Cần thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư cho xử lý nước thải làng nghề

14/06/2023 295 lượt xem quantri

TPO – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, Hà Nội hiện có tới 1350 làng nghề và tại nhiều nơi tình trạng ô nhiễm đang rất nghiêm trọng. Vấn đề khó nhất hiện nay là lấy đâu ra tiền để đầu tư xử lý ô nhiễm cho các làng nghề vì kinh phí từ ngân sách thì gần như không đáng kể…

Không hấp dẫn nhà đầu tư 

Báo cáo trước HĐND thành phố về xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết: Hà Nội hiện có tới 1350 làng nghề và tại nhiều nơi tình trạng ô nhiễm đang rất nghiêm trọng. Vấn đề khó nhất hiện nay là lấy đâu ra tiền để đầu tư xử lý ô nhiễm cho các làng nghề vì kinh phí từ ngân sách thì gần như không đáng kể. Trong khi đó huy động từ xã hội hóa thì hết sức khó khăn.

“Thành phố đã rất quan tâm đến vấn đề này. Tôi đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nhưng chỉ duy nhất có một nhà đầu tư là Công ty Phú Điền chấp nhận đầu tư xử lý rác thải làng nghề. Lý do là vốn đầu tư vào lĩnh vực này rất lớn mà lợi nhuận thấp”, ông Khanh nói.

Báo cáo của UBND thành phố cho biết, dự án thu hút từ xã hội hóa duy nhất là xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, công suất 13.000m3/ngày.đêm. Nhà máy này sẽ xử lý nước thải làng nghề của 3 xã gồm Cát Quế – Dương Liễu – Minh Khai, được đầu tư bằng hình thức xã hội hóa; dự kiến nhà máy hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2016. Còn lại toàn bộ các dự án khác triển khai xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề đều phải sử dụng nguồn vốn từ ngân sách.

“Thành phố đã rất quan tâm đến vấn đề này. Tôi đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nhưng chỉ duy nhất có một nhà đầu tư là Công ty Phú Điền chấp nhận đầu tư xử lý rác thải làng nghề. Lý do là vốn đầu tư vào lĩnh vực này rất lớn mà lợi nhuận thấp”, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh nói. 
UBND thành phố cho hay, việc xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường còn gặp nhiều khó khăn do hoạt động sản xuất trong khu vực làng nghề có quy mô nhỏ (chủ yếu là hộ gia đình), nằm phân tán trong khu dân cư, hầu hết không có hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải, khí thải; kinh phí đầu tư cho công nghệ, xây dựng công trình xử lý ô nhiễm môi trường rất lớn nên việc kêu gọi, huy động các hộ gia đình, cơ sở sản xuất trong làng nghề đầu tư cho công tác xử lý, bảo vệ môi trường cũng rất khó khăn.

Xử lý ô nhiễm môi trường tại 50 làng nghề

Ban chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề Thành phố tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai chính sách khuyến khích phát triển làng nghề Thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020, trong đó coi công tác bảo vệ môi trường làng nghề là một trong những tiêu chí để đánh giá việc phát triển của làng nghề; đồng thời, đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường tại 50 làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trước đó, từ năm 2012, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành khảo sát tại 17 làng nghề có ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đã lựa chọn 06 làng nghề đặc biệt ô nhiễm về nước thải để tổ chức triển khai thí điểm công nghệ xử lý phù hợp. Một số mô hình thí điểm xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề đã thực hiện, cho kết quả tích cực, đã được nghiệm thu, bàn giao cho cơ sở sản xuất quản lý sử dụng, có thể phổ biến, nhân rộng, như: Thí điểm xử lý nước thải cho làng nghề chế biến tinh bột sắn tại xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai; thử nghiệm mô hình xử lý bụi làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ tại xã Vân Hà, huyện Đông Anh; xử lý ô nhiễm nước thải làng nghề bằng chế phẩm tại xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai…

(Theo www.tienphong.vn)

14/06/2023 295 lượt xem quantri

Có thể bạn quan tâm