Vấn đề mang tính cốt lõi là trong thời gian chờ đợi giải ngân nguồn vốn, lãnh đạo Biwase đã bỏ công tìm kiếm, lựa chọn công nghệ, nhà thầu để có được kết quả cuối cùng là công nghệ sản xuất phân compos gắn với xử lý rác thải không chôn lấp. Sự lựa chọn này đã đưa Bình Dương tránh khỏi sai lầm mà nhiều tỉnh, thành khác mắc phải, khiến dự án phải “đắp chiếu”.
Biến chất thải thành tài nguyên
Tính toán của các nhà chuyên môn về lượng nước thải sinh hoạt của cư dân đô thị, cụ thể là hai đô thị lớn nơi đặt nhà máy xử lý nước thải làThủ Dầu Một và Thuận An cho thấy, nếu không có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt cùng hệ thống thu gom khép kín đưa về nhà máy xử lý thì mỗi ngày hệ thống kênh rạch, sông ngòi phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải vào nguồn nước mặt, nước ngầm tự nhiên. Theo thời gian, nếu tình hình trên không sớm được ngăn chặn thì nguồn nước mặt, nước ngầm sẽ bị ô nhiễm, suy thoái như những thành phố lớn trên thế giới và trong nước đã diễn ra, kéo theo hàng loạt rủi ro mang tính hệ thống như ô nhiễm, dịch bệnh, giảm sút chất lượng cuộc sống…
Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt TX.Thuận An (thuộc dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương giai đoạn II) có công suất giai đoạn I là 17.000m3/ngày đêm, tầm bao phủ của hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt là 3.163 ha qua các phường An Phú, Thuận Giao, Bình Hòa, Vĩnh Phú… của TX.Thuận An. Đây là nhà máy hiện đại, vận hành bằng công nghệ bùn hoạt tính tuần hoàn dạng mẻ cải tiến ASBR; nước thải sau xử lý đạt loại A, Quy chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT.
Trước đây, đến thăm Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt TP.Thủ Dầu Một (dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương giai đoạn I), Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải lúc đó (nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội) sau khi tham quan một vòng nhà máy đã trực tiếp đến hồ điều hòa, là đầu ra cuối cùng của nguồn nước thải đã qua xử lý từ nhà máy, theo dõi đàn cá tự nhiên tung tăng bơi ngược dòng tìm kiếm thức ăn. Sau đó, Phó Thủ tướng nói, thành công này sẽ được nghiên cứu nhân rộng ra cả nước.
Ý kiến của nguyên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có thể được hiểu là Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt TP.Thủ Dầu Một vừa làm tốt vai trò xử lý nước thải sinh hoạt đạt chuẩn cao nhất trước khi trả lại môi trường tự nhiên, vừa góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và sự phát triển môi trường bền vững. Quan trọng hơn, vấn đề thu hồi xử lý chất thải và biến chúng thành nguồn tài nguyên hữu ích phục vụ cuộc sống mà Biwase đang thực hiện như tái chế các sản phẩm sau nước thải, rác thải thành gạch xây dựng, phân bón, nhiên liệu đốt, hóa chất… Đây chính là những bước đi cơ bản, làm nền tảng để Bình Dương tiến tới đô thị thông minh.