng được thành lập. Mặc dù trường ĐHXD còn đóng tại Hương Canh (Vĩnh Phú), nhưng số lượng và chất lượng đào tạo vẫn không ngừng tăng lên.
– Giai đoạn từ năm 1982 đến nay: Đây là thời kỳ đổi mới với quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Song song với sự phát triển kinh tế xã hội là sức ép đối với môi trường và hạ tầng đô thị ngày càng gia tăng. Nhu cầu nguồn nhân lực cho lĩnh vực cấp nước, vệ sinh môi trường và quản lý tài nguyên nước rất lớn. Trường ĐHXD đã phát triển đồng bộ các cấp đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư với các hình thức chính quy, bằng hai, vừa làm vừa học và liên thông đại học cho cả 3 khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Ngoài các lớp đại học và sau đại học tại Hà Nội, các lớp kỹ sư bằng hai, kỹ sư vừa làm vừa học cũng được mở ra tại các thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, thành Hạ Long, Việt Trì, Đà Nẳng, Cao Lãnh và Hội An.
Tính đến năm 2011, có 3085 kỹ sư CTN – môi trường nước đã được đào tạo tại trường ĐHXD.
Hình 3. Số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành CTN tại trường ĐHXD qua các giai đoạn.
Theo chuẩn đầu ra của trường ĐHXD /2/, kỹ sư ngành CTN là có thể làm việc tại các công ty tư vấn hoặc xây lắp các công trình xây dựng, công trình CTN và kỹ thuật môi trường khác; quản lý và vận hành các hệ thống cấp nước, thoát nước, các nhà máy xử lý nước cấp và nước thải cho các đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư hoặc các nhà máy xí nghiệp; chuyên viên tại các cơ quan quản lý môi trường hoặc quản lý xây dựng tại địa phương hoặc trung ương; hoặc làm việc tại các cơ quan nghiên cứu, đào tạo về môi trường hoặc xây dựng.
Hình 4. Những địa điểm trường ĐHXD đào tạo kỹ sư CTN
Do nhu cầu của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, từ năm 2001 trường ĐHXD đã phối hợp với Hội CTN Việt Nam mở lớp đại học CTN – Môi trường nước hệ vừa làm vừa học với số lượng 95 sinh viên tại thành phố Cao Lãnh cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, lớp kỹ sư bằng hai ngành CTN cho Tổng công ty cấp nước Sài gòn và các đơn vị khác trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Trong năm 2011, trường ĐHXD cũng đã bắt đầu tuyển sinh các lớp đại học liên thông về CTN với nguồn tuyển từ sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng xây dựng trong cả nước. Do nhu cầu hội nhập quốc tế và nâng cao chất lượng đào tạo, năm học 2011-2012 nhà trường cũng đã bắt đầu mở lớp đại học CTN giảng dạy bằng tiếng Anh.
Trong học tập, nhiều sinh viên ngành CTN đã phấn đấu tốt, đạt nhiều giải cao về NCKH của Bộ Giáo dục và Đào tạo và giải thưởng đồ án tốt nghiệp xuất sắc (giải Loa Thành). Trong các năm 2003, 2004, 2006, 2008 và 2009, 5 học sinh tốt nghiệp ngành CTN là thủ khoa của trường ĐHXD, được tôn vinh tại Văn miếu – Quốc Tử Giám.
Để đảm bảo chất lượng đào tạo, phương pháp và phương tiện giảng dạy luôn luôn được cải tiến. Bộ môn liên tục cập nhật thông tin, đổi mới nội dung và chương trình đào tạo đại học và cao học. Phòng thí nghiệm CTN đảm bảo giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong các nội dung về cấp nước, thoát nước và xử lý nước. Phòng thí nghiệm cũng là nơi mà các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên thực hiện các nghiên cứu chuyên đề cho các luận án, luận văn hoặc đồ án tốt nghiệp của mình. Hệ thống các phương tiện giảng dạy như máy chiếu đa diện, bảng viết photo,… cũng đã được trang bị để giảng dạy. Các giáo trình và tài liệu như: Cấp nước, Thoát nước, Thoát nước và xử lý nước thải công nghiệp, Xử lý nước thải sinh hoạt, Xử lý nước thải đô thị, Máy bơm và thiết bị CTN, Công trình thu và trạm bơm, CTN cho các ngành, Quản lý chất thải rắn, Sinh thái học và Bảo vệ môi trường, Cơ sở hoá học quá trình xử lý nước cấp và nước thải, Các quá trình vi sinh vật trong công trình CTN, Cấp nước và vệ sinh nông thôn… và các tài liệu tham khảo, sổ tay tính toán khác… cũng đã được biên soạn và xuất bản để phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Từ năm 1988, bộ môn CTN cũng đã bắt đầu đào tạo nghiên cứu sinh. Năm 1992 bắt đầu đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Công nghệ môi trường và năm 2007 đào tạo thạc sĩ chuyên ngành CTN. Năm 2011, lớp cao học CTN của trường ĐHXD cũng được tuyển sinh tại trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai). Hiện nay đã có 11 tiến sĩ và 203 thạc sĩ chuyên ngành CTN – Công nghệ môi trường nước bảo vệ luận án và luận văn tại trường. Số lượng thạc sĩ và tiến sĩ CTN – môi trường nước theo các năm được nêu trên Hình 5.
Hình 5. Số lượng tiến sĩ và thạc sĩ CTN – môi trường nước đã bảo vệ
Trường ĐHXD cũng là nguồn cung cấp và đào tạo cán bộ giảng dạy về CTN – môi trường nước cho nhiều trường đại học trên toàn quốc như trường đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, trường Đại học Thủy Lợi, trường Đại học Giao thông vận tải, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, trường Đại học Duy Tân,…Từ một nhóm kỹ sư xây dựng chuyên ngành Quy hoạch và CTN đầu tiên (năm 1962) đến nay đã có đông đủ một đội ngũ tiến sĩ, thạc sĩ và kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực CTN – môi trường nước, trong đó chủ yếu là đào tạo tại trường ĐHXD.
Hầu hết các sinh viên tốt nghiệp từ trường ĐHXD đều làm việc đúng trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Theo số liệu khảo sát năm 2008 của Bộ môn CTN, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm chuyên môn phù hợp là 90%. Nhiều cựu sinh viên ngành CTN nắm giữ các trọng trách lớn của nhà nước và địa phương như Bộ trưởng, Phó chủ tịch UBND thành phố, Giám đốc sở,…các giám đốc doanh nghiệp hoặc các phó giáo sư, tiến sĩ,… trong các trường đại học, các viện nghiên cứu. Mạng lưới cựu sinh viên đã trở thành cầu nối cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Bộ môn với môi trường bên ngoài.
- Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
Hoạt động khoa học và chuyển giao công nghệ là mũi nhọn truyền thống của các thầy cô giáo bộ môn CTN. Các cán bộ của Bộ môn trưởng thành nhiều trong giai đoạn này và trở thành những chuyên gia lớn trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý ô nhiễm môi trường.
Từ những năm 1970 và 1980, các đề tài nghiên cứu khoa học nổi bật là Xử lý nước thải xí nghiệp đậu phụ Đội Cấn, Đánh giá hiện trạng hệ thống thoát nước Hà Nội, Nghiên cứu xử lý nước thải Hà Nội bằng hồ sinh học, Nghiên cứu khử sắt và mangan trong nước ngầm Hà Nội…. đã được bắt đầu triển khai. Các cán bộ giảng dạy của bộ môn tham gia vào các chương trình khoa học nhà nước về môi trường như chương trình Sinh thái học phục vụ nông lâm ngư nghiệp (1978-1980), Bảo vệ môi trường KT-02 (1981-1985), 52D (1986-1990),…Thông qua việc đưa học sinh các khoá 18, 19 và 20 CTN xây dựng các tuyến cống thoát nước cho Hà Nội cũng như tư vấn đóng góp trong việc giải quyết thoát nước Hà Nội nên năm 1979 Bộ môn được UBND thành phố tặng bằng khen.
Hình 6. Hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học tại bộ môn Cấp thoát nước
Đến nay, trong bộ môn đã hình thành nên những hướng khoa học mũi nhọn như xử lý nước thải đô thị và công nghiệp, thoát nước mưa đô thị, xử lý nước cấp chứa hàm lượng sắt, mangan cao, chứa các chất ô nhiễm đặc biệt như nitơ, phốt pho, quản lý và xử lý chất thải rắn, thoát nước và xử lý nước thải phân tán, quan trắc và dự báo ô nhiễm nước… Các công trình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nổi bật là các công trình xử lý nước thải đô thị quy mô nhỏ và vừa (xử lý nước thải khu du lịch Bãi Cháy, xử lý nước thải Viện Khoa học và công nghệ Việt nam, xử lý nước thải bệnh viện Hà Giang…), các công trình xử lý nước thải tại chỗ (các loại bể tự hoại có vách ngăn dòng hướng lên và ngăn lọc), các công trình xử lý nước rỉ bãi rác, xử lý nước thải công nghiệp (khu công nghiệp, công nghiệp bia và nước giải khát, công nghiệp dược…), các công trình xử lý nước cấp cho khu dân cư và trường học, xử lý nước mặn và nước lợ để cấp nước sinh hoạt cho vùng ven biển và hải đảo… Các giáo sư, phó giáo sư của Bộ môn CTN đã tham gia nhiều chương trình nghiên cứu khoa học lớn cũng như xây dựng các chính sách, chiến lược của Nhà nước về các lĩnh vực công nghệ và quản lý môi trường, CTN và vệ sinh môi trường… như: Chiến lược phát triển công nghệ môi trường (2004), Đề xuất đề cương xây dựng chiến lược ngành Vệ sinh môi trường Việt nam (2006). Hiện nay các cán bộ của bộ môn đang chủ trì 1 đề tài NCKH độc lập và 1 đề tài nghị định thư cấp nhà nước, 1 đề tài NCKH trong chương trình công nghiệp môi trường, 1 đề tài trọng điểm cấp bộ Giáo dục và Đào tạo và 3 đề tài NCKH bộ Xây dựng,.. .
Bộ môn đã có các hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo thông qua các dự án quốc tế như Dự án ESTNV do SDC tài trợ, các dự án Giảng dạy về vệ sinh chi phí thấp (LCST) và Biên soạn tài liệu giảng dạy cao học về xử lý nước thải chi phí thấp trong khuôn khổ liên kết đào tạo EU-Asia link, các dự án hợp tác nghiên cứu về môi trường với các trường đại học Nhật bản JSPS … để có những quan hệ chặt chẽ với các viện nghiên cứu và các trường đại học như Viện Nghiên cứu khoa học và công nghệ môi trường Liên bang Thuỵ sĩ EWAG, Viện Công nghệ châu Á AIT, trường Đại học Kumamoto, Đại học Tokyo, Đại học Kyoto… (Nhật Bản), trường đại học Gembloux (Bỉ), Đại học Leeds (Vương quốc Anh), Đại học Linkoeping (Thuỵ Điển)… Bộ môn đã có quan hệ chặt chẽ trong đào tạo với các trường đại học: Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Thuỷ lợi Hà Nội, Đại học dân lập Đông Đô, Đại học dân lập Hải Phòng, Đại học dân lập Phương Đông, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Viện Khoa học và Công nghệ môi trường trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Khoa học tự nhiên Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Môi trường và Tài nguyên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trường Cao đẳng Xây dựng số 1, trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị, trường Cao đẳng Xây dựng số 2, Viện Công nghệ môi trường Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam…, các công ty Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASE), Tổng công ty đầu tư xây dựng CTN và môi trường Việt nam (VIWASEEN), Hội CTN Việt nam, Mạng lưới cộng tác vì nước của Việt nam, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt nam…
Hình 7. Ông Paul Reiter, chủ tịch Hội Nước Thế giới gặp mặt Bộ môn CTN | Hình 8. Bộ môn CTN đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba năm 2001 |
Trải qua 50 năm hoạt động đào tạo và 45 năm thành lập, Bộ môn CTN hiện nay là một đơn vị mạnh trong trường ĐHXD và có uy tín lớn trong nước và ngoài nước về các hoạt động đào tạo và NCKH trong lĩnh vực nước và môi trường. Bộ môn CTN đã nhiều năm liền được tặng danh hiệu tổ Lao động XHCN, tổ Lao động xuất sắc và được Nhà Nước tặng thưởng Huân Chương Lao động hạng Ba năm 2001. Hai CBGD lão thành của Bộ môn là GS.TS Trần Hiếu Nhuệ và GS.TSKH Trần Hữu Uyển được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và Nhà giáo ưu tú.
Trong thời kỳ Hiện đại hoá và Công nghiệp hoá Đất nước cũng như Hội nhập quốc tế, nhiều thách thức đang đặt ra cho trường ĐHXD nói chung và Khoa Kỹ thuật môi trường nói riêng. Bộ môn CTN sẽ không ngừng xây dựng lực lượng cán bộ, đảm bảo tốt yêu cầu đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý ô nhiễm môi trường nước. Bộ môn sẽ tập trung vào những hướng khoa học lớn về cấp nước và vệ sinh môi trường để đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
- Kỷ yếu bộ môn Cấp thoát nước, trường Đại học Xây dựng, 2006
- Trường Đại học Xây dựng. Chuẩn đầu ra của kỹ sư trường Đại học Xây dựng, năm 2010.
- Những điều thí sinh cần biết. NXB Giáo dục, 2011