Công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt không sử dụng điện năng

17/06/2023 596 lượt xem quantri

Mới đây, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Alexandria ở Ai Cập đã công bố một công nghệ khử muối giúp lọc nước mặn một cách dễ dàng, đơn giản mà không cần phải dùng đến điện.

Công nghệ hoạt động này dựa trên các màng chứa bột cellulose acetate, được sản xuất tại Ai Cập. Kết hợp với các thành phần khác, bột cellulose acetate có khả năng giữ lại các hạt muối khi nước đi qua màng lọc.

“Loại màng lọc nước mới này có thể được thực hiện một cách dễ dàng trong bất kỳ phòng thí nghiệm nào. Với các nguyên liệu rẻ tiền, màng lọc nước là một lựa chọn tuyệt vời cho các nước đang phát triển”, Ahmed El-Shafei, một giáo sư về kỹ thuật nông nghiệp và hệ thống sinh học tại Đại học Alexandria và là tác giả của nói nghiên cứu nói.

Công nghệ này sử dụng một kỹ thuật gọi là pervaporation với hai bước đơn giản. Đầu tiên, nước mặn được lọc qua một lớp màng để loại bỏ các chất rắn, sau đó nước sẽ tiếp tục được đun nóng đến khi nó bay hơi và ngưng tụ thành nước sạch (nước ngọt).

Theo bài nghiên cứu được công bố trên tạp chí Water Science and Technology vào tháng trước, phương pháp này thậm chí còn có thể lọc được các chất gây ô nhiễm, bụi bẩn ở những vùng biển ô nhiễm nặng. Theo các nhà khoa học, đây là loại nước rất khó để làm sạch một cách nhanh chóng nếu sử dụng các phương pháp hiện có.

Thực chất, kỹ thuật Pervaporation không mới nhưng từ trước tới giờ, Pervaporation được sản xuất khá phức tạp và đắt đỏ.

Pervaporation được sử dụng để tách các chất lỏng hữu cơ, như rượu, và là một trong những hệ thống phổ biến hơn được sử dụng trong xử lý nước thải để tách nước từ các dung môi hữu cơ. “Công nghệ này đã được sử dụng từ giữa những năm 90”, Helmy El-Zanfaly, một giáo sư về ô nhiễm nước tại Trung tâm nghiên cứu quốc gia của Ai Cập cho biết.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, phương pháp mới được các nhà khoa học Ai Cập tìm ra là một bước đột phá, bởi việc kết hợp bột ellulose acetate sẽ khiến lớp màng có khả năng hút muối cực tốt và tăng cường hiệu quả thoát hơi nước. Loại bột này có giá thành rẻ và là “nguyên liệu rất dồi dào ở Ai Cập và các nước đang phát triển”, El-Zanfaly cho biết thêm.

“Công nghệ được thực hiện trong nghiên cứu này tốt hơn nhiều so với phương pháp thẩm thấu ngược, loại kỹ thuật đang được sử dụng ở Ai Cập và hầu hết các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi”, El-Zanfaly nói – “Nó có thể khử muối trong nước có nồng độ muối cao như ở Biển Đỏ”.

Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ thiết lập một bộ phận khử muối nhỏ như là một dự án thí điểm về công nghệ.

Theo El-Shafei, công nghệ này có thể được điều chỉnh để thương mại hóa bằng cách chế tạo các tấm màng lớn và cắt chúng ra thành những dải phù hợp. Nếu như nghiên cứu này có thể được thương mại hóa, nó sẽ là vị cứu tinh về nguồn nước cho các nước nghèo và đang phát triển cạn kiệt nguồn nước ngọt.

(Nguồn: Theo Khampha)

17/06/2023 596 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm